Kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử- dấu mốc quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số

Chính trị - Ngày đăng : 13:28, 21/04/2022

Công bố kích hoạt toàn quốc hệ thống hóa đơn điện tử là dấu mốc quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số không chỉ của ngành thuế, mà còn với hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp, người dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
kich-hoat-hoa-don-dien-tu-dau-moc-cua-qua-trinh-chuyen-doi-so.jpg
Thủ tướng và các đại biểu kích hoạt hệ thống hoá đơn điện tử

Sáng 21/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố, kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc do Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) tổ chức. Lễ công bố được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên 1.500 điểm cầu (tại Tổng cục Thuế, 63 tỉnh, thành phố, các chi cục thuế…).

Cùng dự sự kiện tại điểm cầu Tổng cục Thuế có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp… Tại các điểm cầu địa phương có sự tham dự của các đồng chí bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Hóa đơn điện tử là 'mũi tên trúng nhiều đích'

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Lễ công bố kích hoạt toàn quốc hệ thống hóa đơn điện tử là dấu mốc quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số không chỉ của ngành thuế, mà còn với hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

Đây là sự kiện quan trọng, khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt của Chính phủ, của Bộ Tài chính, của ngành thuế trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Thủ tướng nhìn nhận thời gian qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế luôn nằm trong số những cơ quan đi đầu trong chuyển đổi số. Điều này đã tạo điều kiện để thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trong ngành và góp phần giúp ngành thuế liên tục hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách hằng năm, đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm nguồn lực tài chính quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, trong đó có thu đủ chi.

Tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý giai đoạn 2016-2020 hoàn thành vượt mức dự toán được giao, bình quân tăng 9,7%/năm. Trong năm 2021, một năm rất đặc biệt, rất khó khăn của đất nước do dịch bệnh diễn biến phức tạp, với sự đồng lòng của nhân dân, ủng hộ của doanh nghiệp, tổng thu đạt 1.345.590 tỷ đồng, vượt dự toán gần 229.000 tỷ đồng. Số thu ngân sách quý I/2022 đạt gần 410.000 tỷ đồng, bằng 34,9% dự toán, tăng 10,8% cùng kỳ.

Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao nỗ lực triển khai hóa đơn điện tử của ngành tài chính với kế hoạch bài bản, khoa học theo 2 giai đoạn. Đây là công việc mới với khối lượng lớn, triển khai trong thời gian ngắn và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong việc thay đổi tư duy, phương thức quản lý, thực hiện. Nhưng ngành tài chính đã bám sát thực tiễn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội và đạt được những kế quả bước đầu rất quan trọng. Trong đó, việc sử dụng mã số hóa đơn điện tử để tổ chức quay thưởng, trao thưởng là cách làm rất sáng tạo.

kich-hoat-hoa-don-dien-tu-dau-moc-cua-qua-trinh-chuyen-doi-so1.jpg
Thủ tướng: Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, bảo đảm việc kê khai thuế nộp thuế điện tử đơn giản và dễ dàng nhất

Thủ tướng nhấn mạnh: Kết quả bước đầu cho thấy việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử là 'mũi tên trúng nhiều đích', góp phần thay đổi phương thức điều hành, quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của người dân, doanh nghiệp theo hướng tích cực, hiện đại, tăng cường công khai minh bạch, phòng chống gian lận, tiêu cực, phát triển thương mại điện tử, giảm chi phí tuân thủ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, phù hợp xu hướng quốc tế.

Đồng thời, thúc đẩy xây dựng, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu trọng yếu quốc gia như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, đất đai… hướng tới xây dựng hệ sinh thái số; đổi mới công tác quản lý Nhà nước trên nhiều ngành, lĩnh vực; thúc đẩy phát triển chính phủ số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, minh bạch, hiệu quả

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Thủ tướng nêu rõ những thách thức đối với tiến trình chuyển đổi số của ngành thuế, như chưa có chiến lược chuyển đổi số rõ ràng; thiếu hụt nhân lực trình độ cao, nhất là công nghệ thông tin; chưa được đầu tư bài bản, phù hợp với thực tế phát triển, nhất là về hạ tầng công nghệ; sự thích ứng của một bộ phận người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế; công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tham gia tích cực, hiệu quả vào chuyển đổi số chưa được coi trọng đúng tầm…

Chia sẻ với những khó khăn này, Thủ tướng mong muốn ngành tài chính quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, khắc phục mọi khó khăn để tiếp tục phát triển ngành thuế lên một tầm cao mới. Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm được rút ra: Phải quyết tâm, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đặc biệt người đứng đầu, trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học; tạo được sự thống nhất về nhận thức và hành động từ Trung ương đến cơ sở; phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ trong ngành thuế, giữa các ngành, với doanh nghiệp và người dân; phát huy tinh thần sáng tạo, đột phá của đội ngũ cán bộ, công chức trong tìm tòi các giải pháp, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao; không ngừng hoàn thiện thể chế xuất phát từ thực tiễn và đầu tư cơ sở vật chất phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đây cũng là những bài học quan trọng để các bộ, ngành, địa phương khác tham khảo trong công tác quản lý, cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ: Trong giai đoạn tới, ngành thuế cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, minh bạch, công bằng, hiệu quả, có tính ổn định cao, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2021-2030. Hệ thống thuế phải vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, vừa là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô hiệu quả, vừa góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, củng cố niềm tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực, hiệu quả vào phát triển kinh tế-xã hội và quá trình chuyển đổi số.

