Bình đẳng giữa hệ thống giáo dục công và hệ thống giáo dục tư
Giáo dục - Ngày đăng : 10:58, 26/04/2022
Đó là lưu ý mà Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ tại buổi làm việc với Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM).
Tập trung giải quyết những khó khăn của hệ thống giáo dục và đào tạo Thành phố
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cảm ơn sự quan tâm của đoàn công tác do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đến làm việc với TPHCM. Đồng thời mong muốn qua buổi làm việc thông qua những đề xuất gợi ý của Đoàn công tác giúp tháo gỡ những vướng mắc tạo điều kiện cho giáo dục của TPHCM phát triển tương xứng với vai trò một trung tâm.
Về phía Bộ GDĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự nỗ lực của lãnh đạo và người dân thành phố để vượt qua đại dịch. Bộ trưởng chia sẻ: TPHCM đang hồi phục mạnh mẽ và nhanh chóng, trong tiến trình đó, cần có sự quan tâm, tập trung khắc phục và hạn chế tốt nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục.
Trao đổi về mục đích của buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay: Để thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, ban hành chính sách đúng quy định và phù hợp với thực tiễn Bộ GDĐT cần đi thực tế, lắng nghe, tìm hiểu trao đổi với nhiều địa phương trên cả nước, từ vùng cao, vùng sâu, vùng xa cho đến các tỉnh, thành phố lớn của cả nước.
Trong chuyến đi này, Bộ GDĐT mong muốn tìm hiểu tình hình giáo dục đào tạo trên địa bàn TPHCM, cụ thể là tác động của dịch bệnh tới giáo dục, đào tạo của Thành phố; định hướng phát triển và kế hoạch phát triển thời gian tới. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ lớn như triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bởi Chương trình có được triển khai thành công hay không phụ thuộc sự vào cuộc chủ động, quyết tâm và quyết liệt của địa phương, đặc biệt là những TP lớn như TPHCM.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã có báo cáo sơ bộ về tình hình giáo dục hiện tại của TPHCM, đồng thời đưa ra các giải pháp, kiến nghị phát triển giáo dục trong thời gian tới. Trong đó có các nội dung về tạo điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; về tiêu chuẩn diện tích khu đất xây dựng trường học và diện tích sàn xây dựng; về triển khai dạy học trực tuyến, về tiêu chuẩn số lượng giáo viên, nhân viên tính trên số lượng học sinh toàn trường; về học sinh F0 được tham gia các kỳ thi; về tiêu chuẩn dành cho giáo viên dạy các môn TP đang thiếu khi triển khai Chương trình GDPT 2018; về thẩm định chương trình Giáo dục địa phương…
Ưu tiên quy hoạch và có chính sách đột phá, đồng bộ để phát triển giáo dục và đào tạo Thành phố xứng tầm
Trong phát biểu kết luận buổi làm việc Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trao đổi, lưu ý nhiều nội dung để giáo dục TPHCM phát triển trong thời gian tới. Bộ trưởng cho rằng lãnh đạo TPHCM qua các thời kỳ và đương nhiệm đều rất quan tâm tới giáo dục, đào tạo và có những quyết sách mạnh mẽ, hiệu quả, thiết thực đối với giáo dục.
Bộ trưởng nhấn mạnh: TPHCM là trung tâm phát triển kinh tế lớn nhất của cả nước nên quy mô và nhu cầu giáo dục của Thành phố rất lớn, cần phải có nền giáo dục tương xứng tầm vóc và sự phát triển của Thành phố. Lãnh đạo Thành phố đã quan tâm đến công tác giáo dục thì tiếp tục quan tâm và quan tâm nhiều hơn nữa, đồng thời có các quyết sách tháo gỡ khó khăn của ngành giáo dục.
Bên cạnh đó, Thành phố có nhiều lợi thế từ nền tảng hạ tầng phát triển về cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, hệ thống các cơ sở giáo dục trên địa bàn, hạ tầng số, kinh nghiệm quản lý và điều hành giáo dục, phát triển xã hội hóa trong giáo dục…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu một số đề xuất với lãnh đạo TPHCM. Theo đó, ngành Giáo dục đang tập trung triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo - đây là thách thức lớn đối với ngành Giáo dục và địa phương. Tốc độ đổi mới diễn ra rất nhanh và có nhiều điều chỉnh sâu về nội dung, phương pháp giáo dục. Rất mong lãnh đạo Thành phố trong giai đoạn này có sự quan tâm lớn, tập trung và dành nhiều nhất có thể các nguồn lực để thực hiện thành công chương trình.
Thành phố tập trung đẩy mạnh việc xã hội hóa trong giáo dục, huy động nguồn lực cho giáo dục nói chung. Trong đó, thực hiện bình đẳng giữa hệ thống giáo dục công và hệ thống giáo dục tư, tạo điều kiệu cho hệ thống giáo dục tư phát triển (ví dụ, tạo điều kiện về đất đai, mặt bằng, ưu tiên phát triển hệ thống trường mầm non các khu công nghiệp…).
Thành phố lưu ý phối hợp, quan tâm thích đáng đến vấn đề Quy hoạch mạng lưới hệ thống các cơ sở giáo dục cả nước và hệ thống giáo dục chuyên biệt. Đặc biệt ưu tiên đặt mục tiêu giảm sĩ số lớp học như một mục tiêu đột phá của giáo dục TPHCM và ủng hộ Bộ trong việc thí điểm những mô hình mới.
Cùng với việc hỗ trợ tối đa cho các cơ sở giáo dục đại học, Thành phố cần chú ý quan tâm và xem xét triển khai phù hợp công tác Đảng trong các trường đại học trong giai đoạn tự chủ đại học. Đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Trong đó có thể tính tới mô hình các trường năng khiếu, đặc biệt và quan tâm hơn đến giáo dục mũi nhọn của Thành phố.
Dịch bệnh đang được kiểm soát, Thành phố cần hạn chế thấp nhất ảnh hưởng về vấn đề tâm lý, tinh thần và cần có phương án hỗ trợ và bồi đắp tâm lý, kiến thức, kỹ năng cho học sinh các cấp…
Thống nhất với kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và ý kiến của đoàn công tác. Thay mặt Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cám ơn Bộ trưởng và đoàn công tác đã chuẩn bị cho một sáng kiến với một chuyến đi rất hữu ích cho TP HCM nói chung và giáo dục nói riêng.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chia sẻ: “Qua đánh giá tôi cảm nhận các đồng chí rất sát với giáo dục TPHCM. Cái gì mới, Thành phố sẵn sàng tiên phong thí điểm khi Bộ GDĐT giao”.