Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 11:01, 31/05/2022
Đời sống sinh hoạt của người dân trở về trạng thái bình thường của những năm trước dịch COVID-19, nhu cầu du lịch tăng mạnh cùng với sự kiện SEA Games 31 vừa được tổ chức tại Việt Nam làm cho hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng 5 trở nên nhộn nhịp và sôi động.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2022 đạt 477.000 tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Trong đó, dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành phục hồi mạnh mẽ với doanh thu tăng lần lượt là 69,3% và 324,3% so với cùng kỳ.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.257.000 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3% (cùng kỳ năm 2021 giảm 1%).
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022 tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 13,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 12,8%; phương tiện đi lại tăng 3,1%; may mặc tăng 0.2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 1,6%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Đà Nẵng tăng 19,4%; Cần Thơ tăng 17,3%; Quảng Ninh tăng 15,4%; Hải Phòng tăng 12.6%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 11.2%; Đồng Nai tăng 10.6%; Hà Nội tăng 10,4%; TP. Hồ Chí Minh tăng 7,7%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm 2022 tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước khi nhu cầu của người dân tăng cao cùng với chuỗi sự kiện SEA Games 31 đã giúp doanh thu của ngành này trong tháng 5 tăng 69.3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu của một số địa phương tăng/giảm như sau: Cần Thơ tăng 39,7%; Hà Nội tăng 34,2%; Đồng Nai tăng 22,6%; Quảng Ninh tăng 17,3%; Hải Phòng tăng 10,5%; Bình Dương tăng 11,4%.