Tin vắn thế giới ngày 23/4: Ấn Độ dừng sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca
Chuyển động - Ngày đăng : 08:40, 23/04/2022
Ấn Độ dừng sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca
Ông Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), cho biết nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới này đã ngừng sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca tại thị trường Ấn Độ do nhu cầu giảm.
Giám đốc Poonawalla cho biết SII đang có 200 triệu liều Covishield - vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca - dự trữ, thậm chí đề nghị quyên góp miễn phí các liều vaccine cho các đối tượng cần thiết. Trước tình hình này, SII đã phải đề xuất ngừng sản xuất Covishield, nếu không, tất cả sẽ hết hạn. Hiện cơ quan quản lý thuốc của Ấn Độ chỉ cho phép Covishield được sử dụng trong tối đa 9 tháng sau ngày sản xuất. SII khẳng định việc ngừng sản xuất chỉ áp dụng cho Covishield.
Thái Lan bỏ yêu cầu xét nghiệm RT-PCR đối với du khách từ tháng 5
Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 22/4 đã công bố những thay đổi lớn trong các quy định phòng chống dịch đối với người nhập cảnh, theo đó, từ ngày 1/5 tới bãi bỏ yêu cầu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR khi đến đối với du khách đã được tiêm chủng đầy đủ.
Hong Kong mở cửa trở lại cho du khách quốc tế
Sau hơn 2 năm gián đoạn, từ ngày 1/5, du khách quốc tế sẽ được phép đến Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc). Nhà chức trách đưa ra quyết định trên trong bối cảnh dịch bệnh có xu hướng giảm dần, từ đỉnh dịch trên 58.000 ca trong ngày 9/3 xuống còn 3 chữ số trong 8 ngày liên tiếp.
Singapore nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh
Ngày 22/4, Lực lượng Đặc trách phòng, chống COVID-19 của Singapore (MTF) thông báo trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trong nước có nhiều tín hiệu tích cực, nước này sẽ hạ mức độ cảnh báo dịch bệnh COVID-19 từ mức Da Cam (mức cảnh báo cao thứ hai, chỉ dưới mức cảnh báo cao nhất là Đỏ) xuống mức Vàng. Singapore đã áp đặt mức cảnh báo Da Cam từ ngày 7/2/2020, sau khi nước này ghi nhận tổng cộng 4 trường hợp mắc COVID-19 không rõ nguồn lây.
Malaysia dỡ bỏ yêu cầu cách ly đối với những trường hợp tiếp xúc gần
Kể từ ngày 22/4, Malaysia sẽ dỡ bỏ quy định cách ly bắt buộc đối với những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19. Quy định mới cũng sẽ không còn phân biệt giữa những người đã tiêm và chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Thông báo của Bộ Y tế nước này cho biết những người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 và có các triệu chứng bệnh được khuyến khích tự cách ly và xét nghiệm nhanh để phát hiện bệnh, và xét nghiệm một lần nữa 3 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng. Theo Bộ trên, nếu kết quả xét nghiệm nhanh âm tính và các triệu chứng được cải thiện, không cần làm thêm xét nghiệm. Tuy nhiên, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa ít nhất 5 ngày sau khi tiếp xúc gần, gồm luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tránh nơi đông người, tránh gặp những người thuộc nhóm có nguy cơ cao và chỉ đi lại vì những nhu cầu thiết yếu.
Hàn Quốc tiếp tục nới lỏng các hạn chế
Ngày 22/4, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum thông báo bắt đầu từ tuần tới nước này sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội được áp đặt để phòng dịch COVID-19. Theo đó, người dân sẽ được phép ăn uống trong các rạp chiếu phim, các phòng tập thể dục trong nhà, các địa điểm tôn giáo, tàu điện, tàu hỏa và xe buýt.
Bang NSW của Australia thay đổi phương thức báo cáo tình hình dịch bệnh
Bộ Y tế bang New South Wales (NSW) của Australia thông báo từ ngày 25/4 tới sẽ thực hiện báo cáo tổng hợp hằng tuần về dịch COVID-19 thay vì báo cáo hằng ngày. Động thái này cho thấy NSW đang chuyển sang giai đoạn mới sống chung an toàn với đại dịch.
Italy kêu gọi duy trì quy định đeo khẩu trang nơi công cộng khép kín
Ngày 21/4, tổ chức y tế độc lập GIMBE của Italy đã kêu gọi Chính phủ nước này duy trì quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở những nơi công cộng khép kín, với lý do mức độ lây nhiễm dịch COVID-19 vẫn còn quá cao nên không thể dỡ bỏ quy định này.
Trong khi đó cùng ngày, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa đã ban bố sắc lệnh của chính phủ dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở hầu hết mọi nơi.
Brazil tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế
Ngày 22/4, Bộ trưởng Y tế Brazil Marcelo Queiroga đã chính thức thông báo quyết định chấm dứt giai đoạn khẩn cấp về y tế quốc gia được áp dụng tại quốc gia Nam Mỹ này kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi tháng 2/2020.
Quyết định trên sẽ có hiệu lực 30 ngày sau khi được đăng tải trên tờ Công báo.
Nhật Bản công bố Sách Xanh ngoại giao
Ngày 22/4, Nhật Bản đã công bố Sách Xanh Ngoại giao năm 2022, trong đó khẳng định 4 hòn đảo đang tranh chấp chủ quyền với Nga là vùng lãnh thổ "bị chiếm đóng bất hợp pháp".
