Bộ GDĐT nói gì về việc Lịch sử trở thành môn học tự chọn?
Giáo dục - Ngày đăng : 12:06, 24/04/2022
Đó là thông tin được Bộ GDĐT nhấn mạnh trước một số ý kiến xung quanh vấn đề môn Lịch sử là môn lựa chọn ở cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018), Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về vấn đề này như sau:
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết 29) đã nêu rõ yêu cầu đối với chương trình giáo dục phổ thông mới như sau: "Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng";
"Xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn".
Thực hiện Nghị quyết 29, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Nghị quyết 88), quy định: "Giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn giáo dục: giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm). Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”;
“Ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học. Ở cấp trung học phổ thông yêu cầu học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập theo hình thức tích lũy tín chỉ”.
Triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Quyết định 404), trong đó quy định: "Chương trình mới, sách giáo khoa mới được xây dựng, biên soạn theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên. Ở các lớp học, cấp học dưới thực hiện lồng ghép, kết hợp những nội dung liên quan với nhau ở mức độ hợp lý để tạo thành các môn học tích hợp. Thực hiện giảm hợp lý số môn học, tránh chồng chéo nội dung và những kiến thức không hoặc chưa cần thiết đối với học sinh. Ở cấp trung học phổ thông, ngoài các môn học bắt buộc chung, có các môn học, chuyên đề học tập dành cho học sinh tự chọn”.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ GDĐT đã tổ chức xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT để xin ý kiến toàn dân từ ngày 12/4/2017 đến ngày 20/5/2017. Dự thảo chương trình các môn học được được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT tạo để xin ý kiến toàn dân từ ngày 19/01/2018 đến ngày 19/3/2018.
Sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân và ý kiến của chuyên gia ở trong và ngoài các Hội đồng thẩm định (Hội đồng thẩm định Chương trình tổng thể, các Hội đồng thẩm định chương trình môn học), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương, xin ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các tổ chức có liên quan. Trên cơ sở đó, Chương trình giáo dục phổ thông đã được ban hành kèm theo Thông tư số 32 ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng đã quán triệt đầy đủ các quy định tại Nghị quyết 29, Nghị quyết 88, Quyết định 404, trong đó mỗi môn học có chức năng, nhiệm vụ, vai trò và vị trí khác nhau, cùng góp phần giáo dục học sinh trở thành những con người toàn diện có đủ tài, đức, công dân có ích cho xã hội.
Các môn khoa học tự nhiên, công nghệ, tin học bồi dưỡng những kiến thức về khoa học tự nhiên, rèn luyện tư duy, giúp học sinh có năng lực tiếp cận, hội nhập, làm chủ khoa học - kỹ thuật hiện đại. Các môn khoa học xã hội, nghệ thuật giúp học sinh thông hiểu về đời sống xã hội loài người, hiểu sự phát triển của xã hội loài người, hiểu các quy luật phát triển kinh tế, xã hội, triết lí, tư tưởng, lẽ sống… góp phần bồi dưỡng tâm hồn con người, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn đối với thế hệ trẻ.
Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9): Giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản:
Ở cấp tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 3, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội với tổng thời lượng cho cả 3 năm học là 210 tiết (so với với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 chỉ có 140 tiết); ở lớp 4 và lớp 5, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lí, là môn học bắt buộc với tổng số 140 tiết.
Chương trình môn Lịch sử và Địa lý không thay đổi về thời lượng so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Tuy nhiên, chương trình mới được thiết kế theo phạm vi mở rộng dần về không gian địa lí và không gian xã hội, từ địa lí, lịch sử của địa phương, vùng miền, đất nước Việt Nam đến địa lí, lịch sử của các nước láng giềng, khu vực và thế giới, giúp học sinh làm quen với một số nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.
Ở cấp học trung học cơ sở, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lí, là môn học bắt buộc ở tất cả các lớp, từ lớp 6 đến lớp 9, với tổng số 420 tiết, trong đó 50% thời lượng dành cho phân môn Lịch sử. Nội dung chương trình phân môn Lịch sử cấp trung học cơ sở trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại.
Nếu tính riêng phân môn Lịch sử thì chương trình không thay đổi về thời lượng so với môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Tuy nhiên, nội dung giáo dục lịch sử, ngoài việc được thực hiện trong phân môn Lịch sử còn được tích hợp một cách phù hợp trong các bài học thuộc phân môn Địa lý trong cùng môn Lịch sử và Địa lý; bảo đảm liên thông với chương trình môn Lịch sử và Địa lí cấp tiểu học và chương trình môn Lịch sử, chương trình môn Địa lí cấp trung học phổ thông; thống nhất, kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học và các môn học, hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông.
