Người phạm tội khi đang mắc bệnh tâm thần xử lý thế nào?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 17:17, 25/05/2022
Mặc dù các cơ quan chuyên môn đã có nhiều khuyến cáo đối với những gia đình có người bệnh tâm thần cần đưa đến cơ sở y tế khám hoăc đến vào các trung tâm chữa trị để phòng những trường hợp đáng tiếc, tuy nhiên, nhiều vụ án đau lòng vẫn xảy ra.
Cách đây ít hôm, vào ngày 10/5 tại một căn nhà ở quận 5, TP.HCM xảy ra một vụ án mạng khiến 2 người tử vong. Nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ án mạng được cho là do đối tượng có tiền sử tâm thần.
Cụ thể, nghi phạm Trần Hồ Hiếu Thịnh (33 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM có tiền sử bệnh tâm thần đã dùng dao sát hại mẹ và dì ruột ngay trong căn nhà của mình trên đường Trần Phú.
Theo cơ quan chức năng, nghi phạm Trần Hồ Hiếu Thịnh có giấy chứng nhận bệnh tâm thần, hiện sống cùng mẹ và dì ruột trong căn nhà số 128B trên đường Trần Phú.
Một vụ việc thương tâm khác vừa mới xảy ra tại xã Thanh Định, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) khiến người dân địa phương bàng hoàng khi con trai có biểu hiện tâm thần dùng gậy sát hại bố đẻ dã man.
Nạn nhân là ông N.V.L (SN 1962) bị con trai là Nguyễn Văn Long (SN 1984) dùng gậy gỗ đánh dẫn đến tử vong.
Trước đó, khoảng 16 giờ ngày 23/5, chính quyền địa phương nhận tin báo về vụ án mạng xảy ra khiến 1 người đàn ông tử vong.
Ngay sau đó, cơ quan công an đã bắt giữ nghi phạm Nguyễn Văn Long (SN 1984, là con trai ông L.) và thu giữ hung khí gây án ngay tại hiện trường.
Trao đổi với báo chí, ông Ma Đình Trường - Chủ tịch UBND xã Thanh Định xác nhận, nghi phạm Nguyễn Văn Long là đối tượng bị tâm thần, đã được người nhà đưa đi điều trị tại bệnh viện nhiều lần.
Trước tình trạng đối tượng tâm thần gây án, rất nhiều độc giả quan tâm, người phạm tội khi đang mắc bệnh thâm thần sẽ bị xử lý như thế nào? Pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này?
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Thị Huế (Công ty Luật TNHH XTVN, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, với những trường hợp người mắc bệnh tâm thần có hành vi vi phạm pháp luật gây tổn hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác là một hiện tượng hết sức nguy hiểm cho xã hội.
Tại Điều 21 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Như vậy, theo pháp luật hiện hành, người phạm tội khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Để xử lý trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, luật sư Huế cho biết cơ quan tố tụng cần phải xác định được năng lực trách nhiệm hình sự của người đó. Trường hợp tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi không có năng lực trách nhiệm hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, luật sư Huế lưu ý, đối với những người tâm thần phạm tội, họ vẫn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp kết luận của hội đồng giám định y khoa kết luận rằng họ chỉ bị hạn chế năng lực hành vi chứ không phải mất.
“Đối với vụ việc con sát hại bố ở Thái Nguyên, cơ quan điều tra cần phải tiến hành các thủ tục để giám định tâm thần đối với người thực hiện hành vi giết người. Đồng thời, xem xét toàn diện, thật kĩ lưỡng tất cả các yếu tố tác động đến nhận thức và tâm lý của đối tượng đó khi phạm tội, thu thập các vật chứng, vật phẩm nghi có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia, chất kích thích của đối tượng để có căn cứ xử lý”, luật sư Huế bày tỏ.