Đây là lần đầu tiên kể từ nằm 2003 Nhật Bản có lập trường cứng rắn như vậy trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập kỷ với Nga.
Ngoại trưởng Lavrov: Đàm phán Nga - Ukraine đã đình trệ
Ngày 22/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev liên quan tới cuộc xung đột hiện nay đã đình trệ.
Phát biểu trên được Ngoại trưởng Lavrov đưa ra sau cuộc gặp với người đồng cấp Kazakhstan Mukhtar Tleuberdi. Ông cho biết hiện Nga vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Ukraine về đề xuất mới được Moscow đưa ra ngày 17/4.
Chủ tịch EC hối thúc Nga tạo thuận lợi cho hoạt động nhân đạo tại Mariupol
Ngày 22/4, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel đã có cuộc điện đàm cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó quan chức châu Âu hối thúc Moskva tạo điều kiện cho các hoạt động tại thành phố Mariupol của Ukraine trong thời gian diễn ra Lễ Phục sinh.
Tổng thư ký LHQ lên kế hoạch công du tới Nga
Điện Kremlin ngày 22/4 thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tại thủ đô Moscow trong tuần tới.
Trả lời hãng thông tấn RIA Novosti, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cho biết: "Vào ngày 26/4, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres sẽ tới Moskva để hội đàm với Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Ngoài ra, ông Antonio Guterres cũng sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin".
Ba Lan tính huỷ bỏ toàn bộ hợp đồng dầu khí đã ký kết với Nga
Ông Piotr Naimski, Đặc mệnh toàn quyền của Chính phủ Ba Lan về Cơ sở hạ tầng Năng lượng Chiến lược cho biết nước này đang cân nhắc hủy bỏ các hợp đồng cung cấp dầu khí đã ký kết trước đó với Nga.
Ông Naimski cho biết Ba Lan đang tinh chế khoảng 26-27 triệu tấn dầu tại các nhà máy lọc dầu Gdansk và Plock của nước này. Theo ông, khoảng 60% lượng dầu này hiện đến từ Nga và nếu việc cung cấp dầu từ Nga bị cấm vận, các nhà máy lọc dầu của Ba Lan có thể chuyển sang một số loại dầu khác.
EC cho phép các doanh nghiệp mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble
Trong một thông báo ngày 22/4, EC cho biết các doanh nghiệp thuộc EU có thể tuân thủ hệ thống thanh toán mà Nga để xuất, theo đó thanh toán các hợp đồng mua khí đốt bằng đồng ruble mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Moscow. Mặc dù vậy, hiện chưa rõ quy trình này sẽ được thực hiện như thế nào.
Chủ tịch EC hối thúc Nga tạo thuận lợi cho hoạt động nhân đạo tại Mariupol
Ngày 22/4, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel đã có cuộc điện đàm cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó quan chức châu Âu hối thúc Moscow tạo điều kiện cho các hoạt động tại thành phố Mariupol của Ukraine trong thời gian diễn ra Lễ Phục sinh.
Niger đồng ý tiếp nhận lực lượng đặc biệt châu Âu
Ngày 22/4, các nhà lập pháp của Niger đã thông qua dự luật cho phép triển khai thêm các lực lượng đặc biệt của châu Âu tới nước này nhằm hỗ trợ đẩy lùi các cuộc nổi dậy thánh chiến trên khắp vùng Sahel.
Dự luật được thông qua với đa số phiếu ủng hộ, qua đó mở đường cho việc triển khai nhiều binh sĩ châu Âu tới nước này trong thời gian tới.
Chủ tịch EC hối thúc Nga tạo thuận lợi cho hoạt động nhân đạo tại Mariupol
Ngày 22/4, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel đã có cuộc điện đàm cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó quan chức châu Âu hối thúc Moskva tạo điều kiện cho các hoạt động tại thành phố Mariupol của Ukraine trong thời gian diễn ra Lễ Phục sinh.
Nga tiết lộ thương vong vụ chìm soái hạm Moscow
Sau vụ hỏa hoạn ngày 13/4, soái hạm Moscow của Hạm đội Biển Đen đã bị hư hỏng nghiêm trọng do kho đạn phát nổ. Một quân nhân thiệt mạng và 27 thành viên thủy thủ đoàn mất tích.
Afghanistan: Nổ ở một thánh đường Hồi giáo, nhiều người thương vong
Chính quyền tỉnh Kunduz, miền Bắc Afghanistan thông báo một vụ nổ xảy ra ngày 22/4 tại một thánh đường Hồi giáo ở thành phố cùng tên của tỉnh này, khiến ít nhất 20 người thương vong.
Nổ tại nhà hàng ở Somalia, nhiều người thiệt mạng
Ngày 22/4 đã xảy ra vụ nổ tại một nhà hàng bên bờ biển ở thủ đô Mogadishu của Somalia làm ít nhất 6 người thiệt mạng và 7 người bị thương.
Vụ nổ xảy ra tại nhà hàng hải sản Pescatore vừa được khai trương ở bãi biển Lido, phía Nam thủ đô Mogadishu. Đáng chú ý, đây là nhà hàng thường xuyên được các quan chức chính phủ và an ninh lui tới nhưng hiện chưa rõ có quan chức nào bị thương hay thiệt mạng trong vụ nổ này không.