Tin vắn thế giới ngày 15/5: Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên đối mặt với “biến cố lớn” do COVID-19

Chuyển động - Ngày đăng : 08:01, 15/05/2022

Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên đối mặt với “biến cố lớn” do COVID-19; Châu Âu coi các dòng phụ BA.4 và BA.5 của Omicron là "biến thể đáng lo ngại"; Đề xuất giải cứu các binh sỹ Ukraine bị thương ở nhà máy thép Azovstal… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Triều Tiên đối mặt với “biến cố lớn” do COVID-19

Ngày 14/5, Triều Tiên ghi nhận thêm 21 ca tử vong do COVID-19, với hơn 174.000 người trên cả nước bị sốt. Trước tình hình này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố đất nước đang đối mặt với “biến cố lớn” do virus SARS-CoV-2 lây lan.

Chủ trì một hội nghị của Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên trước đó cùng ngày nhằm rà soát hệ thống chống dịch trong nước, ông Kim Jong-un nhấn mạnh rằng sự lây lan của loại virus nguy hiểm là “biến cố lớn kể từ khi lập quốc”. Ông cũng yêu cầu các nhà chức trách học hỏi kinh nghiệm chống dịch tại một số nước, trong đó có Trung Quốc.

trieu-tien-1.png
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu đeo khẩu trang xuất hiện trước công chúng trong bối cảnh nước này ghi nhận các trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên.

Châu Âu coi các dòng phụ BA.4 và BA.5 của Omicron là "biến thể đáng lo ngại"

Ngày 13/5, Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã có sự điều chỉnh phân loại với các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron, nâng cấp lên thành "biến thể đáng lo ngại" và bày tỏ quan ngại về một làn sóng dịch trong mùa Hè này.

Đây là cơ quan y tế công đầu tiên đưa ra đánh giá như vậy về BA.4 và BA.5, các dòng phụ lần lượt được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi hồi tháng 1 và tháng 2 năm nay. Trong một báo cáo, ECDC nhận định cả 2 dòng phụ này có thể dẫn tới một làn sóng dịch mới khắp châu lục, tăng áp lực lên hệ thống bệnh viện.

Đức cảnh báo biến thể Delta có thể tái xuất

Trước tình hình đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn ở Đức, Bộ trưởng Y tế nước này Karl Lauterbach đang kêu gọi người dân Đức cần cảnh giác trong mùa Hè và sẵn sàng chuẩn bị cho làn sóng đại dịch mới do biến thể Delta.

Phát biểu trên truyền thông Đức ngày 14/5, Bộ trưởng Y tế Lauterbach khẳng định đại dịch vẫn chưa kết thúc, một làn sóng nhiễm biến thể Omicron mới có thể sẽ bùng phát và Delta - biến thể nguy hiểm gây các triệu chứng nặng, có thể sẽ quay trở lại vào mùa Thu tới.

Lào ngừng họp báo về số ca mắc hàng ngày

Ban Chỉ đạo Quốc gia Lào về Phòng chống COVID-19 ra thông báo ngừng tổ chức họp báo cập nhật số liệu ca mắc hàng ngày kể từ 14/5.

Thông báo cho biết kể từ ngày 14/5, người dân quan tâm đến thông tin về dịch COVID-19, như địa điểm tiêm chủng hoặc xét nghiệm vẫn có thể theo dõi trên trang facebook của Bộ Y tế và thông tin y học.

Algeria: Chuyên gia kêu gọi tiếp tục mở rộng tiêm chủng ngừa COVID-19

Tổng giám đốc Viện Pasteur Algeria (IPA), giáo sư Fawzi Derrar, đã thúc giục ngành y tế nước này tiếp tục đẩy nhanh việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân để tránh "các kịch bản nghiêm trọng" trong tương lai, bất chấp tình hình dịch bệnh tại quốc gia Bắc Phi này đang tạm lắng.

