Trang trọng, uy nghiêm Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông”
Chính trị - Ngày đăng : 13:04, 30/04/2022
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự buổi lễ.
Cùng dự có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, đông đảo tướng lĩnh, cựu chiến binh, người dân và du khách.
Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” là dịp để ôn lại ký ức của một thời hào hùng, vẻ vang nhưng cũng thấm đẫm máu và nước mắt, đồng thời tôn vinh những chiến công bất tử, tri ân sâu sắc đối với sự hi sinh to lớn của thế hệ cha anh để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Lá cờ Tổ Quốc được kéo lên Kỳ Đài Hiền Lương trong không khí trang nghiêm và xúc động, hàng ngàn người đã tập trung tại đây để thể hiện lòng thành kính của mình. Ngọn cờ chính là biểu tượng của niềm tin và ý chí, là niềm kiêu hãnh và là sức mạnh của dân tộc Việt Nam, biểu trưng cho chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đănga Quang, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị đọc diễn văn ôn lại ký ức hào hùng của dân tộc, truyền thống đấu tranh bất khuất của quân và dân ta nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng trong những năm kháng chiến.
Sau Hiệp định Geneva năm 1954, chấm dứt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, hi sinh của dân tộc ta, nhưng niềm vui của hòa bình, thống nhất chưa một ngày được hưởng trọn vẹn, Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã trắng trợn xoá bỏ Hiệp định, ngang nhiên áp đặt chế độ thực dân kiểu mới, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ; ra tay đàn áp tàn bạo Cách mạng miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại khốc liệt ở miền Bắc.
Con sông Bến Hải, cầu Hiền Lương trở thành giới tuyến quân sự tạm thời, trực tiếp chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước. Đồng bào ta từ địa đầu Hà Giang đến mũi Cà Mau, 21 năm ròng rã phải sống trong tình cảnh “non sông hai nửa, Tổ quốc hai miền”.
Trong cảnh “dầu sôi lửa bỏng” đó, nhân dân Quảng Trị ở hai bờ sông Bến Hải vẫn vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, cùng với cả nước đập tan các chiến lược chiến tranh của Mỹ - Ngụy, chặn đứng mưu đồ “lấp sông Bến Hải”, tấn công ra miền Bắc của đế quốc Mỹ và tay sai.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh: Suốt hành trình của cuộc đấu tranh đầy gian nan, thử thách, dưới làn mưa bom, bão đạn của quân thù, lá cờ Tổ quốc nơi đầu cầu giới tuyến vẫn ngày đêm kiêu hãnh tung bay, trở thành biểu tượng của ý chí thống nhất, là niềm tin, niềm hy vọng để đồng bào miền Nam ruột thịt ngày đêm hướng về miền Bắc, hướng về Đảng và Bác Hồ kính yêu, thúc dục quân và dân Quảng Trị bền gian chiến đấu, lập nên nhiều chiến công vang dội.
Đặc biệt, trong chiến dịch Trị- Thiên năm 1972, cùng với sức mạnh áp đảo của những đòn tiến công dồn dập, bất ngờ của các binh đoàn chủ lực, quân và dân Quảng Trị đã tranh thủ thời cơ, phối hợp, dũng mãnh tiến công vào sào huyệt quân thù để giải phóng quê hương. Ngày 1/5/1972, Quảng Trị - tỉnh đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng.
Giữ trọn lời thề với Bác: “Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao” , Quảng Trị đã cùng với cả nước viết nên khúc khải hoàn đại thắng mùa Xuân năm 1975, để con Lạc cháu Hồng về chung dưới một mái nhà Tổ quốc, minh chứng trọn vẹn chân lý: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.
“50 năm, kể từ ngày quê hương được giải phóng, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã từng bước khắc phục những khó khăn, thử thách, tạo nên những chuyển biến tích cực, sâu sắc và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, đạt được những thành tựu quan trọng, rất đáng tự hào: kinh tế, văn hoá - xã hội không ngừng phát triển, đời sống Nhân dân ngày được nâng cao, từng bước xây dựng và hình thành một Quảng Trị đang đổi mới và phát triển; định vị ngày càng rõ hơn hình hài, cốt cách và tầm vóc của mảnh đất và con người Quảng Trị trên bản đồ Việt Nam”, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị nhấn mạnh.
Ngay sau lễ thượng cờ đã diễn ra lễ diễu binh, diễu hành của các đơn vị thuộc khối quân sự, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh...
Tiếp đó, lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Bến Hải cũng được tổ chức với sự tham gia của đông đảo các đoàn đua đến từ khắp các địa phương trong tỉnh Quảng Trị nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.
Một số hình ảnh về Lễ thượng cờ và Lễ diễu binh diễu hành