TAND TP Tuyên Quang áp dụng nhiều sáng kiến trong hoà giải, đối thoại

Tòa án - Ngày đăng : 09:36, 25/04/2022

Có thể nói, sự ra đời của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là quy định mang tính đột phá vì không chỉ kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, pháp lý tốt đẹp của dân tộc mà còn tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về hòa giải. Điều đó có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống.

Hạn chế được việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài

Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, hòa giải, đối thoại không chỉ góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, mà còn nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. 

Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử. Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành. Chính vì thế mà vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước. Hơn nữa còn hạn chế được việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. 

Còn đối với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp trong khi biên chế không tăng.

Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, ngay sau khi TANDTC, TAND tỉnh Tuyên Quang ban hành kế hoạch triển khai, TAND thành phố Tuyên Quang đã khẩn trương chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất cũng như lựa chọn những người có đủ điều, tiêu chuẩn để trình Chánh án TAND tỉnh Tuyên Quang bổ nhiệm làm Hoà giải viên. 

Hiện nay, đơn vị đã được bổ nhiệm 10 Hoà giải viên. Các Hòa giải viên đều là những người có tín nhiệm cao trong xã hội, đa số là Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Chấp hành viên Thi hành án dân sự, Thanh tra viên, luật sư... có kiến thức sâu rộng, hiểu biết xã hội, có uy tín, có khả năng hòa giải, đối thoại.

anh-bai-tand-tp-tuyen-quang.jpg
Một buổi hòa giải, đối thoại của TAND TP Tuyên Quang

Kể từ tháng 4/2021 các Hòa giải viên đã thống nhất phân công Hòa giải viên tiếp cận công dân có đơn khiếu kiện tại Tòa án ngay từ khi nộp đơn khởi kiện để thực hiện công tác tuyên truyền Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Tuy nhiên hoạt động này đã phải tạm dừng sau một thời gian triển khai thực hiện do tình hình dịch bệnh bùng phát, Tòa án hạn chế việc công dân đến nộp đơn trực tiếp.

Sau hơn 1 năm triển khai thi hành Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ hoà giải nhưng nhờ sự phấn đấu, nỗ lực vươn lên của toàn thể cán bộ, công chức và người lao động cùng tất cả các Hòa giải viên mà TAND thành phố Tuyên Quang đã đạt được những kết quả nhất định. Tổng số vụ việc mà đơn vị chuyển hòa giải, đối thoại là 119 vụ, việc  (Dân sự 35 vụ việc,  Hôn nhân gia đình 84 vụ việc). Tổng số vụ việc đã hòa giải thành, đối thoại thành là 98 vụ việc (Hôn nhân gia đình  58 vụ việc, Dân sự 32 vụ việc), chiếm 82,4%, vượt 22,4% so với chỉ tiêu của TANDTC. 

Triển khai áp dụng nhiều sáng kiến

Tuy thời gian triển khai thi hành Luật chưa lâu nhưng các Hòa giải viên đã nhanh chóng tiếp cận công việc, sắp xếp thời gian khoa học, đảm bảo giải quyết đúng tiến độ, hòa giải các vụ việc đạt kết quả rất tốt, không có trường hợp nào để hồ sơ hòa giải, đối thoại quá thời hạn.

Thông qua việc triển khai thực hiện Luật, việc hòa giải, đối thoại thành một số lượng đáng kể các vụ, việc tranh chấp đã giảm thiểu được một số lượng án phải thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng, từ đó giảm bớt khối lượng công việc thực tế cho Thẩm phán, Thư ký.  Hiện Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã và đang được người dân trên địa bàn thành phố quan tâm, tìm hiểu; rất nhiều đương sự đã lựa chọn Hoà giải viên giải quyết đơn khởi kiện của mình sau khi được tuyên truyền về Luật hòa giải, đối thoại.

Để có được những kết quả tích cực trong công tác hòa giải, đối thoại, TAND thành phố Tuyên Quang đã triển khai áp dụng nhiều sáng kiến và có nhiều cách làm hay. Ví dụ như trong việc lựa chọn Hoà giải viên, cần phải lựa chọn người am hiểu pháp luật nội dung, pháp luật tố tụng và có kinh nghiệm trong công tác pháp luật. Quá trình thực hiện nhiệm vụ phải tâm huyết, có kỹ năng hòa giải nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của Hòa giải viên và giải quyết hiệu quả các tranh chấp.

Bên cạnh đó, ngay từ khi nhận đơn khởi kiện, Toà án cần giải thích rõ đối với người có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu về Luật hoà giải đối thoại tại Toà án. Đối với những người nộp đơn qua đường bưu điện thì Thẩm phán được phân công có trách nhiệm thực hiện công việc này. Đây được xem là biện pháp khả thi và hiệu quả, khi người dân hiểu được ý nghĩa và lợi ích mà hòa giải, đối thoại mang lại cho họ thì họ sẽ lựa chọn cơ chế này và sự tin tưởng của các bên giúp cho quá trình tiến hành hòa giải, đối thoại trở lên nhanh chóng và thuận lợi do các bên thiện chí và hợp tác tích cực, góp phần vào sự thành công của quá trình hòa giải, đối thoại. 

Đồng thời, giữa Toà án và các Hoà giải viên phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng thuận. Khi tiếp nhận vụ việc hoà giải, các Hoà giải viên cần kiểm tra, nghiên cứu hồ sơ có thuộc thẩm quyền, trách nhiệm hoà giải của Toà án hay không và chuẩn bị tốt việc hoà giải, liên hệ thường xuyên với Thẩm phán được phân công để bố trí thời gian phù hợp. Về phía Toà án, cần bố trí điều kiện cơ sở vật chất phục vụ việc hoà giải tại trụ sở, Thẩm phán được phân công phụ trách công tác hoà giải cần liên hệ kịp thời với hoà giải viên và bố trí thời gian để tham gia hoà giải theo quy định của pháp luật.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật Hoà giải đối thoại tại Toà án, TAND thành phố Tuyên Quang cũng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như một số vụ việc gặp nhiều khó khăn khi tiến hành hòa giải do các bên (chủ yếu là phía người bị kiện) không đến. Việc gửi giấy mời cho các bên đương sự gặp nhiều khó khăn (đương sự không hợp tác, thiếu địa chỉ, địa chỉ không rõ ràng hoặc đương sự đã đi khỏi nơi cư trú, cố tình giấu địa chỉ). 

Có trường hợp đương sự nhận được giấy mời của Hòa giải viên nhưng không đến hòa giải theo giấy mời… điều này làm mất rất nhiều thời gian và công sức của các Hòa giải viên và các bên liên quan. Việc các Hòa giải viên cử người thực hiện công tác tuyên truyền ngay từ khi nhận đơn khởi kiện chỉ mang tính tự nguyện, không có quy định cụ thể, không có chế độ bồi dưỡng nên khả năng duy trì lâu dài hoạt động này sẽ khó khăn.

Bên cạnh đó, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và các văn bản hướng dẫn hiện hành chưa quy định trường hợp Hòa giải viên hòa giải vụ việc ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn mà có con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên thì Hòa giải viên có tiến hành lấy ý kiến của con hay không. Hoặc trường hợp đơn khởi kiện có nhiều nội dung yêu cầu khác nhau, các đương sự thỏa thuận được một nội dung thì Hòa giải viên có được lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành hay phải lập biên bản chấm dứt hoà giải? 


Nguyễn Tuấn Vinh (Chánh án TAND TP Tuyên Quang)