Thị trường chứng khoán hiện nay dưới góc độ pháp lý

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 10:57, 05/05/2022

Thị trường chứng khoán gần đây phát hiện nhiều vụ thao túng, làm giá, phát tán tin thất thiệt gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của TTCK và gây thiệt hại cho nhà đầu tư... Phóng viên đã có buổi phỏng vấn Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw về vấn đề này.

Thị trường chứng khoán giai đoạn hiện tại khá khốc liệt, có nhiều tin nhiễu và tin đồn. Vậy theo ông, ở góc độ pháp lý thì việc xử lý tin đồn này như thế nào? Các cơ quan quản lý cần phải thực hiện chấn chỉnh ra sao khi đã có Luật An ninh mạng?

Thị trường chứng khoán là thị trường hết sức nhạy cảm. Khi xuất hiện các tin đồn sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường, quyết định của nhà đầu tư. Vì vậy, cần ngăn chặn những can thiệp mang tính chất phá hoại, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.  

eefaa459ac7b6d25346a4.jpg
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw.

Về nguyên nhân khiến cho các tin đồn, tin giả vẫn có đất sống, có thể cho rằng những chế tài xử lý hiện nay vẫn còn chưa đủ sức răn đe. Đơn cử như tin đồn cựu Chủ tịch BIDV bị bắt xuất hiện năm 2013, cơ quan chức năng sau đó đã xác định được 3 đối tượng đứng ra phát tán thông tin. Những đối tượng này sau đó chỉ bị xử phạt ở mức 10 - 15 triệu đồng. Chỉ mới đây, dư luận chứng kiến một vụ khởi tố hình sự một Facebooker đã thông tin sai sự thật trên trang cá nhân, làm ảnh hưởng đến danh dự người khác, khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán thiệt hại.

Tung tin giả làm ảnh hưởng đến nhà đầu tư, gây nhiễu loạn thị trường là hành vi vi phạm pháp luật. Cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hành chính. Bên cạnh đó, tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm theo điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.

Theo đó, cơ quan điều tra sẽ thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm, nhận thức của các bị can đối với hành vi vi phạm và đánh giá hậu quả đã gây ra đối với xã hội, nếu những thông tin mà các facebooker đưa ra không đúng sự thật và nhận thức được điều đó nhưng vẫn cố ý đưa thông tin không có căn cứ, quy kết người khác gây tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh, thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, người thực hiện hành vi phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Song song đó, về khía cạnh dân sự, nếu việc đưa tin đồn thất thiệt, xúc phạm, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích người khác thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Sự ra đời của Luật An ninh mạng đủ để nhắc nhở và răn đe nhiều đối tượng hiện nay, bởi nhiều người cho rằng muốn viết, nói gì trên mạng xã hội cũng không ai biết hoặc không xử lý được là suy nghĩ sai lầm nghiêm trọng. Tất cả những hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm. Những đối tượng vi phạm dù có xóa bài đăng vẫn có thể bị xử phạt.

Các vụ việc thao túng thị trường chứng khoán, lan truyền thông tin sai sự thật trên mạng gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin, lợi ích của nhà đầu tư, tính bền vững, công khai, minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc điều tra, xác minh, làm rõ các vụ việc, góp phần xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm đã góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, nâng cao uy tín của cơ quan quản lý, niềm tin vào kỷ cương, kỷ luật, ý thức tuân thủ pháp luật trên thị trường chứng khoán.

Câu nói "Nước trong quá thì không có cá", giai đoạn bùng nổ của thị trường vừa qua có sự tham gia của các đội lái, nhóm thao túng giá. Vậy có cơ chế nào và bằng cách nào để cơ quan quản lý giám sát tăng cường để tính minh bạch được đảm bảo mà vẫn “ không làm mất con cá” nào không thưa ông?

Cơ quan quản lý khẳng định các yếu tố nền tảng hỗ trợ thị trường vẫn tích cực, nhà đầu tư cần tỉnh táo với tin giả, tin đồn. Đồng thời sẽ phối hợp các cơ quan chức năng đề xử lý nghiêm các đối tượng tung, phát tán tin giả. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư cần theo dõi thông tin chặt chẽ tại các nguồn thông tin chính thống, tránh bị tác động tâm lý không mong muốn dẫn đến sai lầm trong đầu tư. 

