Tổng thống Hy Lạp kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam

Chính trị - Ngày đăng : 09:44, 20/05/2022

Chuyến thăm của bà Tổng thống góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt như chính trị-ngoại giao, kinh tế, văn hóa, du lịch…, đưa quan hệ song phương Việt Nam-Hy Lạp đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Chiều 19/5, Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou cùng Đoàn đại biểu cấp cao Hy Lạp đã rời Sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 15-19/5.

tong-thong-hy-lap-ket-thuc-tot-dep-chuyen-tham-chinh-thuc-viet-nam.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou với thiếu nhi Hà Nội tại lễ đón

Trong thời gian thăm Việt Nam, Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou đã có nhiều hoạt động quan trọng như: Đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ; đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; dự Lễ đón chính thức và hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; dự Lễ ký kết văn kiện và gặp gỡ báo chí; dự tiệc trà do Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chủ trì, tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám và có một số hoạt động tại địa phương.

Tại buổi tiếp Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou đến chào xã giao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Tổng thống Katerina Sakellaropoulou và đoàn đại biểu cấp cao chính phủ Hy Lạp thăm chính thức Việt Nam và chúc mừng bà Katerina Sakellaropoulou được bầu là nữ Tổng thống đầu tiên của Hy Lạp, quốc gia có vị thế quốc tế quan trọng và là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại.

Tổng Bí thư bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ là dấu mốc mới trong sự phát triển quan hệ giữa hai nước, khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Hy Lạp và vui mừng trước những bước phát triển quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Hy Lạp.

Tại hội đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou, hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác giữa hai nước đã có bước phát triển tốt đẹp kể từ chuyến thăm Hy Lạp của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias trong năm 2008, cũng như các chuyến thăm gần đây của nhiều lãnh đạo cấp cao hai nước.

Hai bên đã trao đổi, thống nhất các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước và nhất trí tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, không chỉ ở cấp cao mà còn ở cấp các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí giao cho hai Bộ Ngoại giao làm đầu mối rà soát, kết nối, thúc đẩy hợp tác hai nước.

Hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19, trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Hy Lạp vẫn đạt mức tăng trưởng, năm 2021 đạt 447 triệu USD, tăng 33% so với năm 2020, cao gấp đôi mức tăng trưởng 15% của thương mại Việt Nam-EU.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Katerina Sakellaropoulou nhất trí cùng nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế có lợi cho cả hai bên, khuyến khích và tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm và kết nối đối tác, tập trung vào một số lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và Hy Lạp có thể mạnh như đóng tàu, sửa chữa tàu, cung ứng dịch vụ vận tải biển, năng lượng, nông nghiệp...

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực song phương khác như hợp tác quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch và giao lưu nhân dân.

Trên tinh thần hiểu biết, thẳng thắn và tin cậy lẫn nhau, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong ứng phó các thách thức phi truyền thống như dịch bệnh, biến đổi khí hậu trong các khuôn khổ Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), hợp tác ASEAN-EU.

Sau hội đàm, hai lãnh đạo đã có cuộc gặp gỡ báo chí chung, thông báo những kết quả chính trong cuộc hội đàm, nhấn mạnh việc hai bên nhất trí cùng nhau phối hợp chặt chẽ đưa quan hệ Việt Nam-Hy Lạp lên tầm cao mới, đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, phát huy những thế mạnh bổ sung cho nhau giữa hai nước, quan tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế, đồng thời hợp tác chặt chẽ, cùng đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Tại buổi hội kiến giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou, hai bên nhất trí cho rằng trong những năm qua quan hệ giữa Quốc hội không ngừng được củng cố và phát triển.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, việc trao đổi đoàn giữa hai Quốc hội bị gián đoạn.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Tổng thống Katerina Sakellaropoulou ủng hộ tăng cường quan hệ hợp tác nghị viện giữa hai nước trong cả khuôn khổ hợp tác song phương và sự phối hợp tại các diễn đàn liên nghị viện đa phương.

Dự tiệc trà do Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chủ trì trong khuôn viên Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Tổng thống Katerina Sakellaropoulou một lần nữa bày tỏ vui mừng có chuyến thăm chính thức Việt Nam, được tận mắt chứng kiến những nét đẹp rất sâu sắc trong lịch sử cũng như văn hóa, con người Việt Nam.

Chia sẻ sự quan tâm sâu sắc về lĩnh vực giáo dục, văn hóa, Tổng thống Katerina Sakellaropoulou bày tỏ niềm vinh dự khi đến thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam và có vị trí rất quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou cũng có một số hoạt động tại các địa phương như: Tìm hiểu làng nghề truyền thống Thủ đô Hà Nội tại khu phố cổ; làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và tham quan thắng cảnh Vịnh Hạ Long; dâng hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tham quan một số di tích lịch sử tại thành phố.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp.

Chuyến thăm góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt như chính trị-ngoại giao, kinh tế, văn hóa, du lịch…, đưa quan hệ song phương đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Trọng Bằng