Tổng thống Pháp: Ukraine có thể mất “nhiều thập kỷ” để gia nhập EU
Chuyển động - Ngày đăng : 16:31, 10/05/2022
Hiện Ukraine đang nỗ lực tìm kiếm tư cách thành viên EU. Chỉ vài ngày sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở khu vực Donbass, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng các lãnh đạo Kiev đã ký đơn xin gia nhập EU vào hôm 28/2.
Tổng thống Zelensky nhấn mạnh, mục tiêu của Ukraine là gia nhập EU và có quan hệ bình đẳng với các nước trong khối. Theo ông, điều này hoàn toàn công bằng và khả thi. Ông thúc giục EU cho phép nước này gia nhập nhanh chóng theo “thủ tục mới đặc biệt”. Tuy nhiên, lãnh đạo Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan đã phản đối đề nghị kết nạp nhanh này.
Tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã tới Kiev để thể hiện sự đoàn kết với Ukraine, đồng thời nhất trí rằng EU sẽ xem xét mong muốn gia nhập EU của quốc gia này. Sau khi tham vấn bà von der Leyen, 27 nước thành viên của EU sẽ xem xét để chính thức thông qua tư cách ứng viên của Ukraine.
Mới đây, Tổng thống Zelensky đăng tải trên mạng xã hội Twitter rằng, Ukraine đã hoàn thành và chuyển lại cho EU phần 2 của bảng câu hỏi xác định tư cách của ứng cử viên trở thành viên khối này. Kiev đã đệ trình phần đầu tiên cho Brussels vào ngày 17/4.
Ngày 9/5, bà von der Leyen thông báo EC sẽ phản hồi về đề nghị gia nhập EU của Ukraine vào tháng sau, đây là một bước đi quan trọng trước khi vấn đề này được các nước thành viên trong khối thảo luận.
Trên mạng Twitter, bà von der Leyen cho biết, đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và đang chờ đợi để nhận được câu trả lời về vấn đề Ukraine gia nhập EU. Bà xác nhận EC sẽ đưa ra quan điểm về vấn đề này vào tháng 6 tới.
Thế nhưng, Tổng thống Pháp Macron thẳng thắn cho biết: “Chúng tôi có thể tăng tốc tiến trình... để chấp nhận tư cách ứng cử viên cho Ukraine, nhưng chúng tôi biết rằng với các tiêu chuẩn và tiêu chí của chúng tôi, có thể sẽ mất nhiều thập kỷ để Ukraine thực sự gia nhập Liên minh châu Âu (EU)”.
Đồng thời, Tổng thống Pháp cũng đề xuất tạo ra một cộng đồng chính trị châu Âu nhằm trao cho Ukraine và các quốc gia ngoài EU cơ hội tham gia các vấn đề cốt lõi của khối.
Nhà lãnh đạo Pháp cho biết, tổ chức chính trị mới có thể tập hợp các quốc gia trên lục địa có chung các giá trị châu Âu, đó là các nước châu Âu dân chủ tuân thủ các giá trị cốt lõi trong hợp tác chính trị, an ninh, năng lượng, vận tải, đầu tư vào hạ tầng...