Rà soát KĐTM Thủ Thiêm, các phường, TP Thủ Đức có đối thoại với dân không
Chính trị - Ngày đăng : 19:18, 11/05/2022
Chiều 11/5, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước cùng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đơn vị 1 tiếp xúc cử tri TP Thủ Đức trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Các ĐBQH đơn vị 1 gồm: Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; Nguyễn Thanh Sang, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM.
Cùng dự có đồng chí Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
Lắng nghe đối thoại, giải quyết hợp tình hợp lý nguyện vọng của người dân
Sau khi lắng nghe ý kiến của nhiều cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn cử tri đã nêu những ý kiến rất tâm huyết, thuyết phục, thẳng thắn và yêu cầu lãnh đạo TP Thủ Đức trả lời cử tri ngay tại hội nghị một số vấn đề.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hầu hết các ý kiến cử tri đều quan tâm đến những vấn đề chung của đất nước, của TPHCM, của các cấp ngành. Đó là mong muốn sớm có cơ chế chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức, mong muốn Chủ tịch nước chủ trì hội nghị thu hút đầu tư cho TP Thủ Đức như ở Hóc Môn và Củ Chi. Nhiều cử tri tâm huyết với vấn đề giáo dục, phát triển hạ tầng giao thông, công viên cây xanh, thoát nước, tham nhũng tiêu cực…
Từ ý kiến cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan của TPHCM rà soát, giám sát tại các khu dân cư không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng chí cũng đề nghị lãnh đạo TP Thủ Đức kiểm tra phản ánh của cử tri về việc mới nhận được 1/3 hỗ trợ cho tình nguyện viên chống dịch…
“Không được né tránh đối thoại với dân. Kể cả ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao, các phường, TP Thủ Đức có đối thoại với dân theo quy định hay không? Đề nghị Bí thư Thành ủy rà lại. Bởi vì đối thoại là rất quan trọng để giải quyết các vấn đề người dân đưa ra”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Chủ tịch nước chia sẻ thêm, Đoàn ĐBQH TPHCM là đoàn lớn, số lượng ĐB nhiều, trong đó có nhiều nhà khoa học, nhiều ủy viên trung ương, theo truyền thống trước nay là đoàn có tiếng nói quan trọng trong xây dựng chính sách pháp luật. Thời gian qua, Đoàn ĐBQH TPHCM đã sinh hoạt nền nếp, hiệu quả, phát hiện, phản ánh được nhiều vấn đề.
Từ đó, Chủ tịch nước mong muốn Đoàn ĐBQH TPHCM tiếp tục phát huy, góp tiếng nói mạnh mẽ với các cấp chính quyền, địa phương, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, lắng nghe tiếng nói trái tai, tiếng nói còn uẩn khúc để tháo gỡ cho người dân.
“Với tư cách Chủ tịch nước và ĐBQH TPHCM, tôi yêu cầu UBND, HĐND, Đoàn ĐBQH TPHCM, đặc biệt là Chủ tịch, Bí thư các quận huyện, TP Thủ Đức thường xuyên lắng nghe đối thoại, giải quyết hợp tình hợp lý đúng pháp luật những ý kiến nguyện vọng của người dân”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Sẽ có buổi đối thoại tiếp xúc của Thanh tra Chính phủ với người dân
Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo địa phương giải đáp một số vấn đề người dân bức xúc. Có thể chưa giải quyết được ngay nhưng phải thông tin rõ để cử tri an tâm. Nhất là những vấn đề liên quan đến quy hoạch treo, chậm cấp giấy chứng nhận nhà ở, bức xúc về đối xử của địa phương với dân.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, TP Thủ Đức đang xây dựng khu tái định cư để hoán đổi đất cho dân. Địa phương cũng đang tập trung xác định tỷ lệ hoán đổi phù hợp, hỗ trợ người dân cấp giấy phép xây dựng, dự kiến 1-2 tháng nữa sẽ hoàn tất cơ bản công tác này.
Về những kiến nghị liên quan đến ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở 5 khu phố 3 phường, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết tới đây sẽ có buổi đối thoại tiếp xúc của Thanh tra Chính phủ với người dân.
“Đây là vấn đề khó khăn, còn nhiều khác biệt giữa ý kiến cơ quan chức năng và người dân. TP Thủ Đức quyết tâm tháo gỡ, tìm những điểm chung”, ông Hoàng Tùng khẳng định.