Về thực tế tin đồn trên thị trường chứng khoán hiện nay, thông tin là một kênh rất quan trọng tác động đến tâm lý của nhà đầu tư.

Đối với thị trường chứng khoán còn khá non trẻ như Việt Nam thì tin đồn càng có khả năng có "đất sống". Thông tin chưa được xác thực được truyền miệng, qua mạng xã hội, qua công nghệ gây sức lan tỏa rất lớn. Tin đồn có thể xuất phát từ sự kiện hoặc có thể tạo ra từ một nhóm đối tượng, cá nhân với mục đích gây ra những sự bất thường trong lĩnh vực kinh tế.

Tại các nước kinh tế phát triển, tin đồn thất thiệt khó có đất sống, hoặc có cũng chỉ trong thời gian rất ngắn, bởi các doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến tin đồn sẽ có thông tin phản hồi kịp thời đến nhà đầu tư. Hơn nữa, nhà đầu tư tổ chức chiếm số lượng lớn trên thị trường, đây là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm, vì vậy họ sẽ dựa vào nhiều nguồn để xác minh thông tin.

Vai trò của cơ quan quản lý là giám sát các tổ chức tham gia thị trường theo Luật Kinh doanh chứng khoán, yêu cầu doanh nghiệp niêm yết phải công bố thông tin bất thường, thông tin định kì. Các bộ phận chức năng của các Sở giao dịch chứng khoán giám sát thực hiện đối với các công ty niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán. Khi có tin đồn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các Sở giao dịch chứng khoán, phối hợp với các công ty niêm yết công bố thông tin, tổ chức thoại, nhằm ổn định tâm lý nhà đầu tư.

Cùng với đó, các công ty đại chúng cần phối hợp với cơ quan quản lý để xác minh kiểm chứng thông tin. Đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật cần cũng cần có sự phối hợp với cơ quan quản lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán để xử lý các thông tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nên sử dụng các thông tin đã được kiểm chứng.

Xử lý tin đồn phải bằng những thông tin phản hồi và điều quan trọng là doanh nghiệp không bưng bít thông tin. Về phía nhà đầu tư cần phải tỉnh táo trước tin đồn, đưa ra những quyết định đúng đắn. Bên cạnh đó, những tin đồn liên quan đến nhà đầu tư thì các cơ quan có trách nhiệm phải điều tra, xác minh, loại trừ tin đồn thất thiệt gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Về pháp luật chào bán chứng khoán đã khá chặt chẽ đặc biệt là luật về chào bán cổ phiếu, phát hành trái phiếu. Vậy cơ quan quản lý có cần thắt chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp? Việc giám sát cần có cơ quan chuyên môn hoặc ông có đề xuất nào hữu hiệu hơn hiện nay không?

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã và đang trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp, giảm bớt sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng theo đúng chủ trương của Nhà nước và phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng trong những năm vừa qua.

Không chỉ vậy, trong những năm gần đây, hàng loạt các văn bản quy định quan trọng đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng. Cụ thể như Luật Chứng khoán 2019, Luật Doanh nghiệp 2020, Nghị định 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật chứng khoán, Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN tại thị trường quốc tế… Điều này cho thấy quyết tâm phát triển an toàn và bền vững thị trường vốn trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, thị trường phát triển nhanh đã phát sinh các rủi ro tiềm ẩn, một số hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong thời gian gần đây có vi phạm và một số sai phạm nghiêm trọng mang tính chất lừa đảo đã được cơ quan có thẩm quyền khởi tố.

Do đó, các cơ quan quản lý vẫn cần thắt chặt hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để không ảnh hướng đến việc huy động vốn trung và dài hạn trên thị trường, ảnh hưởng đến niềm tin đầu tư cả trong và ngoài nước, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

Cụ thể, trước tiên, cơ quan chuyên môn cần rà soát tổng thể các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để đánh giá thông qua các tiêu chí như là khối lượng phát hành, phát hành lãi suất cao, doanh nghiệp có tính hình tài chính kém, mục đích phát hành không rõ ràng, trái phiếu không có tài sản đảm bảo và không được bảo lãnh thanh toán; trái phiếu có tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thứ cấp cao, phục vụ công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra.

