Truy tố 2 bị can vụ bạo hành bé gái 8 tuổi: Luật sư kiến nghị điều tra tội "Giết người" với cha nạn nhân
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 12:20, 08/05/2022
VKSND TP. HCM vừa ban hành cáo trạng truy tố 2 bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, quê tỉnh Gia Lai) và Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi, ngụ quận 1) ra trước TAND TP. HCM để xét xử liên quan đến việc bé gái 8 tuổi tử vong.
Theo nội dung cáo trạng của Viện kiểm sát: Nguyễn Võ Quỳnh Trang bị truy tố theo điểm b, n, q khoản 1 điều 123 tội "Giết người" và điểm a, khoản 2, điều 140 tội "Hành hạ người khác".
Còn Nguyễn Kim Trung Thái bị truy tố 2 tội "Hành hạ người khác" và "Che giấu tội phạm". Nạn nhân trong vụ án là cháu N.T.V.A. (sinh năm 2013, con ruột Thái).
Đây là vụ việc nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi, trong đó có đội ngũ chuyên gia bảo vệ pháp luật.
Kiến nghị đổi sang tội 'Giết người' đối với cha bé gái
Sau khi nghiên cứu cáo trạng, nhiều chuyên gia bảo vệ pháp luật đã lên tiếng bày tỏ quan điểm về vụ việc cho rằng, việc truy tố bị can Trang về tội “Giết người” là có căn cứ. Tuy nhiên truy tố bị cáo Thái về hai tội danh là "Hành hạ người khác" và "Che giấu tội phạm" là còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bé gái bị bạo hành) đã kiến nghị VKSND TP HCM xem xét toàn bộ hành vi của Nguyễn Kim Trung Thái.
Theo luật sư Ngọc Nữ, kết quả giám định pháp y tử thi đã ghi nhận các tổn thương gây ra trên khắp các vùng cơ thể của bé A. Với cơ thể của một đứa trẻ 8 tuổi thì bất cứ vùng nào cũng là vùng nguy hiểm và thực tế các tổn thương gây ra nguyên nhân tử vong cho bé A. là không phải do tổn thương vùng đầu.
Bên cạnh đó, diễn biến hành vi phạm tội qua dữ liệu camera đã ghi nhận, phản ánh động cơ phạm tội đê hèn, tàn độc (đánh đập vào cơ thể trẻ em trần truồng, bị quỳ gối, bị trói tay chân …), mục đích phạm tội là cố ý gây thương tích (sử dụng hung khí nguy hiểm đánh đập, đạp … vào tất cả vùng cơ thể trẻ em, kể cả vùng kín).
Hành vi phạm tội diễn ra liên tiếp, nhiều ngày, nhiều lần, thậm chí cả ban đêm, được thực hiện cùng phương thức thủ đoạn, cùng phương tiện, xảy ra tại một địa điểm. Hậu quả của hành vi phạm tội là một trẻ em 8 tuổi đã chết.
“Chuỗi hành động của Nguyễn Kim Trung Thái đã được xác định: Là cha ruột của bé A. nhưng đã cùng tham gia với Trang chửi mắng bé A., trực tiếp một lần dùng hung khí nguy hiểm đánh đập bé A. Chưa kể, các lần Trang đánh đập bé A., Thái đều nhìn thấy trực tiếp hoặc theo dõi qua camera. Hành động này của Thái đã góp phần gây ra tổn thương là nguyên nhân 'dẫn đến chết người hoặc là yếu tố cộng thêm dẫn đến chết người' - luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nói và nhấn mạnh, đây là hành vi là giúp sức, thúc đẩy các hành động của Trang gây ra tổn thương, là nguyên nhân 'gây ra chết người'. Do đó, Thái phải cùng chịu trách nhiệm với hành vi sai phạm của Trang về tội 'Giết người”, văn bản kiến nghị nêu rõ.
Cần làm rõ thêm hành vi của bố đẻ
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, qua theo dõi vụ việc từ đầu có thể khẳng định Nguyễn Kim Trung Thái thực hiện hành vi "hành hạ con" chứ không phải là "hành hạ người khác".
Dẫn chứng các căn cứ luật sư Cường cho rằng, theo quy định của pháp luật hành vi hành hạ người lệ thuộc mình có thể bị xử lý về tội "Hành hạ người khác" theo Điều 140 BLHS nếu những người hành hạ và nạn nhân không có mối quan hệ huyết thống. Trong trường hợp đối tượng hành hạ người khác và nạn nhân có quan hệ huyết thống thì sẽ bị xử lý theo Điều 185 BLHS về tội hành hạ ông bà, cha mẹ, con, cháu... chứ không xử lý về tội hành hạ người khác theo điều 140 bộ luật hình sự.
Trong vụ án này, có thể thấy mối quan hệ giữa Kim Trung Thái và nạn nhân (cháu bé V.A) là quan hệ cha con. Bởi vậy, việc xử lý về tội hành hạ người khác theo Điều 140 mà không xử lý về tội hành hạ con theo Điều 185 là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Đồng tình quan điểm trên, luật sư Trương Quốc Hòe cũng cho rằng, hành vi của Nguyễn Kim Trung Thái còn có dấu hiệu đồng phạm về tội giết người với vai trò đồng phạm chứ không đơn giản chỉ là hành vi "che giấu tội phạm".
“BLHS quy định những người khác không trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nhưng có hành vi xúi giục, giúp sức hoặc chỉ đạo người khác thực hiện hành vi giết người, thì cũng sẽ bị xử lý về tội giết người với vai trò đồng phạm. Bởi vậy, trường hợp kết quả điều tra cho thấy người cha của cháu bé biết hành vi đó nhưng không can ngăn lại có những lời nói, hành động thể hiện đồng ý với việc hành hạ, đánh đập cháu bé như vậy dẫn đến hậu quả cháu bé tử vong hoặc khi thấy chàng đánh đập cháu bé, bị can Thái cũng thực hiện hành vi đánh đập, hành hạ cháu bé thì hành vi này có dấu hiệu đồng phạm của tội giết người”, luật sư Hòe nêu ý kiến.