Đột kích “tổng kho” tại Thanh Hóa, thu giữ hơn 12.000 sản phẩm nghi hàng giả

Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 07:18, 28/04/2022

Hơn 30 cán bộ thuộc lực lượng Quản lý thị trường và Công an tỉnh Thanh Hóa đã chia làm 5 mũi tấn công, tiến hành đột kích 5 kho hàng tại thị xã Bỉm Sơn, qua đó thu giữ hơn 12.000 sản phẩm nghi là hàng giả.

Tối muộn 27/4, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, sau hơn 10 giờ kiểm đếm, phân loại, tới 19 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng đã ghi nhận trên 12.000 sản phẩm có nhiều dấu hiệu vi phạm tại 5 kho hàng trên đường Tô Vĩnh Diễn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Do số lượng hàng hóa quá nhiều, nên một phần kho sẽ tiếp tục được kiểm đếm, phân loại vào ngày mai 28/4.

z3373381755559_8979234540b8aee7773ddebe4eaa8a0a.jpg
Kho hàng cũng chính là nhà ở của bà Trương Thị Liên,

Trước đó, sáng cùng ngày, hơn 30 cán bộ thuộc lực lượng Quản lý thị trường và lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa đã chia làm 5 mũi tấn công, tiến hành đột kích 5 kho hàng trên đường Tô Vĩnh Diễn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, thuộc sở hữu của bà Trương Thị Liên (SN 1971), hộ khẩu thường trú tại Thanh Hóa.

z3373455713808_77db746ccfbda58095b52df77e489a59.jpg
Các kho hàng được đầu tư chắc chắn, chuyên nghiệp.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, vụ việc bắt nguồn từ các Live stream mà cơ sở này đăng tải trên 2 tài khoản Facebook là “Nguyễn Thảo” và “Ntthaolasortie”, mỗi tài khoản có hơn 10.000 lượt follow. Sau hơn 2 tháng trinh sát, nắm bắt vụ việc, các dấu hiệu vi phạm, ngày 27/4, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Phòng PC03, Công an tỉnh Thanh Hoá bất ngờ kiểm tra 5 kho hàng nói trên.

z3373446678655_1548bedad8ca8b205abe1ca40ff2c1d3.jpg
z3373455882003_5a671aec57a627f6d3d663320b350834.jpg
Hàng chục nghìn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo bị tạm giữ.

“Những kho hàng này nằm rải rác, cách cơ sở chính cũng là nhà riêng của bà Liên không xa, chỉ dùng để chứa hàng hóa với những kệ sắt được đầu tư chắc chắn, chuyên nghiệp”. Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Mỗi kho rộng từ 80-100m2, nằm sâu trong khu dân cư. Tại các kho hàng, chủ cơ sở đã phân chia thành từng lĩnh vực với các mặt hàng riêng biệt như khu phục vụ live stream; kho chứa các mặt hàng thời trang, gia dụng, giày dép, hoá mỹ phẩm….

Vẫn theo Tổng cục Quản lý thị trường, có những ngày cơ sở này “chốt” hàng nghìn đơn hàng với giá trị khác nhau, từ vài chục nghìn đồng đến hàng triệu đồng trên đơn. Doanh thu ước tính hàng tỷ đồng mỗi tháng.

Sau 10 tiếng phân loại, kiểm đếm liên tục, đến 19 giờ ngày 27/4, lực lượng chức năng đã ghi nhận trên 12.000 sản phẩm có nhiều dấu hiệu vi phạm. Trong đó phần lớn là các sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Gucci, Louis vuitton, Kenzo… Ngoài ra, còn có một lượng lớn sản phẩm là hàng hoá do nước ngoài sản xuất, chủ cơ sở chưa chứng minh được nguồn gốc hợp pháp cùng hàng trăm đơn hàng đã được đóng gói, chờ vận chuyển.

Đến 20 giờ, hàng trăm bao tải chứa các hàng hoá có dấu hiệu vi phạm đã được lực lượng chức năng tiến hành niêm phong, tạm giữ.

Phong Vân