Thứ hai, Bộ Tài chính cần phải khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Nghị định số 153 theo hướng siết chặt hợp lý, quản lý chặt chẽ các công ty chứng khoán tư vấn phát hành, các doanh nghiệp yếu kém không được phát hành; thu hẹp lại mục tiêu huy động trái phiếu chỉ phục vụ đầu tư triển khai dự án, tuy nhiên, các văn bản sửa đổi ngoài mục tiêu bịt lỗ hổng về mặt pháp lý còn phải thúc đẩy thị trường phát triển, không chỉ vì những vụ việc riêng lẻ gần đây mà thắt chặt quá mức, gây ách tắc cho việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu nói chung và phát hành trái phiếu riêng lẻ nói riêng.

Thứ ba, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư cũng cần được liên tục cải thiện. Bên cạnh việc tăng cường đào tạo, truyền thông cho công chúng về các kiến thức đầu tư từ phổ thông tới nâng cao, cần thiết phải hoàn thiện các cơ chế quản lý, giám sát. Công tác hậu kiểm và chế tài đi kèm đối với các DN phát hành, các tổ chức tham gia vào qui trình phát hành và giao dịch TPDN phải đủ sức răn đe để đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch.

chung-khoan-phap-ly.jpeg
Ảnh minh họa.

Mới đây Thủ tướng Chính phủ có nói không hình sự hóa các quan hệ dân sự về kinh tế. Điều này được thể hiện như thế nào ở thị trường chứng khoán, thưa ông?

Tại Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì về "Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế", Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện các giải pháp để bảo đảm an toàn thị trường tài chính tiền tệ, không để xảy ra các vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, đến kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu và đến việc phát triển kinh tế đất nước. Những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý, nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế.

Đây là khẳng định nhất quán với chủ trường của Đảng và Nhà nước là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và luôn có chính sách hỗ trợ, khuyến khích những doanh nghiệp tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, chính đáng, minh bạch, làm giàu chính đáng cho mình, đóng góp cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

Quan điểm này của Thủ tướng xuất phát từ thực tế xuất hiện những hành vi thiếu mình bạch trên thị trường với nhiều thủ đoạn tinh vi phức tạp, cụ thể:

Thứ nhất là việc chấp hành không đúng quy định của pháp luật về công bố các thông tin liên quan đến thị trường và giao dịch. Theo Báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chỉ riêng trong năm 2021 đã có 38 đoàn thanh tra kiểm tra và ban hành 471 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 20 tỷ đồng.

Phân tích các hành vi vi phạm thì chủ yếu tập trung vào các hành vi như công bố thông tin không đúng sự thật, thao túng giá chứng khoán và các hành vi này chưa đến mức xử lý hình sự.

Đặc biệt là hành vi mua bán cổ phiếu không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch của các cổ động lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan cổ đông nội bộ vẫn diễn ra có chiều hướng gia tăng phức tạp, gây thiếu niềm tin cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến các giao dịch, đặt ra những vấn đề thiếu minh bạch trên thị trường chứng khoán.

Thứ hai là tình trạng cung cấp, đưa thông tin sai lệch thất thiệt trên các trạng xã hội và lôi kéo các nhóm đầu tư, nhóm tư vấn mua bán gây thiệt hại cho nhà đầu tư có chiều hướng gia tăng. Lợi dụng thị trường chứng khoán phát triển, số lượng nhà đầu tư gia tăng, các hội nhóm chứng khoán lập nhiều nhóm kín tư vấn lôi kéo nhà đầu tư tham gia mua bán cổ phiếu nhằm trục lợi.

Thứ ba do tình hình dịch bệnh trong thời gian vừa qua kéo dài, dòng tiền nhàn rỗi chưa được đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều nhà đầu tư tập trung chứng khoán gây tiềm ẩn gia tăng nợ xấu và an toàn an ninh tiền tệ.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu các doanh nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh giảm sự phụ thuộc vào việc cung ứng vốn của cho kinh tế từ kênh chính ngân hàng.

Thời gian qua, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp nổi lên một số vấn đề tiềm ẩn rủi ro gây nguy cơ liên quan đến an ninh tiền lệ như việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp tài sản đảm bảo tỉ lệ thấp.

