Đoan Hùng - Phú Thọ (Kỳ 2): Đất bưởi biến dạng, Chủ tịch xã thừa nhận khó xử lý sai phạm
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 21:59, 24/05/2022
Đất bưởi ven đê tăng phi mã
Theo lời kể của người dân địa phương, khu vực đất trồng bưởi tại Khu Vân Cương 1 (xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) trước đây được gọi là Sóc, thường thì chỉ để chăn thả gia súc. Tới khoảng năm 2000, hội nông dân địa phương cùng hội viên tổ chức trồng mía bán cho nhà máy đường Việt Trì nhưng cũng chỉ duy trì được 3 năm.
Ông Nguyễn Văn Tuyến, trưởng khu Vân Cương 1, cho biết kể từ năm 2004, nhà nước giao khu đất này cho một số cá nhân với mục đích sử dụng để tham gia vào dự án bảo tồn và phát triển giống bưởi đặc sản của huyện Đoan Hùng. Từ đó đất vẫn trồng bưởi và trồng xen một số cây nông nghiệp ngắn ngày, ông Tuyến cũng cho hay có việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên khu đất này nhưng là cho những ai thì ông Tuyến không nắm rõ.
Tới năm 2015, khi cầu Sông Lô hoàn thành và đưa vào sử dụng thì khu vườn bưởi của thôn 8 lúc bấy giờ (nay là Khu Vân Cương 1) trở thành khu vực đắc địa khi lượng người và phương tiện qua đây đông đúc. Nhiều người dân địa phương đã ra khu vực ven đê buôn bán mớ rau, con cá kiếm sống qua ngày. Về sau, có thêm nhiều người tới buôn bán đủ loại hàng hóa nên khu vực này trở nên sầm uất.
Cuộc sống làng quê đang bình yên bỗng nhiên trở nên xáo trộn khi vào giữa năm 2021, những tin đồn về một khu thương mại – dịch vụ sầm uất sẽ được xây dựng ven đê gần với cầu sông Lô lan ra khắp vùng. Lúc này, khu đất bưởi giáp cầu sông Lô bỗng hóa “đất vàng”, người người đổ tiền vào mua với giá 30 triệu đồng mỗi mét dài theo mặt đê, người có nhiều tiền thì mua vài chục mét, người ít tiền cũng cố gắng mua 5 – 10 mét với hy vọng “đổi đời”.
Nửa cuối năm 2021, việc san lấp đất bưởi diễn ra nhanh chóng, phần lớn đất được vận chuyển từ khu vực gò Tròn thuộc thôn Hữu Đô 3 và khu đồi gần trạm Y Tế xã Đại Nghĩa cũ. Việc khai thác, vận chuyển và san lấp trái phép diễn ra giữa ban ngày, gây ô nhiễm môi trường đã bị người dân phản ánh nhưng không có cơ quan nào xử lý. Thời gian người dân buôn bán ven đê phải dịch chuyển vào đường liên xã để kinh doanh trùng khớp với thời điểm việc san lấp trở nên rầm rộ nhất, những cây bưởi dự án có tuổi đời gần 20 năm được bứng qua cầu đưa sang thị trấn Đoan Hùng.
Trong thời gian dài việc giao dịch đất bưởi trở thành đề tài nóng trong những câu chuyện của người dân địa phương. Sau đó trên phần đất bưởi mọc lên công trình xây dựng, hoạt động giao dịch đất nền tại đây trở sôi động, từ 30 triệu tăng lên 50 triệu, sau đó là 75 triệu và mới đây nhất đã lên tới 95 triệu mỗi mét dài mặt đê.
Chỉ khi Báo Công lý vào cuộc và lên tiếng phản ánh về tình trạng san lấp, phân lô, bán nền đất bưởi trái phép tại Khu Vân Cương 1 (xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng), thì việc giao dịch đất bưởi tại đây mới “hạ nhiệt” và “đóng băng”. Hệ lụy khôn lường của của việc giao dịch đất nông nghiệp san lấp bất hợp pháp hiện khiến không ít nhà đầu tư kẹt vào thế “bỏ thì thương, vương thì tội”. Trong khi đó, những người dẫn đầu cuộc chơi “buôn đất bưởi” đã “cao chạy xa bay” cùng món lợi kếch xù.
Chính quyền địa phương trước sau bất nhất (!?)
