Phải có đánh giá lợi ích và phí tổn khi đề xuất sáng kiến lập pháp

Chính trị - Ngày đăng : 16:31, 24/05/2022

Sáng  24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình năm 2022.

Nhiều nội dung đáng chú ý về chất lượng lập pháp được các đại biểu đề cập.

_anl7225-copy.jpg

Dự kiến và điều chỉnh

Đề cập về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, UBTVQH đã quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2022 các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội gồm: Nghị quyết về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa để Chính phủ kịp chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 3 theo quy trình tại một kỳ họp.

Đối với các dự án còn lại, UBTVQH xin báo cáo và đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh như sau: Đổi tên dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thành dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật; Bổ sung dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4 theo quy trình tại một kỳ họp; Bổ sung 05 dự án luật, bao gồm: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4.

Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội đối với dự án Luật này đến khi có chủ trương, định hướng, chỉ đạo của Trung ương về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai là rất cấp thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật; đáp ứng yêu cầu huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tạo cơ sở để sửa đổi, bổ sung đồng bộ, khắc phục những hạn chế, bất cập trong các văn bản luật khác có liên quan…

Tuy nhiên, đây là dự án luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng. Do đó, đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật này từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 và vẫn giữ quy trình xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp Quốc hội (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6).

Về Chương trình năm 2023, trên cơ sở xem xét đề nghị của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, ý kiến tham gia thẩm tra các ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự kiến Chương trình năm 2023 như sau: Trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 đối với 07 dự án, dự thảo, trong đó 06 luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, bao gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự và (7) dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp.

Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 đối với 06 dự án luật, bao gồm: 04 dự án luật, gồm Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và 03 dự án là Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự như tiến độ do Chính phủ đề xuất. 02 dự án luật, gồm Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Phát biểu thảo luận, nhiều đại biểu băn khoăn về kỷ cương lập pháp và cho rằng, việc điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật thường xuyên cho thấy tính ổn định của chương trình chưa bền vững, trong khi đây là gốc rễ thuộc quyền lập pháp của Quốc hội. Vì vậy, khi Quốc hội thông qua một luật nào đó rồi thì hạn chế tối đa việc điều chỉnh mới.

202205241336508762_le-thanh-van-ca-mau-2-.jpg
Đại biểu Lê Thanh Vân- Cà Mau phát biểu thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là luật hoá sáng kiến của Đảng đoàn Quốc hội về chiến lược lập pháp. Quốc hội đã có chiến lược liên quan đến kinh tế-xã hội, đầu tư công, kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm thì nên có tầm nhìn xa hơn về xây dựng pháp luật. Ngoài ra, cần mở rộng thành phần soạn thảo các dự án, chú trọng các chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là đối tượng chịu tác động để họ lên tiếng. Lấy ý kiến nhân dân rộng rãi về dự án có tác động rộng. Không đưa vào chương trình các dự án luật mà Quốc hội đã không tán thành.

Phải có đánh giá lợi ích và phí tổn khi đề xuất sáng kiến lập pháp

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - TP Hồ Chí Minh đề nghị phải có  nguyên tắc xuyên suốt trong công tác lập pháp của Quốc hội đó là khi chấp thuận hoặc đưa bất kỳ một sáng kiến lập pháp nào hay làm mới, sửa đổi, bổ sung một đạo luật, trước khi đưa vào chương trình lập pháp của Quốc hội phải buộc tổ chức, cơ quan đề xuất phải có bản đối chiếu, phân tích, đánh giá 2 khía cạnh phí tổn và lợi ích của dự án luật đó.

Lý do là khi làm mới hay bổ sung, sửa đổi một đạo luật có rất nhiều loại phí tổn. Đại biểu Nghĩa nêu ví dụ, phí tổn của quá trình xây dựng đề án, luật, phí tổn của quá trình soạn thảo luật, phí tổn của quá trình thông qua luật, phí tổn của quá trình thực hiện luật.