Về kiến nghị cử tri liên quan dự án Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức đang tập trung triển khai các chính sách đặc thù, tập trung rà soát các trường hợp chưa giải quyết xong, hoàn tất việc đầu tư hạ tầng các khu tái định cư bàn giao nền cho người dân, hoàn tất bàn giao trong năm 2022.
Liên quan đến dự án Đại học Quốc gia TPHCM, đơn vị này trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, trong đó dành ra một khu tái định cư cho người dân.
Trước đó, sáng cùng ngày, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đơn vị 10 gồm các ĐB: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM, tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Buổi tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối từ điểm cầu Hội trường huyện Củ Chi tới điểm cầu Hội trường Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn và điểm cầu tại các xã.
Phát triển không phải đưa người dân vào tình thế không có công ăn việc làm
Phát biểu trước cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá và biểu dương TPHCM hồi phục nhanh, trở lại nhịp sống bình thường sau đại dịch Covid-19. Chủ tịch nước khẳng định, GRDP của TPHCM có quy mô khoảng 1/3 GDP cả nước, đóng góp ngân sách cũng khoảng 1/3 cả nước, nên sự tăng trưởng của TPHCM có ý nghĩa rất lớn đối với sự tăng trưởng chung của cả nước.
Trong đó, hai huyện Củ Chi và Hóc Môn đã năng động, sáng tạo, quyết liệt trong phòng chống dịch cũng như xúc tiến đầu tư. Theo Chủ tịch nước, hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Củ Chi và Hóc Môn nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư trong nước và quốc tế. Việc bây giờ cần tập trung là tháo gỡ các vấn đề đặt ra để dự án xúc tiến đầu tư đi vào hiện thực, nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy hoạch.
Đánh giá sự phát triển của TPHCM là rất đáng mừng, nhưng Chủ tịch nước cũng cho rằng, TPHCM còn nhiều trở ngại, khó khăn. Hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội còn nhiều bất cập. Chủ tịch nước chỉ rõ, đường thủy, đường bộ, đường hàng không, đường cao tốc kết nối là những vấn đề cần tháo gỡ cho TPHCM và 2 huyện phát triển.
Đối với địa phương, Chủ tịch nước yêu cầu TPHCM triển khai hiệu quả các chương trình tái cấu trúc kinh tế, hướng đến mô hình kinh tế sáng tạo, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và huy động nguồn lực trong xã hội, chú trọng hơn nữa hợp tác công - tư, tháo gỡ nút thắt ở từng dự án. Cùng với đó, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch đô thị của TPHCM phù hợp với mục tiêu phát triển đô thị hiện đại.
Chủ tịch nước cũng nhắc nhở TPHCM và 2 huyện phải giải quyết rốt ráo những khiếu nại, kiến nghị của cử tri trong các vụ việc gây bức xúc xã hội; quan tâm phòng chống bạo lực trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi.
Về các kiến nghị của cử tri, Chủ tịch nước đồng cảm với nhiều ý kiến, phản ánh của cử tri, nhất là các dự án kéo dài. “Có dự án để 17-18 năm không làm, người dân kêu là phải”, Chủ tịch nước bày tỏ.
Đề cập công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây là vấn đề cần phải quan tâm không chỉ ở 2 huyện và TPHCM, mà là trong cả nước. Phải chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để dành các nguồn lực cho phát triển.
Chủ tịch nước cũng ghi nhận các ý kiến của cử tri để cùng các ĐB Quốc hội, Chính phủ quan tâm, xử lý, giải quyết cùng với TPHCM.
Đối với 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn – vùng đất truyền thống cách mạng, Chủ tịch nước so sánh “Củ Chi và Hóc Môn là con rồng đang ngủ, sắp tỉnh dậy để phát triển mạnh mẽ”. Hai huyện có diện tích lớn, có quy mô trên 1 triệu dân nhưng phát triển chưa xứng tầm. Chính vì vậy, Thành ủy, HĐND, UBND và Đoàn ĐBQH TPHCM đang đóng góp vai trò để thúc đẩy 2 huyện phát triển mạnh mẽ hơn, với một không khí mới, đặc biệt là về hạ tầng. Chủ trương phát triển 2 huyện thành thành phố, có thể coi là thành phố sinh thái phía Tây Bắc của TPHCM.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Trong phát triển, phải lấy người dân làm trung tâm, chứ không phải đưa người dân vào tình thế không có công ăn việc làm hoặc làm bần cùng hóa người dân” và yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội, nhà ở cho công nhân, cho người dân.