Nhân viên y tế chống dịch Covid-19 không cần mặc đồ bảo hộ kín mít
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:15, 25/05/2022
Bộ Y tế vừa ban hành quyết định về việc hướng dẫn lựa chọn và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống bệnh dịch Covid-19.
Theo Bộ Y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân gồm găng tay y tế, khẩu trang y tế (sử dụng một lần), khẩu trang hiệu suất lọc cao (gọi tắt là khẩu trang N95), áo choàng, tấm che mặt hoặc kính bảo hộ.
Áo choàng gồm 3 loại:
Áo choàng sử dụng một lần;
Áo choàng sử dụng lại: Với những đơn vị có nguồn lực hạn chế, nhân viên y tế khi thực hiện thăm khám, chăm sóc hoặc thực hiện các quy trình kỹ thuật không có nguy cơ văng bắn máu, dịch cơ thể người bệnh Covid-19 tới thân mình (ví dụ: thủ thuật can thiệp vào mạch máu lớn, chăm sóc vết thương rộng, thủ thuật sản khoa...) có thể sử dụng áo choàng sản xuất từ vật liệu có thể giặt khử khuẩn như vải polyester hoặc polyester-cotton và phải thực hiện giặt khử khuẩn trước khi dùng lại đúng quy định.
Áo choàng có thiết kế dài tay bao phủ toàn thân từ cổ đến đầu gối, cổ áo tối thiểu phải che kín đến khớp ức đòn, có dây buộc hoặc khuy cố định áo phía sau lưng.
Theo hướng dẫn mới này chỉ sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân tối thiểu theo nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Chẳng hạn tại cơ sở y tế với nơi có nguy cơ lây nhiễm thấp như không tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 (khu hành chính, văn phòng...) chỉ cần sử dụng khẩu trang y tế.
Tương tự, tại khu vực lâm sàng, cận lâm sàng không có bệnh nhân Covid-19 cũng chỉ cần sử dụng khẩu trang y tế, có thể sử dụng găng tay y tế hoặc không tùy theo tình huống cụ thể. Nhân viên y tế làm việc tại khu vực tiếp đón của bệnh viện cũng chỉ cần sử dụng khẩu trang y tế, có thể có hoặc không cần tấm che mặt.
Người lấy mẫu bệnh phẩm hô hấp hoặc thực hiện test nhanh kháng nguyên được xếp vào nhóm có nguy cơ rất cao nên phải dùng khẩu trang N95, găng tay y tế, áo choàng và tấm kính che mặt.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.711.389 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.205 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.703.631 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.598.484), TP.HCM (609.206), Nghệ An (484.208), Bắc Giang (387.530), Bình Dương (383.770).
Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn sử dụng thuốc điều trị Covid-19. Trong đó ưu tiên những người thuộc đối tượng chống chỉ định cần được tư vấn, thăm khám (kể cả trực tuyến) để đảm bảo sử dụng thuốc được an toàn.
Đánh giá xu hướng tăng/giảm ca nặng, số ca nhập viện so với số ca mắc để đánh giá nguy cơ tình hình dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai báo ca bệnh tại cộng đồng, hỗ trợ triển khai các thủ tục, chính sách đối với người nhiễm bệnh và mua thuốc điều trị Covid-19.