Quá trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp phát sinh các hành vi vi phạm không minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ báo cáo công khai thông tin liên quan đến việc cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành cũng như nhân viên môi giới không có chứng chỉ hành nghề.

Tội phạm trên lĩnh vực tài chính tiền tệ được coi là tội phạm ẩn diễn ra thời gian dài, khi bị phát hiện gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và cũng gây khó khăn trong quá trình phát hiện điều tra xử lý của các cơ quan chức năng.

Dù vậy, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng cũng khẳng định "những sai phạm chỉ là thiểu số. Việc xử lý là cần thiết, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích cho đại đa số các nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính". Mặt khác, việc xử lý sai phạm cũng là bước đi cần thiết để làm trong sạch, giúp thị trường tốt, lành mạnh, an toàn, bền vững hơn.

Do đó, đối với hành vi của các cá nhân vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường và giao dịch, chúng ta sẽ không hình sự hóa bằng cách sử dụng công cụ kinh tế, xử lý kinh tế nặng hơn chứ không hình sự hóa các cá nhân này.  

Ngoài ra, việc hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự sẽ vô hình chung có thể làm thị trường bị thay đổi đột ngột, dẫn đến đổ vỡ thị trường, đảo chiều chính sách tác động tiêu cực lớn hơn đối với sự phát triển của thị trường.

Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan chức năng đang rất quyết liệt trong việc xử lý sai phạm liên quan đến TTCK như thao túng, che giấu thông tin, công bố thông tin sai sự thật… nhằm làm lành mạnh thị trường này. Theo ông, những động thái này tác động tới thị trường như thế nào?

Theo thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tại Kỳ họp thứ 13 (diễn ra tại Hà Nội từ ngày 28 - 31/3), xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015-2020, y ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận: Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và TTCK, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định, những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức Đảng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Sự quyết liệt trong việc xử lý những hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan thẩm quyền quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm làm trong sạch bộ máy quản lý thị trường chứng khoán đã được đông đảo quần chúng nhân dân, các nhà đầu tư hết sức ủng hộ.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng mong mỏi Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước mạnh tay hơn nữa, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi gian dối, thao túng thị trường chứng khoán của các tổ chức, cá nhân như một số vụ việc gần đây để bảo đảm thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động lành mạnh, minh bạch, trở thành kênh đầu tư, kênh huy động vốn hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội.

Và không phải ngẫu nhiên, chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Ba vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá, tình hình tội phạm kinh tế diễn biến phức tạp, nhất là liên quan tới trái phiếu, chứng khoán, bất động sản.

Bộ Công an và các cơ quan chức năng vừa qua đã vào cuộc chủ động, mạnh mẽ, Thủ tướng yêu cầu, các cấp, các ngành cần quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực phát hành trái phiếu, chứng khoán, bất động sản; đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, phát hiện các vi phạm và vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung.

Thực tế minh chứng, đông đảo nhà đầu tư đã không mất niềm tin trước những hành vi vi phạm pháp luật của một số cá nhân, tổ chức và đã không quá hoảng loạn vì những sự việc nói trên nhờ sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cơ quan chức năng. Việc thị trường chứng kiến những điều chỉnh theo hiệu ứng “cháy lan” sẽ chỉ tồn tại trong ngắn hạn và đây có thể là dịp tốt để mua vào cổ phiếu cơ bản với giá tốt. Và khi những tiêu cực được xử lý nghiêm minh, nó sẽ giúp thanh lọc thị trường, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư rằng “thị trường chứng khoán là nơi để đầu tư chứ không phải là đánh bạc”. Nếu doanh nghiệp có tiềm lực thật sự, hoạt động minh bạch thật sự sẽ luôn trụ vững và nhanh chóng vượt qua sóng gió, khủng hoảng, giá cổ phiếu sẽ trở lại giá trị thực.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn phấn đấu từ cận biên lên mới nổi, cơ hội nâng hạng thị trường sẽ rộng mở hơn nhờ những thay đổi về tính chuyên nghiệp, sự chặt chẽ và sự nghiêm minh của pháp luật trong việc mạnh tay chặn đứng hành vi gian dối, thao túng, lũng đoạn… nhằm tái thiết lập sự minh bạch, uy tín của thị trường vốn Việt Nam.

Trang Nhi