TANDTC tổ chức Hội thảo khoa học “Lịch sử TAND Việt Nam giai đoạn 1945-1960”

Tiêu điểm - Ngày đăng : 13:27, 16/05/2022

Ngày 16/5, TANDTC tổ chức Hội thảo khoa học “Lịch sử TAND Việt Nam giai đoạn 1945-1960”. Đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC chủ trì Hội thảo.

Cùng tham dự Hội thảo còn có các thành viên Ban cán sự đảng, lãnh đạo, Hội đồng Thẩm phán TANDTC, nguyên lãnh đạo TANDTC, lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC và các nhân chứng lịch sử, các chuyên gia, nhà khoa học về lịch sử.

Cùng với quá trình xây dựng, phát triển của đất nước, hệ thống TAND đã được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng có hiệu quả, góp phần thực hiện trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Để ghi lại truyền thống 75 năm lịch sử Tòa án, củng cố niềm tin yêu, tự hào cho các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Tòa án nhân dân Việt Nam, thời gian qua Ban cán sự đảng TANDTC đã nghiên cứu, xây dựng cuốn sách “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam”.

pho-chanh-an-nguyen-tri-tue.jpg
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ phát biểu tại Hội Thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết, vào ngày 18/10/2021, TANDTC đã tổ chức Hội thảo khoa học xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo TANDTC, các nhân chứng lịch sử và các chuyên gia, nhà khoa học về lịch sử đối với Đề cương của cuốn sách.

Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Ban Biên soạn đã chỉnh lý, hoàn thiện Đề cương cuốn sách và trình Ban cán sự Đảng TANDTC thông qua. Đến nay, Ban Biên soạn đã hoàn thành bản thảo Phần mở đầu, Chương I và Chương II của cuốn sách.

Để xác minh các thông tin, sự kiện, nhân vật lịch sử Tòa án Việt Nam trong giai đoạn 1945-1960, TANDTC tiếp tục tổ chức hội thảo để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm hoàn thiện bản thảo cuốn sách bảo đảm chất lượng.

Theo Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ, những năm từ 1945 đến 1960 là giai đoạn TAND Việt Nam ra đời, thực hiện sứ mệnh bảo vệ chính quyền cách mạng và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. TAND Việt Nam dần dần hình thành, củng cố tổ chức, từng bước kiện toàn, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và TANDTC được thành lập vào năm 1959.

Các Tòa án bám sát yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ kháng chiến, kịp thời xét xử các vụ án trừng trị nghiêm các tội phạm, nhất là với tội phạm phản quốc, chống phá cách mạng, chống phá kháng chiến.

Tuy nhiên do điều kiện đất nước đang trải qua chiến tranh, công tác lưu trữ chưa có tính hệ thống, một số sự kiện, nhân vật mang tính lịch sử của Tòa án cần được nghiên cứu, minh định thông tin nhằm đưa vào nội dung cuốn sách một cách chính xác.

z3417545054294_c848ce8ff15a3f6e77cd0c118bffd89e.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Trên tinh thần đó, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ đề nghị các đại biểu, nguyên lãnh đạo TANDTC, các đồng chí cán bộ lão thành của Tòa án và các chuyên gia lịch sử, quý vị đại biểu dành thời gian, tâm sức cho ý kiến góp ý đối với bản thảo cuốn sách.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe chuyên gia báo cáo về tình hình nghiên cứu và tóm tắt nội dung cơ bản của Phần mở đầu, cũng như Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam giai đoạn 1945-1960.

Trao đổi tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp, phát biểu nhiều ý kiến góp ý, thảo luận. Các ý kiến tại hội thảo đã thể hiện nhất trí cao về tầm quan trọng sự cần thiết phải xây dựng cuốn sách “Lịch sử Tòa án nhân dân”, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Đa số các đại biểu cơ bản nhất trí nội dung của bản thảo lịch sử Tòa án giai đoạn này, trong đó nhiều ý kiến tâm huyết, đóng góp tích cực, cung cấp thông tin tư liệu quý báu góp phần củng cố nội dung cuốn sách có chất lượng.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng chỉ ra những vấn đề còn chưa rõ cần lưu ý về nội dung, bố cục khi biên soạn cuốn sách lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam.

z3417547808265_e64ddeb5cabf6db61d32bed1ef5bf25a.jpg
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Kết luận Hội thảo, thay mặt Ban cán sự đảng TANDTC, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ ghi nhận và cảm ơn, các chuyên gia, nhà khoa học cùng các đại biểu, với tâm huyết của mình đã trao đổi thẳng thắn, đưa ra những ý kiến đánh giá khách quan vào việc nghiên cứu, xây dựng cuốn sách đảm bảo tính khoa học, tôn trọng sự thật lịch sử.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu tại Hội thảo, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ đề nghị Ban Chỉ đạo, Ban Biên soạn cuốn sách sẽ tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện bản thảo nội dung Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam giai đoạn 1945-1960 và tiếp tục biên soạn nội dung các giai đoạn sau của cuốn sách.

Hà An - Nguyễn Dương