Trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án sẽ triển khai tại 63 tỉnh, thành
Tòa án - Ngày đăng : 15:17, 18/05/2022
Chương trình được thực hiện trong 05 năm (2022-2027) và triển khai trong toàn quốc tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trình bày nội dung chương trình phối hợp, ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục TGPL Bộ Tư pháp cho biết: Hiện nay, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam (các Bộ luật, luật về tố tụng) đã có nhiều quy định mới về bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý. Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được hưởng quyền trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng.
Để triển khai cơ chế phối hợp theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC đã hướng dẫn cụ thể các nội dung về phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng (Điều 7), đặc biệt giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý cho đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý; yêu cầu ra văn bản thông báo cho Trung tâm khi đối tượng có yêu cầu trợ giúp pháp lý, ra văn bản thông tin cho Trung tâm khi đối tượng chưa có yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Nắm bắt được thực tế này, Cục Trợ giúp pháp lý đã phối hợp với Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, TANDTC xây dựng dự thảo Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và TòANDTC về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại tòa án. Chương trình được xây dựng nhằm bảo đảm đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý trong vụ việc mà TAND thụ lý được giải thích đầy đủ, bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý, được tiếp cận, cung cấp và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, giảm thiểu tối đa việc bỏ sót đối tượng; Tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc trợ giúp pháp lý cho đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý, đặc biệt trong việc thông tin, thông báo về trợ giúp pháp lý.
Chương trình phối hợp đã được lấy ý kiến bằng văn bản của một số đơn vị, địa phương có liên quan và được sự đồng thuận cao.
Ông Cù Thu Anh cũng cho hay, việc trực được thực hiện tại trụ sở TAND hoặc trực qua điện thoại. Căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ phối hợp với Sở Tư pháp trao đổi, thống nhất hình thức trực phù hợp.
Người trực thực hiện trợ giúp pháp lý là trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm TGPL. Chuyên viên của Trung tâm TGPL nhà nước thuộc Sở Tư pháp là người hỗ trợ hoạt động này. Căn cứ điều kiện thực tế, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước sẽ phân công người thực hiện trợ giúp pháp lý trực theo thời gian nhất định.
Về cơ chế tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý và nhiệm vụ của người trực, người hỗ trợ trực tại trụ sở TAND, người tiến hành tố tụng, công chức TAND làm việc tại các bộ phận tiếp nhận đơn có trách nhiệm giới thiệu người thuộc diện được trợ giúp pháp lý tới gặp người trực, thông tin, thông báo về trợ giúp pháp lý được chuyển đến cho người trực.
Người trực trực tiếp nhận nguồn tin, yêu cầu trợ giúp pháp lý từ người tiến hành tố tụng, công chức TAND, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, người thân thích của họ hoặc từ cơ quan, tổ chức khác; giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý, ghi chép, thống kê vào Sổ trực trợ giúp pháp lý (theo mẫu của Bộ Tư pháp), thực hiện các công việc khác phát sinh từ hoạt động trực.
Với hình thức trực qua điện thoại: Người tiến hành tố tụng, công chức TAND khi phát hiện người thuộc diện được trợ giúp pháp lý thì gọi điện ngay cho người trực; cung cấp số điện thoại của người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ (nếu có) cho người trực. Đồng thời, hướng dẫn người thuộc diện được trợ giúp pháp lý đến nơi niêm yết danh sách, số điện thoại của người trực.
Người trực tiếp nhận nguồn tin, yêu cầu trợ giúp pháp lý từ người tiến hành tố tụng, công chức TAND, từ người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, người thân thích của họ hoặc từ cơ quan, tổ chức khác thì liên hệ với người thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ để thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý.
Để thực hiện các nội dung này, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với TANDTC ban hành văn bản hướng dẫn theo yêu cầu, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, tổng kết việc triển khai Chương trình này; Chỉ đạo Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai các nội dung cụ thể trong Chương trình.
Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp; Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TANDTC là các đơn vị đầu mối làm nhiệm vụ thường trực, tham mưu triển khai thực hiện, theo dõi, đánh giá việc triển khai thực hiện Chương trình, tham mưu trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết chương trình.
Thời gian triển khai thực hiện chương trình trong 05 năm (2022-2027). Chương trình được triển khai trong toàn quốc tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng khẳng định, việc triển khai thực hiện với mục tiêu đặt lợi ích của người thuộc diện TGPL làm trung tâm, Chương trình người thực hiện TGPL trực tại Tòa án được ký kết và triển khai thực hiện sẽ giúp bảo đảm tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý kịp thời trong tố tụng cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý; hạn chế việc người dân thuộc diện trợ giúp pháp lý bị bỏ lỡ cơ hội được hỗ trợ pháp lý miễn phí. Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ và nỗ lực của cán bộ ngành tư pháp và ngành Tòa án sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và giúp quá trình tố tụng khách quan, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiếp cận công lý cho người dân.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC cũng cho biết: Chương trình phối hợp có ý nghĩa hết sức quan trọng, đảm bảo cho việc tuân thủ pháp luật được đúng đắn. Trong tố tụng và trong những điều luật, TGPL, sự tham gia của các luật sư luôn là điều kiện bắt buộc, đảm bảo quyền TGPL của người dân, nhất là các vụ án hình sự, người chưa thành niên và người khuyết tật.
Đồng thời khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp để đưa các nội dung ký kết đi vào cuộc sống. TANDTC sẽ phổ biến những nội dung này đến toàn ngành để triển khai thực hiện tốt nhất chương. Tòa án sẽ tạo điều kiện tối đa, để các Trung tâm TGPL hoạt động, đồng thời các trung tâm cũng cố gắng cố lựa chọn những trợ giúp viên giỏi, để cùng với thời gian người dân cảm nhận được việc trợ giúp này có ý nghĩa, cần thiết và tham gia. Việc ký kết hôm nay là bước đi đầu tiên trong quá trình hợp tác. Hy vọng sau 3 năm thực hiện sẽ có sơ kết, 5 năm thực hiện sẽ có tổng kết để chúng ta lại tiếp tục thực hiện giai đoạn tiếp theo.