Hái nhầm lá ngón nấu nước uống, 2 vợ chồng bị ngộ độc
Sức khỏe - Ngày đăng : 20:58, 11/05/2022
Ngày 11/5, TS.BS Hoàng Công Tình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, thời gian vừa qua bệnh viện tiếp nhận một số trường hợp ngộ độc do ăn hoặc uống nhầm lá ngón.
Nhầm lẫn này đến từ việc lá ngón rất giống với lá cây beo, loại cây mà bà con miền núi thường hay dùng để làm thức ăn hoặc đun lấy nước uống.
Cụ thể, gần đây nhất là trường hợp gia đình ông B.V.D. (58 tuổi, ở Tân Lạc, Hoà Bình) trong lúc đi chăn trâu trên rừng, hái nhầm lá ngón về đun nước uống do nghĩ đó là lá cây beo.
Sau khi uống nước, 2 vợ chồng xuất hiện tình trạng đau đầu, choáng váng, nôn, co giật, được người thân vận chuyển đến Trung tâm Y tế huyện để cấp cứu. Người vợ uống ít hơn nên mức độ ngộ độc nhẹ, được điều trị ở tuyến y tế cơ sở.
Người chồng do uống nhiều hơn nên rơi vào tình trạng co giật, suy hô hấp, hôn mê, được đặt ống nội khí quản hô hấp nhân tạo, sơ cứu ban đầu rồi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình.
Người bệnh được đưa đến bệnh viện khi đã hôn mê sâu, thở hoàn toàn theo bóng bóp qua ống nội khí quản, rối loạn nhịp tim, co giật từng cơn, đồng tử giãn. Tình trạng bệnh nhân tiên lượng rất xấu.
Sau 4 ngày điều trị thở máy, cắt cơn co giật, điều chỉnh rối loạn nhịp tim, thải độc, truyền dịch bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn cần điều trị, theo dõi tích cực.
BS Tình cho biết thêm, do lá ngón rất giống với 1 loại lá cây (hay gọi là cây beo) mà bà con miền núi thường hay sử dụng để làm thức ăn hoặc đun nước uống.
Cây lá ngón (còn gọi cây rút ruột) thuộc dòng họ cây mã tiền, có chất cực độc ở rễ-lá-hoa-thân cây, tác động trực tiếp đến dẫn truyền thần kinh gây co giật, liệt cơ, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, có thể gây chết người trong trong thời gian ngắn nếu không được cấp cứu kịp thời.
Cây lá ngón thuộc họ cây leo, lá nhỏ (hình như lá trầu không nhưng mỏng), hoa màu vàng. Khi ngộ độc lá ngón, cần sơ cứu ban đầu (gây nôn, bơm rửa dạ dày) và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế.
Tại các cơ sở y tế, cần nhanh chóng đào thải chất độc ra khỏi đường tiêu hoá (gây nôn, bơm rửa dạ dày, dùng thuốc thải độc, thở máy, lọc máu, điều chỉnh rối loạn nhịp tim-rối loạn nước, điện giải).