Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chánh án đầu tiên của Tòa án Việt Nam

Tòa án - Ngày đăng : 15:40, 17/05/2022

Đây là nội dung đáng chú ý được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Lịch sử TAND Việt Nam giai đoạn 1945-1960” do TANDTC tổ chức ngày 16/5.

Mục tiêu xây dựng cuốn sách

Để ghi lại truyền thống 75 năm lịch sử Tòa án, củng cố niềm tin yêu, tự hào cho các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động TAND Việt Nam, thời gian qua Ban cán sự đảng TANDTC đã quyết định nghiên cứu, xây dựng cuốn sách “Lịch sử TAND Việt Nam”.

z3417555268929_5721b9f5c21ba770aa712978cb1c15fc.jpg
Phó Chánh án thường trực TANDTC phát biểu tại hội thảo.

Đến nay, Ban Biên soạn đã tiến hành viết bản thảo Phần mở đầu, Chương I và Chương II của cuốn sách. Để xác minh thông tin về các nhân vật, sự kiện, địa điểm lịch sử TAND Việt Nam giai đoạn 1945-1960, hội thảo tổ chức với mục đích tham vấn hoàn thiện bản thảo Lịch sử Tòa án giai đoạn này.

Hội thảo đã nghe các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí nguyên là lãnh đạo TANDTC qua các thời kỳ đóng góp ý kiến về bản dự thảo cuốn sách này.

Các đại biểu tham gia hội thảo là những nhân chứng lịch sử, những nhà sử học, những nhà hoạt động thực tiễn nhiều năm trong hệ thống TAND cũng như gắn bó với hệ thống Tòa án. Do vậy, các ý kiến đóng góp hết sức quan trọng và có ý nghĩa, góp phần hoàn thiện bản thảo cuốn sách, phản ánh trung thực, chính xác nhất sự kiện, nhân vật, bối cảnh lịch sử giai đoạn 1945-1960.

Nội dung này đã được đưa ra thảo luận tại hội thảo ngày 18/10/2021. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu, các đồng chí nguyên lãnh đạo TANDTC, các chuyên gia lịch sử, các nhân chứng lịch sử Tòa án, Ban biên soạn đã chỉnh lý, hoàn thiện Đề cương cuốn sách và trình Ban cán sự Đảng TANDTC thông qua.

Hội thảo đã nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia: PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương; PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; nguyên Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào; TS. Đặng Quang Phương, nguyên Phó Chánh án TANDTC; TS. Nguyễn Văn Hiện, nguyên Chánh án TANDTC; TS. Trần Thị Phương Hoa, Quyền Viện trưởng Viện Sử học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cùng rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ Viện; cùng rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài ngành Tòa án tham dự.

z3417555193036_2de1ecd9a875e4f9d8a77b89912b2496.jpg

Chánh án đầu tiên của Tòa án Việt Nam là ai?

Các ý kiến đều nhận định: Sự ra đời, phát triển của ngành TAND Việt Nam gắn liền với sự ra đời, phát triển của nước Việt Nam, là thành quả của cuộc đấu tranh cách mạng kiên cường của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Qua các chặng đường xây dựng, phát triển của TAND Việt Nam có thể khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự tổ chức, chỉ đạo, quản lý điều hành của Quốc hội, Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, TAND Việt Nam được tổ chức xây dựng ngày càng hoàn thiện, phát triển lớn mạnh không ngừng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong từng thời kỳ lịch sử.

Các ý kiến cơ bản đồng tình với nội dung dự thảo, trong đó có nội dung chương 1 với phần trình bày khái quát bối cảnh lịch sử; Quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng. Làm rõ quá trình và thành tựu trong xây dựng pháp luật. Điểm nhấn về Pháp luật là Hiến pháp 1946 và Luật Cải cách ruộng đất. Một số những vụ án điển hình được giới thiệu.

z3417707723875_21138c76ac10763c31fcd73bfd6de0b7.jpg
PGS.TS Trần Văn Độ phát biểu tại hội thảo.

