Hội thảo lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo Sổ tay Thẩm phán

Tòa án - Ngày đăng : 11:31, 22/04/2022

Ngày 22/4, trong khuôn khổ dự án Tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Tòa án Việt Nam, TANDTC Việt Nam phối hợp với Văn phòng Dự án KOICA tại Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo Sổ tay Thẩm phán (sửa đổi).

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, điểm cầu trung tâm tại TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. 

Tham dự trực tiếp tại hội thảo gồm 10 Tòa án tỉnh, thành phố lân cận tỉnh Bình Định; đại biểu của các đơn vị thuộc TANDTC và Tòa án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham dự bằng hình thức trực tuyến thông qua zoom. 

hoi-thao-tandtc-22.4-binh-dinh-1.jpg
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TANDTC phát biểu chủ trì hội thảo.

Sổ tay Thẩm phán lần này được xây dựng trên cơ sở kế thừa phiên bản Sổ tay Thẩm phán năm 2006 và 2009 và đã qua 6 lần dự thảo. Trước khi trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành cuốn Sổ tay, Tổ soạn thảo tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trên toàn hệ thống Tòa án bằng cả hình thức lấy ý kiến bằng văn bản và ý kiến phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo do ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TANDTC, Tổ trưởng Tổ soạn thảo cuốn Sổ tay Thẩm phán (sửa đổi) và ông Park Byung-min, Giám đốc Dự án Tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Tòa án Việt Nam, đồng chủ trì.

Tại hội thảo, các đại biểu tham gia đã lấy ý kiến đối với phần thứ nhất, hình sự, dân sự, hành chính, phần phá sản và bắt giữ tàu bay tàu biển. Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TANDTC cho rằng, Sổ tay Thẩm phán đầu tiên được ban hành năm 2006 dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan phát triển quốc tế Australia (AusAID) và được sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng năm 2009. 

hoi-thao-tandtc-22.4-binh-dinh-2.jpg
Ông Park Byung-min, Giám đốc Dự án Tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Tòa án Việt Nam.

Sau khi ban hành, Sổ tay Thẩm phán đã nhận được sự đón nhận và đánh giá rất tích cực từ các Thẩm phán trên cả nước. Kết quả sử dụng Sổ tay Thẩm phán cho thấy chủ trương ban hành cuốn cẩm nang này là rất đúng đắn, phù hợp với yêu cầu và mong mỏi của Thẩm phán tại các Tòa án.

“Những lợi ích to lớn và hiệu quả tích cực do Sổ tay Thẩm phán mang lại là không thể phủ nhận, song do được ban hành đã nhiều năm nên nhiều nội dung trong cuốn Sổ tay Thẩm phán đã không còn phù hợp, cần phải được cập nhật, bổ sung. Trong đó, nhiều nội dung chỉ dẫn áp dụng pháp luật trong cuốn Sổ tay đã không còn chính xác do đã bị thay đổi bởi các văn bản pháp luật mới được ban hành như Hiến pháp, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật doanh nghiệp, Luật phá sản, Luật đất đai… Ngoài ra, một số hướng dẫn về kỹ năng cho Thẩm phán cũng đã không còn phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn xét xử trong tình hình mới”, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến nói.

Vì vậy, TANDTC đã tiến hành biên soạn Sổ tay Thẩm phán trên nguyên tắc kế thừa Sổ tay Thẩm phán năm 2009 và sửa đổi, bổ sung thành cuốn Sổ tay Thẩm phán phiên bản 2022.

Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Tòa án Việt Nam” do Cơ quan phát triển quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, TANDTC tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của toàn hệ thống Tòa án đối với dự thảo sổ tay này. 

hoi-thao-tandtc-22.4-binh-dinh-3.jpeg
Quang cảnh Hội thảo lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo Sổ tay Thẩm phán (sửa đổi).

“TANDTC rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, để cuốn Sổ tay này thực sự phát huy được tác dụng và là tài liệu tham khảo hữu ích cho các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký và cán bộ Tòa án”, Phó Chánh an Nguyễn Văn Tiến nói.

Phát biểu tại hội thảo, ông Park Byung-min, Giám đốc Dự án Tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Tòa án Việt Nam, bày tỏ: “Hội thảo lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt năm 2022 là năm kỷ niệm 30 năm Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao. Tôi mong muốn mối quan hệ tốt đẹp giữa cơ quan tư pháp của 2 nước, sẽ tiếp nối hơn nữa trong tương lai”.


Đức Hồ