Nga công bố các quốc gia “không thân thiện hàng đầu”
Chuyển động - Ngày đăng : 23:12, 19/05/2022
Theo thống kê của ông Volodin, đứng đầu danh sách này là Mỹ - với 1.983 lệnh trừng phạt khác nhau nhằm vào Nga. Tiếp đến là Canada - 1.402 lệnh trừng phạt, Thụy Sĩ - 1.361 lệnh trừng phạt, Anh, Liên minh châu Âu (EU) - 1.199 lệnh trừng phạt, Australia - 1.150 lệnh trừng phạt và Nhật Bản - với 902 lệnh trừng phạt nhắm vào Nga.
Ông Volodin đưa ra nhận định, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt nhằm chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga đã triển khai tại khu vực Donbass, miền Đông Ukraine, từ ngày 24/2, là nguyên nhân làm cho năng lượng và giá thực phẩm tăng vọt, gây ra những rắc rối hiện nay và có thể gây ra những cuộc khủng hoảng trong tương lai trên khắp thế giới.
Bộ Phát triển Kinh tế Nga vừa đưa ra bản dự báo kinh tế vĩ mô xấu đi đáng kể cho năm 2022. Theo đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ giảm 7,8%, lạm phát tăng lên 17,5%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp lên tới 6,7% và thu nhập thực tế của người dân sẽ giảm 6,8%.
Tỷ giá hối đoái trung bình hàng năm của đồng nội tệ dự kiến ở mức 76,7 ruble quy đổi 1 USD, trong khi giá trung bình của dầu Urals được dự báo là 80,1 USD/thùng. Ngay từ năm 2023, phần lớn các chỉ số kinh tế vĩ mô sẽ bắt đầu phục hồi trong khi chỉ có GDP tăng trưởng âm với mức giảm 0,7%.
Trong khi đó, nhiều nước phương Tây đã cáo buộc Nga gây ra tình trạng lạm phát gia tăng mà các quốc gia này đang phải đối mặt.
Cuộc chiến ở Ukraine cũng đã cản trở hoạt động gieo trồng và thu hoạch ngũ cốc của Ukraine trong mùa này. Ukraine là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn của thế giới, đặc biệt là lúa mì. Cùng với Nga, quốc gia này chiếm hơn 1/4 nguồn cung lúa mì toàn cầu vào năm ngoái. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt cũng đã gây áp lực lên ngành hóa chất của Nga và Belarus, bao gồm phân bón.
Ngày 18/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia dỡ bỏ các hạn chế đối với thực phẩm và phân bón của Nga để tránh gây ra một cuộc khủng hoảng lớn. Ông cảnh báo rằng nếu không, hàng chục triệu người sẽ rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực, tiếp theo là suy dinh dưỡng, nạn đói tràn lan, trong một cuộc khủng hoảng có thể kéo dài nhiều năm.
Trong diễn biến mới nhât, ngày 19/5, Bộ Ngoại giao Nga thông báo Moscow đã quyết định trục xuất 5 nhân viên ngoại giao Bồ Đào Nha nhằm đáp trả việc Lisbon ra lệnh trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga hồi tháng trước. Theo đó, Bộ Ngoại giao Nga yêu cầu các nhân viên ngoại giao Bồ Đào Nha họ rời khỏi Nga trong vòng 14 ngày kể từ khi công hàm được chuyển tới Đại sứ Bồ Đào Nha.
Quyết định trên được đưa ra sau hàng loạt bước đi tương tự của Moscow nhằm đáp trả việc các quốc gia châu Âu trục xuất trên 300 nhân viên ngoại giao làm việc tại các đại sứ quán của Nga.
Trước đó một ngày, Nga đã thông báo trục xuất tổng cộng 85 nhân viên đại sứ quán của Pháp, Tây Ban Nha và Italy nhằm đáp trả hành động tương tự từ 3 quốc gia này.
Ở một diễn biến khác, ngày 19/5, Chính phủ Anh tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với lĩnh vực hàng không của Nga nhằm ngăn chặn 3 hãng hàng không quốc doanh Aeroflot, Ural Airlines và Rossiya Airlines bán vị trí đỗ máy bay không sử dụng của họ tại các sân bay ở Anh. London ước tính tổng giá trị các vị trí đỗ máy bay của 3 hãng hàng không Nga lên đến 50 triệu bảng Anh (khoảng 61,9 triệu USD).