Với chương nội dung (Chương 2), nội dung từng tiểu mục đã thể hiện: Khái quát bối cảnh lịch sử; Quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng; Quá trình và thành tựu xây dựng hệ thống pháp luật; Quá trình xây dựng, hoạt động của hệ thống tổ chức tòa án; giáo dục, tuyên truyền, hướng dẫn áp dụng pháp luật; xét xử các vụ án điển hình: Các vụ án gián điệp; các vụ án bạo loạn; các vụ trừng trị ác ôn chống phá cách mạng; các vụ án vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ ai là Chánh án đầu tiên của Việt Nam, từ khi nước ta dành được độc lập năm 1945: là Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Trần Công Tường hay ông Phạm Văn Bạch?

Với tư cách người làm Tòa án nhìn lại lịch sử ngành mình, PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương cho rằng, cuốn sách phải nói được vị Chánh án đầu tiên từ ngày thành lập Tòa án là ai?

Theo PGS.TS Trần Văn Độ, ngay từ khi đọc Bản tuyên ngôn độc lập, 23/11/1945, Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 64 thiết lập Ban thanh tra đặc biệt. Sắc lệnh ghi rõ “sẽ thiết lập ngay một Tòa án đặc biệt để xử những nhân viên của các Ủy ban nhân dân hay các cơ quan của Chính phủ do Ban thanh tra truy tố. Tòa án đặc biệt có ông Chủ tịch Chính phủ lâm thời làm Chánh án và hai ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Hội thẩm…”.

Do vậy, có ý kiến cho rằng, “Tòa án đặc biệt” có cơ cấu tổ chức và chức năng, thẩm quyền cao nhất, mang tầm quốc gia như TANDTC sau này, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là Chánh án đầu tiên của Tòa án Việt Nam.

"Theo bút tích do gia đình đồng chí Trần Công Tường cung cấp, năm 1958, đồng chí Trần Công Tường là Quyền Chánh án TANDTC; TS. luật sư Phạm Văn Bạch - Thứ trưởng Phủ Thủ tướng được bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh án TANDTC và được đúc tượng, đặt tên đường phổ như hiện nay", PGS.TS Trần Văn Độ nêu ý kiến.

PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng nhận định: Viết về lịch sử đã rất khó, về lịch sử ngành Tòa án lại càng khó khăn hơn. Cuốn sách “Lịch sử TAND Việt Nam” là công trình được nhóm nhóm tác giả hết sức cố gắng, vượt qua khó khăn để phác thảo khung và xây dựng dự thảo theo đúng phương hướng và yêu cầu đề ra. Đã thu thập được nhiều tư liệu minh chứng quá trình phát triển và đóng góp của hệ thống TAND.

PGS.TS Trần Đức Cường cũng lưu ý thêm một số vấn đề liên quan đến việc sử dụng tư liệu tham khảo, nguồn của các tài liệu chính thống phục vụ công tác xây dựng cuốn sách.

Các chuyên gia, nhà khoa học cho biết, việc nghiên cứu biên soạn cuốn lịch sử TAND Việt Nam là việc làm cần thiết, nhằm phản ánh sự ra đời, quá trình vận động phát triển của TAND trong tiến trình lịch sử chung của đất nước, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm mang tính quy luật và định hướng phát triển cho TAND.

ha.jpg
PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Ban biên soạn cuốn sách.

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Phó Ban biên soạn cuốn sách xin tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Về các ý kiến đề nghị làm rõ Chánh án đầu tiên của Tòa án Việt Nam có phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh hay không?

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cho biết: Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chánh án đầu tiên của Chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mặc dù hồi đó gọi là Tòa án đặc biệt, nhưng thực chất đó là Tòa án cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Sắc lệnh số 64 đã thể hiện rất rõ điều này. Và đúng như các ý kiến đã phát biểu trước đó, tất cả các vụ án quan trọng trong thời kỳ kháng chiến phải xin ý kiến của Bác. Người thứ 2 là ông Trần Công Tưởng được chỉ định Quyền Chánh án năm 1958, là Phó Chánh án đầu tiên của TANDTC. Người thứ 3 là ông Phạm Văn Bạch là Chánh án đầu tiên của TANDTC.

"Cuốn sách cũng sẽ thể hiện theo hướng Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chánh án đầu tiên của Chính thể Việt Nam dân chủ Cộng hòa", PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cho hay.

Mai Thoa