Thủ tướng dự Lễ công bố khởi động thảo luận về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng

Chính trị - Ngày đăng : 19:34, 23/05/2022

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh mô hình tăng trưởng, liên kết kinh tế theo hướng bền vững hơn, tự cường hơn, phát huy tối đa nội lực, kết hợp với tối ưu hóa ngoại lực; đề cao chủ nghĩa đa phương và tăng cường đoàn kết quốc tế trên nền tảng của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm.
thu-tuong-du-le-khoi-dong-thao-luan-ve-ipef.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu theo hình thức trực tuyến

Chiều ngày 23/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại lễ công bố khởi động thảo luận về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF).

Buổi lễ được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Lễ công bố khởi động thảo luận có sự tham gia của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Bộ trưởng kinh tế các nước Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và lãnh đạo Bộ Ngoại giao Australia.

Các nhà lãnh đạo chia sẻ tầm nhìn về một khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương mở, bao trùm, công bằng, dựa trên luật lệ, kết nối, tự cường, an ninh và thịnh vượng, với tiềm năng tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, là động lực cho kinh tế toàn cầu, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN.

Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh sự cấp thiết của việc hợp tác chặt chẽ để bảo đảm phục hồi và phát triển kinh tế trên cơ sở thích ứng, bền vững và bao trùm. Đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế, minh bạch và chống tham nhũng, hợp tác, duy trì các chuỗi cung ứng thiết yếu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và mở rộng các cơ hội kinh tế cho ngươì dân.

Các nhà lãnh đạo nhất trí khởi động tiến trình thảo luận về IPEF và sẵn sàng mời các quốc gia trong khu vực có quan tâm cùng tham gia với kỳ vọng khuôn khổ hợp tác này sẽ giúp các nền kinh tế tăng cường tính chống chịu nhất là trong quá trình phục hồi sau đại dịch, nâng cao sức cạnh tranh, tính thích ứng, bền vững, bao trùm, đóng góp vào hợp tác, ổn định, thịnh vượng, phát triển và hòa bình của khu vực, vì lợi ích thiết thực của người dân. Nội dung thảo luận trong thời gian tới sẽ tập trung vào bốn trụ cột là: thương mại; chuỗi cung ứng; năng lượng sạch, phi carbon hóa và cơ sở hạ tầng; thuế và chống tham nhũng.

thu-tuong-du-le-khoi-dong-thao-luan-ve-ipef-2.jpg
Thủ tướng khẳng định Việt Nam kiên định đường lối và đang đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Phát biểu tại Lễ công bố khởi động thảo luận về IPEF, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh mô hình tăng trưởng, liên kết kinh tế theo hướng bền vững hơn, tự cường hơn, phát huy tối đa nội lực, kết hợp với tối ưu hóa ngoại lực; đề cao chủ nghĩa đa phương và tăng cường đoàn kết quốc tế trên nền tảng của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm. Sự kiện này sẽ khởi động và thúc đẩy các nước cùng nhau tích cực trao đổi, thảo luận nghiêm túc, chung tay xử lý các vấn đề quan trọng có tính khu vực, toàn cầu như đa dạng và bền vững chuỗi cung ứng, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, thương mại điện tử, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải, phát triển xanh, các vấn đề về thuế và chống tham nhũng, tiêu cực…

Thủ tướng khẳng định Việt Nam kiên định đường lối và đang đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Việt Nam cũng tham gia nhiều sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế, tích cực đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung đẩy nhanh phục hồi kinh tế và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng cho rằng trong quá trình thảo luận về IPEF, cần hướng đến một khuôn khổ hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Đây cần là một quá trình mở, bao trùm, cân bằng, phù hợp với luật pháp quốc tế, đáp ứng lợi ích hợp pháp và chính đáng của các bên liên quan. Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN và các đối tác liên quan tiếp tục thảo luận, làm rõ hơn nội hàm của các trụ cột hợp tác, đem lại một chương trình nghị sự kinh tế tích cực, hiệu quả, khả thi cho khu vực và cho mỗi nước; vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng trong khu vực và trên toàn thế giới.

Xuân Lan