UAE có Tổng thống mới

Hãng thông tấn chính thức WAM của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 14/5 đưa tin Hội đồng tối cao nhà nước UAE đã bầu ông Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan, Thái tử Abu Dhabi làm Tổng thống mới của nước này.

Ông Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan kế nhiệm vị trí của anh trai là ông Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan - người vừa qua đời ngày 13/5 ở tuổi 73 sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật.

uae-co-tong-thong-moi.jpg
Ông Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan. Ảnh: Reuters

Phần Lan tin tưởng vượt qua sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc gia nhập NATO

Ngày 14/5, phát biểu trước thềm hội nghị với các nước thành viên NATO, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, tại Berlin (Đức), Ngoại trưởng Phần Lan, ông Pekka Haavisto, nhấn mạnh ông "tin tưởng rằng cuối cùng sẽ tìm ra giải pháp và Phần Lan cùng Thụy Điển sẽ trở thành thành viên của NATO".

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 13/5 đã bất ngờ tuyên bố Ankara không thể ủng hộ kế hoạch của Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO bởi hai nước này là nơi có nhiều tổ chức khủng bố hoạt động.

Quốc hội Đức thông qua Luật An ninh năng lượng sửa đổi

Quốc hội Đức đã bỏ phiếu thông qua Đạo luật An ninh năng lượng sửa đổi. Theo đó, trong tương lai, nhà nước có thể dễ dàng tiếp quản các công ty năng lượng nếu an ninh nguồn cung ở Đức gặp rủi ro.

Liên minh "đèn giao thông" gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) cùng đảng Cánh tả ở Quốc hội đã ủng hộ cải cách Đạo luật An ninh năng lượng được xây dựng từ năm 1975. Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) bỏ phiếu trắng trong khi đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) bỏ phiếu chống đối với đạo luật sửa đổi này.

Đề xuất giải cứu các binh sỹ Ukraine bị thương ở nhà máy thép Azovstal

Ngày 14/5, ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đã đề xuất tiến hành đưa các binh sỹ bị thương đang cố thủ trong nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol, miền Nam Ukraine tới Thổ Nhĩ Kỳ bằng đường biển.

Ông Kalin tiết lộ theo kế hoạch này, số binh sỹ bị thương này sẽ được đưa tới cảng Berdyansk (Ukraine) bằng đường bộ và một tàu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa họ vượt Biển Đen đến thành phố Istanbul của nước này.

Cuba tưởng niệm các nạn nhân vụ nổ khách sạn

Ngày 13/5, hàng nghìn người dân Cuba đã tập trung trước Khách sạn Saratoga ở thủ đô La Habana để cầu nguyện và tưởng niệm các nạn nhân trong vụ nổ xảy ra tại đây hồi tuần trước khiến 46 người thiệt mạng và 98 người khác bị thương.

Nổ súng trong siêu thị tại Mỹ, 10 người thiệt mạng

Truyền thông sở tại dẫn nguồn cảnh sát địa phương cho biết 10 người đã thiệt mạng trong một vụ nổ súng ngày 14/5 tại một siêu thị tại khu dân cư có nhiều người da màu cư ngụ tại thành phố Buffalo, bang New York (Mỹ).

Theo nhà chức trách sở tại, hung thủ là một tay súng da trắng 18 tuổi và dường như hành động đơn độc. Sở cảnh sát Buffalo cùng ngày xác nhận tay súng "đã bị bắt" sau khi cảnh sát đã thuyết phục thành công đối tượng đầu hàng.

Ấn Độ bất ngờ cấm xuất khẩu lúa mỳ

Trong một thông báo ngày 13/5, Chính phủ Ấn Độ cho biết lệnh cấm trên nhằm quản lý an ninh lương thực tổng thể của đất nước và hỗ trợ các nước láng giềng cũng như những nước dễ bị tổn thương. Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu lúa mỳ tới các quốc gia khác để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực của các nước đó và dựa trên đề nghị của chính phủ nước đó vẫn được phép diễn ra.

Bạch Dương