Thủ tướng gợi ý 5 nền tảng cơ bản của ngành thuế: Thể chế quản lý thuế tiếp tục được hoàn thiện, minh bạch, hiện đại phù hợp thực tiễn; thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện, phù hợp điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên thông, tự động hóa cao, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin ở mức cao nhất; xây dựng ngành thuế chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, liêm chính, hiệu lực và hiệu quả, chống tham nhũng, tiêu cực; phân cấp phân quyền phù hợp, hiệu quả, nâng cao tính chủ đạo của trung ương, chủ động của địa phương, đi đôi với xây dựng công cụ kiểm tra, giám sát hiệu quả.

Ngành thuế cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, bảo đảm việc kê khai thuế nộp thuế điện tử đơn giản và dễ dàng nhất; phấn đấu đến cuối năm 2022, 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế được thực hiện bằng phương thức điện tử kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tư duy đột phá sẽ tạo ra nguồn lực

Để thực hiện được các mục tiêu này, Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm, định hướng, nhiệm vụ chính.

Về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phải tiếp tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược; kế thừa, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được thời gian qua, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên trong lĩnh vực quản lý thuế. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số và vận động người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Tư duy đột phá sẽ tạo ra nguồn lực, Thủ tướng nhấn mạnh.

Không trông chờ, ỷ lại, phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp. Phát triển hạ tầng số trên cơ sở tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi, an toàn kê khai và nộp thuế điện tử, người dân và doanh nghiệp tự giác nộp thuế.

Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy trong quá trình triển khai thực hiện; coi việc triển khai hóa đơn điện tử tại bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và làm thay đổi căn bản phương thức quản lý thuế.

Sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu một cách thiết thực, hiệu quả; có tính kết nối, liên thông cao; không chỉ thực hiện công tác quản lý thuế mà còn phải phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và các nhiệm vụ cấp bách khác. Tập trung hoàn thiện, phát triển hệ thống hóa đơn điện tử để hình thành hệ sinh thái dịch vụ thuế thông minh và phải là 1 trong 4 trụ cột của hệ sinh thái tài chính số (gồm: Quản lý thuế chặt chẽ, tránh trục lợi thuế và cung cấp tiện ích tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp; hải quan thông minh; kho bạc số 'ba không'- không có khách hàng trực tiếp giao dịch, không tiền mặt, không giấy tờ; chuyển đổi số mạnh mẽ thị trường chứng khoán).

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát. Khen thưởng, động viên và kỷ luật nghiêm minh, kịp thời. Khuyến khích bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tăng cường sơ kết, tổng kết, nhân rộng cách làm hay, mô hình tốt.

Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; coi trọng công tác truyền thông, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể

Thứ nhất, tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Tài chính, ngành thuế với các bộ, ngành, địa phương, xử lý ngay, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, cơ chế, chính sách, thẩm quyền, trách nhiệm trong quá trình triển khai.

Thứ hai, triển khai hóa đơn điện tử phải bảo đảm dữ liệu chính xác, công khai, minh bạch, thống nhất, bảo đảm an ninh, an toàn; thông tin, dữ liệu phải thống nhất theo tiêu chuẩn, hoạt động thông suốt, hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, phân tích dữ liệu để phát hiện kịp thời hành vi gian lận gây thất thu thuế. Đẩy mạnh quản lý thuế theo nguyên tắc giảm thiểu rủi ro, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời tiền thuế và thúc đẩy quản lý thuế đối với thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu hóa đơn điện tử trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, bộ ngành, địa phương; đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân số; phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; phòng, chống dịch bệnh. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, cập nhật các công nghệ mới trong hóa đơn điện tử.

Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng hoá đơn điện tử đến người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của việc sử dụng hóa đơn điện tử; mở rộng các kênh tương tác để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh về hóa đơn điện tử.

Thứ năm, quán triệt quan điểm, nhận thức về trách nhiệm thực hiện chuyển đổi số. Quan tâm công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và đạo đức công vụ, để cán bộ công chức phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ, phục vụ tốt hơn nữa người dân và doanh nghiệp. Chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, đặc biệt nguồn lực công nghệ thông tin để triển khai trên cả 63 tỉnh, thành phố với số lượng doanh nghiệp lớn, trải rộng trên nhiều địa bàn.

Thứ sáu, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương để sử dụng các nền tảng dùng chung tiết kiệm kinh phí đầu tư và nhanh chóng hiện đại hóa.

Xuân Lan