60 phút mổ cấp cứu lấy thai cho sản phụ nhau tiền đạo, nhau cài răng lược nguy hiểm

Sức khỏe - Ngày đăng : 10:13, 06/05/2022

Đội ngũ bác sĩ Sản khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM vừa tiếp nhận, chẩn đoán và mổ cấp cứu đón bé trai chào đời khỏe mạnh cho sản phụ bị nhau tiền đạo, nhau cài răng lược.

Thai phụ Ngọc Điểm (40 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) mang thai lần 3 ở tuần thứ 30 bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Nhập viện trong tình trạng ra huyết nhiều, chị Điểm được điều trị tích cực hơn 2 tuần nhưng tình trạng ra huyết không thuyên giảm mà ngày càng nghiêm trọng. Sản phụ được chỉ định sinh mổ cấp cứu.

Nhờ có sự chuẩn bị từ sớm, ca mổ diễn ra suôn sẻ, mổ lấy thai thành công sau hơn 1 giờ. Em bé được tiêm mũi hỗ trợ phổi nên hô hấp ổn định mặc dù sinh non tháng, và đặc biệt tử cung của sản phụ vẫn được bảo tồn.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi cùng ekip BVĐK Tâm Anh TP.HCM mổ cấp cứu lấy thai cho sản phụ bị nhau tiền đạo, nhau cài răng lược. Ảnh: BVĐK Tâm Anh cung cấp

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, trường hợp nhau tiền đạo, nhau cài răng lược như sản phụ Ngọc Điểm khi thai càng lớn thì tình trạng ra huyết càng nhiều, nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm càng cao. 

“Sản phụ có tiền sử hai lần mổ lấy thai. Siêu âm tuần thai 13-14 nghi ngờ nhau tiền đạo, bánh nhau đi từ mặt sau vòng qua mặt trước cổ tử cung, lên tới gần vết mổ lấy thai cũ, che lấp hoàn toàn cổ tử cung. Siêu âm tuần thai 25 có gợi ý nghi ngờ nhau cài răng lược. Từ tuần thai 28 trở đi sản phụ bị xuất huyết nhiều lần, phải nhập viện theo dõi sát sao. Khi thai được 32 tuần 5 ngày, bác sĩ nhận thấy sức khỏe sản phụ kém đi, hội chẩn quyết định mổ cấp cứu lấy thai ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con”, bác sĩ Mỹ Nhi chia sẻ.

Ở thời điểm tuần thai thứ 30, các bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM đã hội chẩn để chuẩn bị cho tình huống xấu có thể xảy ra. “Để ca mổ diễn ra thuận lợi, các bác sĩ phải chuẩn bị đường truyền dự trù máu cũng như đảm bảo các loại thuốc kịp thời để hồi sức cho sản phụ. Đồng thời, công tác gây mê cũng cần đảm bảo an toàn cho hai mẹ con vì hầu hết thai nhi ở các ca nhau tiền đạo còn non tháng”, bác sĩ Châu Thanh Danh, Bác sĩ khoa Gây mê hồi sức BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết thêm.

Trước đó, ekip bác sĩ Sản khoa BVĐK Tâm An cũng đã mổ lấy thai thành công cho sản phụ Kim Hiền (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) mang thai con đầu lòng có nhau tiền đạo. Khi siêu âm ở tuần thai 26-27, bác sĩ nghi ngờ sản phụ có nhau tiền đạo, đến tuần 32-33 khẳng định có nhau tiền đạo trung tâm, nhau cài răng lược ở mặt sau đoạn dưới. Sản phụ được chỉ định theo dõi sát sao, duy trì thai thêm 4 tuần, đến tuần thứ 37 được chỉ định mổ lấy thai.

Bé trai chào đời khỏe mạnh, hô hấp ổn định nhờ sự hỗ trợ của toàn bộ ekip BVĐK Tâm Anh TP.HCM mặc dù sinh non tháng. Ảnh BVĐK Tâm Anh cung cấp

Nhau tiền đạo, nhau cài răng lược là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm. Trước đây tỷ lệ tai biến hiếm gặp, một thống kê ở Mỹ cho thấy tỷ lệ thai phụ có nhau cài răng lược tăng từ khoảng 1/30.000 ở những năm 1950 lên khoảng 1/500-2000 ở những năm 1980 và 1990. Đến năm 2000 tỷ lệ này khoảng 3/1000 và hiện duy trì trong khoảng 2/1000.

Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược thường gặp ở những thai phụ có tiền sử sinh nở nhiều lần, có vết mổ trên cơ tử cung, tử cung có hình dạng bất thường, tiền sử bị viêm nhiễm tử cung. Hoặc thai phụ trên 35 tuổi, có sử dụng chất kích thích đặc biệt là thuốc lá, có tiền sử nạo phá thai sẽ có nguy cơ nhau cài răng lược cao hơn.

Chính vì thế, bác sĩ Mỹ Nhi khuyến cáo chị em phụ nữ muốn có một thai kỳ khỏe mạnh và sinh nở an toàn, tránh được những tai biến sản khoa nguy hiểm như nhau tiền đạo, nhau cài răng lược cần tránh nạo phá thai hoặc mổ lấy thai nhiều lần. Trong suốt thai kỳ, chị em cần tuân thủ đầy đủ hướng dẫn khám thai để hạn chế tối đa biến chứng. Khi phát hiện thai kỳ bất thường, chị em cần theo dõi, giám sát thai kỳ chặt chẽ để không bỏ sót vấn đề của thai nhi, có biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả mọi tình huống. Đặc biệt, khi thai kỳ có ra huyết, dù có kèm đau bụng hay không chị em cũng nên nhập viện càng sớm càng tốt. 

*Tên nhân vật đã được thay đổi


Thúy Nguyễn