Theo đại biểu, các phí tổn phát sinh dưới nhiều dạng, ở nhiều khu vực, phí tổn của ngân sách công và của khu vực tư, phí tổn của khu vực tư, của xã hội và của người dân. Loại phí tổn này thường thì chúng ta không quan tâm đầy đủ, khi chúng ta làm luật. Phí tổn của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, phí tổn bằng tiền hay các loại phí không bằng tiền và không đo được bằng tiền, phí tổn nhìn thấy được và không nhìn thấy được. Ví dụ, các tác động tiêu cực về tâm lý xã hội của người dân, của doanh nghiệp cũng gây ra những thiệt hại.

Cùng với đánh giá phí tổn là so sánh, phân tích, đánh giá các lợi ích, lợi ích cho đất nước, cho nền kinh tế, cho quản lý nhà nước và cho người dân, lợi ích ngắn, trung và dài hạn, lợi ích chuyên ngành và lợi ích tổng thể, lợi ích kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng, tác động đến lợi ích trong nước và quốc tế.

Đại biểu cho rằng, có những quy định khiến cho các lợi ích mâu thuẫn nhau, triệt tiêu nhau, được về ngắn hạn nhưng hại về dài hạn, lợi cho quản lý nhà nước nhưng thiệt hại cho quyền tự do dân chủ hiến định của người dân. Quốc hội cần yêu cầu cơ quan, tổ chức trình sáng kiến lập pháp hay trình dự án luật phải cung cấp các thông tin được lượng hóa, tiêu chí hóa, mô hình hóa, có phân tích tổng hợp, đánh giá nhiều chiều một cách khách quan, khoa học để Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội quyết định có đưa dự án luật vào chương trình xây dựng luật hay không hay là có thông qua dự thảo luật hay không. Các cơ quan của Quốc hội cũng cần mời các chuyên gia phản biện chuyên môn chuyên sâu và nhất là so sánh phí tổn và lợi ích như nêu trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị.

202205241336509075_truong-trong-nghia-ho-chi-minh.jpg
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - TP Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận tại hội trường.

Đại biểu cho rằng, có những đạo luật ra đời thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước nhưng bất tiện cho người dân, có đạo luật bị rơi vào quên lãng, hoặc chỉ vận hành như một loại chính sách hay là biện pháp hành chính, không phải là một đạo luật đúng nghĩa. Có những lĩnh vực cần pháp điển hóa, nghĩa là làm chung một đạo luật đầy đủ các bộ phận liên quan nhau để tránh chồng chéo, xung đột và để thuận tiện cho người dân thì không nên chia cắt thành nhiều luật, lợi sẽ bất cập hại. Những đạo luật như vậy gây ra lãng phí công sức, tiền của Nhà nước, của xã hội và của Nhân dân.

Dẫn chứng câu nói của Bác Hồ nói "Cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, mà có hại cho dân thì hết sức tránh", "luật rừng" là có hại, nhưng "một rừng luật" với hiệu quả, chất lượng kém, chồng chéo, xung đột, gây ách tắc thì thiệt hại còn nhiều hơn, đại biểu đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vận dụng các di huấn này khi xem xét các sáng kiến lập pháp và các dự án luật. Làm như vậy thì công tác lập pháp của Quốc hội sẽ vất vả hơn, nhưng chất lượng và hiệu quả sẽ cao hơn.

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ này chú trọng công tác xây dựng thể chế, số lượng các cuộc họp về công tác này cũng rất nhiều, cách làm cũng có điểm khác, là sự cố gắng lớn của Chính phủ và nhận được sự đồng thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ Tư pháp cũng sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý, kể cả những gợi ý về các dự án cụ thể, tiếp tục tham mưu báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để có các giải pháp hữu hiệu hơn trong việc lập, thực hiện chương trình luật và pháp lệnh cho những năm sau tốt hơn năm trước.

Mai Thoa