Luật sư của ông Trương Quốc Cường xin cho thân chủ được hưởng khoan hồng
Pháp đình - Ngày đăng : 14:58, 16/05/2022
Sáng nay (16/5), phiên tòa xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo khác liên quan đến vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada bước sang ngày làm việc thứ 4, được tiếp tục diễn ra ở phần tranh luận.
Bào chữa cho bị cáo Trương Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, luật sư Bùi Nguyên Thắng, đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã đưa ra quan điểm cho rằng đây là vụ án chưa được điều tra toàn diện, việc đánh giá chứng cứ chưa chính xác.
Ngoài ra, cáo trạng có dấu hiệu hoài nghi kết luận điều tra, chưa làm chủ được hệ thống chứng cứ nên chưa đánh giá đúng tội.
Theo quan điểm của luật sư Bùi Nguyên Thắng, cơ quan tố tụng đã dùng chứng cứ buộc tội cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang để buộc tội ông Trương Quốc Cường là chưa đúng bản chất sự thật và bị cáo Cường đã thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình.
Theo đó, luật sư Thắng đã viện dẫn lời khai của ông Cao Minh Quang để chứng minh luận điểm cho rằng việc xảy ra là sai phạm của ông Cao Minh Quang nhưng cơ quan tố tụng lại buộc tội ông Trương Quốc Cường. “Tại phiên tòa này mà có mặt ông Cao Minh Quang thì sẽ rất thuận lợi, sẽ làm rõ được hành vi của bị cáo Cường và bị cáo Châu”, lời luật sư.
Bào chữa cho ông Trương Quốc Cường, luật sư cho rằng, thân chủ của mình đã phải chật vật tìm cách đối phó với ông Cao Minh Quang khi ông Quang luôn tìm cách gây khó dễ, o ép ông Trương Quốc Cường.
Ông Cường đã 19 lần, sau hơn một năm trình, Thứ trưởng Cao Minh Quang mới ký ban hành Thông tư 22.
Theo luật sư Bùi Nguyên Thắng, bản chất của bộ phận thường trực đăng ký thuốc chỉ chuẩn bị hồ sơ cho Hội đồng xét duyệt thuốc, hoàn toàn không được giao nhiệm vụ kiểm soát, không liên quan đến việc thẩm định hộ sơ xét duyệt thuốc, cũng không phải nguyên nhân đưa 2 hồ sơ thuốc ra xét duyệt sớm.
Luật sư Thắng cho rằng, cáo buộc: “Mặc dù nhận được nhiều thông tin về thuốc Health 2000 Canada là không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng bị cáo Cường không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy thuốc dẫn đến hậu quả các cơ sở y tế trong nước tiếp tục sử dụng các loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada, không rõ nguồn gốc xuất xứ để điều trị cho người bệnh” là không chính xác, không đúng với tài liệu có trong hồ sơ.
Theo luật sư, quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo Cường luôn hợp tác, tác thành khẩn khai báo, bày tỏ sự đau lòng khi xảy vụ việc. Bị cáo rất áy náy nên đã tự nguyện nộp số tiền hơn 1,8 tỷ đồng để vơi đi sự áy náy đối với những người đã sử dụng thuốc.
Khép lại phần bào chữa của mình, luật sư Bùi Nguyên Thắng khẳng định không đủ căn cứ buộc tội bị cáo Trương Quốc Cường và xin cho thân chủ của mình được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
Bào chữa cho bị cáo Phạm Hồng Châu (nguyên Trưởng phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý Dược) luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, quy trình làm việc của Nhóm thẩm định, chuyên gia thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc được quy định như sau: “Chuyên gia thẩm định có trách nhiệm đọc kỹ hồ sơ, kiểm tra sự nhất quán giữa biên bản với hồ sơ và thẩm định chuyên môn theo đúng các nội dung trong Tài liệu hướng dẫn hồ sơ đăng ký thuốc, phải ghi rõ ý kiến nhận xét, đề nghị cấp số đăng ký hay không cấp số đăng ký hoặc phải bổ sung và ký tên vào Biên bản. Trường hợp có vướng mắc, phải trao đổi với Trưởng phòng đăng ký thuốc. Nếu vẫn chưa giải quyết được, phải báo cáo Cục trưởng để có ý kiến chỉ đạo”.
Như vậy, trong quá trình điều tra và kết quả thẩm vấn tại phiên tòa của HĐXX, của các luật sư, luật sư nhận thấy bị cáo Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó trường phòng Quản lý thuốc, Cục Quản lý Dược) và bị cáo Nguyễn Việt Hùng (nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) đều cho thấy không có chuyên gia nào báo cáo có vướng mắc đối với Trưởng phòng Đăng ký thuốc.
Do đó, luật sư cho rằng bị cáo Châu không thể biết có vướng mắc, bất đồng quan điểm chuyên môn. Điều này cũng là một trong các căn cứ dẫn đến việc bị cáo Châu tin tưởng kết quả đề nghị cho bổ sung là ý kiến của nhóm chuyên gia và không có vướng mắc gì.
“Chúng tôi đánh giá cao tinh thần thành khẩn và nhận trách nhiệm của bà Châu về việc này, vì nhìn vào Biên bản thẩm định thuốc chỉ quy định kết quả thẩm định của cả nhóm là cho bổ sung, nếu có vướng mắc chuyên môn sâu thì phải thực hiện theo cơ chế báo cáo. Không có báo cáo thì không thể biết, nhưng bà Châu vẫn nhận thiếu trách nhiệm do tin tưởng vào việc các chuyên gia thực hiện thẩm định theo nhóm đúng nguyên tắc tập thể”, luật sư phân tích.
Luật sư cũng cho biết đây là lỗi vô ý do thiếu trách nhiệm của bà Châu ở vai trò của Trưởng phòng Đăng ký thuốc.
Theo phân tích của luật sư, trong vụ án này có 2 nhóm chuyên gia pháp chế thẩm định hồ sơ đăng ký của 7 thuốc. Các nhóm chuyển gia pháp chế thẩm định 5 thuốc khẳng định kết quả thẩm định đề xuất là kết quả chung thống nhất của cả nhóm, phù hợp quy định của Quy chế 63 và Quy trình 12.
Vì vậy, luật sư một lần nữa nhấn mạnh việc bị cáo Châu không thể biết và phát hiện việc không thống nhất của các chuyên gia tiểu ban Pháp chế; từ đó bị cáo Châu đề nghị bổ sung hồ sơ và đề nghị Hội đồng cấp số đăng ký theo ý kiến đề xuất của chuyên gia.
Trong vụ án này, bị cáo Trương Quốc Cường bị VKS đề nghị xử phạt mức án từ 7 - 8 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và bị cáo Phạm Hồng Châu bị VKS đề nghị mức án từ 7 – 8 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.