Bên cạnh đó, nội dung giáo dục lịch sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản còn được thực hiện trong môn Đạo đức (ở cấp tiểu học), môn Giáo dục công dân (ở cấp trung học cơ sở), Nội dung giáo dục của địa phương, với thời lượng 35 tiết cho mỗi lớp từ lớp 1 đến lớp 9. Trong đó, Lịch sử của các địa phương tiếp tục được đưa vào dạy học bắt buộc ở tất cả các lớp, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn lịch sử dân tộc Việt Nam.
Với cách thiết kế chương trình như trên, ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp tiểu học và trung học cơ sở, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện.
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12):
Ở cấp trung học phổ thông, Lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội. Ở giai đoạn này học sinh bắt buộc phải học 5 môn học lựa chọn trong 3 nhóm môn học (nhóm khoa học xã hội gồm 3 môn học: Lịch sử, Địa lý, Kinh tế và pháp luật; nhóm khoa học tự nhiên gồm 3 môn học: Vật lý, Hoá học, Sinh học; nhóm công nghệ và nghệ thuật gồm 4 môn học: Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật), trong đó mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn học. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định: "Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường". Như vậy, môn Lịch sử được dạy ở tất cả các trường trung học phổ thông, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên lịch sử hiện có. Phương pháp dạy học môn Lịch sử được thực hiện trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của sử học và phương pháp giáo dục hiện đại. Chương trình môn Lịch sử cấp trung học phổ thông (với tổng thời lượng 315 tiết, so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 chỉ có 140 tiết) hệ thống hoá, củng cố kiến thức thông sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các kiến thức lịch sử cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam.
Cũng như ở giai đoạn giáo dục cơ bản, ở cấp trung học phổ thông, nội dung giáo dục lịch sử cũng được đưa vào Nội dung giáo dục của địa phương, với thời lượng 35 tiết cho mỗi lớp từ lớp 10 đến lớp 12. Đồng thời, môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông là môn học bắt buộc với thời lượng 35 tiết/năm học, trong đó giáo dục cho học sinh về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Năm phẩm chất: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm được quán triệt giáo dục trong tất cả các môn học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ở đó, nội dung dung giáo dục lịch sử nói riêng, giáo dục khoa học xã hội nói chung đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dục nhân sinh quan, thế giới quan, hoàn thiện nhân cách, giáo dục ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng và những phẩm chất tiêu biểu của công dân toàn cầu (bản lĩnh, kết nối, cá tính, yêu thương) trong xu thế phát triển, đổi mới, sáng tạo của thời đại.
Việc học tập của trẻ em ngày nay tiến hành trong điều kiện học liệu nhiều, thông tin nhiều và dễ tìm kiếm, cơ hội học tập mọi nơi, mọi lúc. Trẻ em ngày nay phát triển sớm hơn, sự hình thành các năng lực phẩm chất sớm hơn. Vì vậy, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng mở, đặc biệt chú trọng đổi mới về phương pháp và hình thức dạy học, kiểm tra, đánh giá; khuyến khích tự học, học tập chủ động, sáng tạo của học sinh.
Với cách tổ chức biên soạn, kết cấu các môn học, đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục nội dung Lịch sử, ngoài tổng giờ được học nội dung giáo dục lịch sử trong các môn được gia tăng, nội dung giáo dục lịch sử còn được tích hợp, lồng ghép trong các môn học khác một cách phong phú, thực tiễn, đa dạng và toàn diện hơn. Học sinh học theo chương trình mới được học nhiều hơn và sâu hơn theo phương pháp mới. Như vậy, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã cụ thể hóa đầy đủ chủ trương đổi mới giáo dục lịch sử, thực hiện đầy đủ những quan điểm, mục tiêu và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29.
Sự sắp xếp các môn giáo dục lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (được phân chia giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm và giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm) là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia.
Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp trung học phổ thông, trong tình hình còn nhiều khó khăn về các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và các điều kiện khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục để có những biện pháp định hướng hỗ trợ học sinh chọn các tổ hợp môn học hợp lý, phù hợp với các điều kiện thực tiễn, phát huy hết được nhóm nhân lực nhà giáo dạy học môn Lịch sử. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và xã hội hiểu sâu hơn về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhận thức đúng, sâu sắc hơn về nội dung giáo dục lịch sử trong chương trình; trên cơ sở đó tổ chức triển khai hiệu quả, thực hiện tốt yêu cầu đổi mới về nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục lịch sử bảo đảm đạt được mục tiêu của chương trình.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ GDĐT tiếp tục lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện tốt yêu cầu tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.