Ấn Độ đối mặt với cuộc khủng hoảng điện năng tồi tệ nhất trong 6 năm qua

Đời sống - Ngày đăng : 07:04, 22/05/2022

Khi đợt nắng nóng tràn qua khu vực rộng lớn, gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng cũng là lúc Ấn Độ sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng điện năng tồi tệ nhất trong 6 năm qua. Như vậy, gần một nửa trong số 35.000 người trên khắp Ấn Độ sẽ phải đối diện với tình trạng cắt điện liên miên trong những ngày sắp tới. Hơn thế nữa, những ngành công nghiệp ở đất nước này cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề.

Nhu cầu sử dụng điều hòa không khí đã tăng vọt trong đợt nắng nóng liên tục trong năm nay. Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế sau khi dỡ bỏ tất cả các hạn chế liên quan đến COVID-19 đối với hoạt động công nghiệp đã đẩy nhu cầu sử dụng điện tại Ấn Độ lên mức cao kỷ lục trong tháng 4.

1000-16405097978211585668791.jpeg
Than vụn đã sẵn sàng được vận chuyển và bán cho các thương nhân ở Dhanbad, bang Jharkhand, miền Đông Ấn Độ. (Ảnh: AP)

Các mô hình làm việc kết hợp mới đã được áp dụng kể từ khi dịch COVID-19 diễn ra vào năm 2020, trong đó hàng triệu người Ấn Độ làm việc tại nhà, thúc đẩy việc sử dụng điện vào ban ngày trong cộng đồng dân cư. Khoảng cách giữa nguồn điện được cung cấp và thực tế tiêu thụ thường rộng hơn vào ban đêm, khi nguồn cung cấp năng lượng mặt trời ngừng hoạt động và nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao.

Nhiều nhà máy điện cạn kiệt nhiên liệu do sản lượng điện sản xuất tăng mạnh, trong khi lượng than trung bình do các công ty điện lực giữ ở mức thấp nhất vào thời điểm này trong năm trong ít nhất 9 năm.

Bất chấp sản lượng khai thác kỷ lục của Công ty Than Ấn Độ do nhà nước điều hành, chiếm 80% sản lượng than nội địa, các công ty điện lực vẫn bị thiếu than để sản xuất điện. Cuộc khủng hoảng đã khiến Ấn Độ phải đảo ngược chính sách cắt giảm nhập khẩu than nhiệt điện xuống 0 và yêu cầu các công ty điện tiếp tục nhập khẩu than trong ba năm tới.

Ấn Độ cũng viện dẫn một luật khẩn cấp để bắt đầu phát điện tại tất cả các nhà máy chạy bằng than nhập khẩu, trong đó nhiều nhà máy hiện đang phải dừng hoạt động do giá than quốc tế tăng cao.

Lượng hàng tồn kho thấp đã buộc Công ty Than Ấn Độ phải chuyển hướng dịch vụ. Đường sắt Ấn Độ do nhà nước điều hành đã hủy bỏ những chuyến tàu chở khách để giải phóng các toa tàu nhằm phục vụ việc vận chuyển than.

Ấn Độ cũng đang có kế hoạch mở lại hơn 100 mỏ than trước đây được coi là không bền vững về mặt tài chính.

Theo nền tảng khảo sát dân ý LocalCircles, gần một nửa trong số 35.000 người được hỏi trên khắp Ấn Độ cho biết, họ phải đối mặt với tình trạng cắt điện trong tháng 5 này. Các nhà máy ở ít nhất ba bang của Ấn Độ đã buộc phải đóng cửa trong nhiều giờ.

Vì việc cung cấp than cho các nhà máy điện do các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng vận hành bị hạn chế, các nhà máy bắt đầu lấy điện từ lưới điện, làm tăng chi phí công nghiệp và gây thêm áp lực lên các nhà máy nhiệt điện than hoạt động quá công suất.

Việc sử dụng điện của bang miền Đông Odisha, nơi có các nhà máy luyện thép và luyện nhôm lớn nhất cả nước, đã tăng hơn 30% trong khoảng thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022, gấp gần 10 lần mức tăng trưởng trung bình của cả nước.

dien-16529629773421243631047.png
Ấn Độ đối mặt với tình trạng thiếu điện dự kiến sẽ trầm trọng hơn vào tháng 9 và tháng 10. (Ảnh: Mint)

Các quan chức và nhà phân tích dự đoán, Ấn Độ sẽ phải đối mặt với nhiều đợt cắt điện hơn trong năm nay do lượng than tồn kho thấp và nhu cầu sử dụng điện dự kiến ​​sẽ tăng với tốc độ nhanh nhất trong ít nhất 38 năm.

Sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện than, chiếm gần 75% sản lượng điện hàng năm của Ấn Độ, dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 17,6% trong năm nay, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Sản xuất và vận chuyển than của Ấn Độ bằng tàu hỏa có thể bị ảnh hưởng trong mùa gió mùa từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm.

Minh Anh