Theo quan sát của phóng viên, hiện tại đất nông nghiệp ở khu vực dọc đê tả sông Lô thuộc xã Hợp Nhất nhiều nơi đã được đổ đất san lấp trái phép, rải đá răm, xây dựng công trình kiên cố. Tình trạng vi phạm trên đã rõ như ban ngày, các cấp chính quyền xã và huyện đều thừa nhận nhưng việc xử lý vi phạm, khắc phục hậu quả thì đến giờ vẫn bỏ dở giữa chừng.
Ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Hợp Nhất, thừa nhận tình trạng tự ý san lấp, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp trên là của 4 hộ dân trong xã vi phạm. Ông Chung cho hay, UBND xã Hợp Nhất đã thành lập tổ công tác đi kiểm tra về việc dựng quán bán hàng trái phép, đổ đất trái phép và đã lập biên bản vi phạm hành chính với 4 hộ dân vi phạm.
Lý giải về việc người dân thay đổi hiện trạng đất, ông Chung cho rằng: “Đây là đất trồng bưởi nhưng do thổ nhưỡng không hợp, bưởi chất lượng kém. Ban đầu, có khoảng 4 - 5 hộ đứng ra để thầu trồng bưởi, giờ người ta cũng mua bán lại nên không biết được có bao nhiêu người đang sở hữu.”
Đáng chú ý, khi được hỏi về cách xử lý những sai phạm trên đất nông nghiệp, Chủ tịch UBND xã Hợp Nhất lại cho rằng: “Khu vực đó nếu để nguyên trạng thì chẳng bao giờ phát triển được. Đúng là việc san đất thì chắc chắn là sai, bây giờ mà để khắc phục trả lại tình trạng ban đầu, thật ra rất khó, bất khả thi, thật sự là đánh đố.” – ông Chung phân trần.
Ông Chung cũng giả thích thêm rằng, cuối năm 2021 xã Hợp Nhất được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng do xã không có chợ, nên cứ chiều đến là người dân tự ý họp chợ ở gần khu vực cầu sông Lô, gây ra tình trạng vi phạm về an toàn giao thông. Chính vì vậy, dù biết có tình trạng đổ đất trái phép trên nhưng nghĩ cũng khổ cho người dân, giờ cũng không có chỗ nào để có chợ tạm cho bà con, nên cũng linh động.
Trao đổi với Báo Công lý, ông Nguyễn Hùng Luân, Trưởng phòng TN&MT huyện Đoan Hùng cho hay: “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của xã Hợp Nhất đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt nhưng quy hoạch dự án đang đợi xin ý kiến của các sở, ban, ngành. Hiện tại, đây vẫn là đất nông nghiệp, mục đích là để trồng cây lâu năm”.
Bên cạnh đó, ông Luân cũng khẳng định rằng: “Khu vực bên ngoài đê, đó là khu vực thuộc hành lang đê điều không được phép xây dựng kiên cố ở đó, ai dám cấp phép. Việc tự ý san lấp đất, tôn cao mặt bằng, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp tại khu Vân Cương, xã Hợp Nhất là ảnh hưởng đến không gian và hành lang thoát lũ, phải kiểm tra, xử lý các vi phạm trên theo đúng quy định của pháp luật, trả lại nguyên trạng của đất trồng bưởi... Làm gì có chuyện chính quyền địa phương lại bảo bất khả thi”.
Khi được hỏi về đối tượng nào đã ngang nhiên san lấp, lấn chiếm trái phép không gian – hành lang thoát lũ cả gần một năm nay thì Trưởng phòng TN&MT huyện Đoan Hùng chỉ trả lời chung chung, việc đổ trên là do một công ty khai thác đá đổ trộm và công ty này cứ đi đổ lung tung và UBND huyện Đoan Hùng sẽ cương quyết xử lý vi phạm của công ty này. Ông Luân cũng cho biết: “Việc sai phạm ở đây là rõ rồi, chúng tôi sẽ cử cán bộ xuống chỉ đạo, đôn đốc xã. Vi phạm thì phải xử lý, phải cương quyết xử lý. Hiện nay, theo tôi được biết thì mới xử lý hành chính.”
Đến nay, hàng ngàn mét vuông đất bưởi biến dạng thành đất nền, làm không ít người thiếu hiểu biết sập bẫy “bánh vẽ”, nhưng UBND xã Hợp Nhất và UBND huyện Đoan Hùng mới chỉ xử lý dứt điểm trên giấy. Việc lững lờ trong xử lý vi phạm về đất đai, đê điều của chính quyền địa phương có dấu hiệu buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay cho hoạt động giao dịch đất nông nghiệp, thổi giá đất lên cao để trục lợi của một nhóm đối tượng “vô hình”?
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.