Thị trường bất động sản: Kịch bản 2011-2013 có lặp lại?

Bất động sản - Ngày đăng : 13:50, 18/04/2022

Giá BĐS đang tăng ở hầu hết các phân khúc, trong khi thanh khoản chưa tăng tương xứng khiến nhiều người lo ngại khủng hoảng giai đoạn 2011-2013 sẽ lập lại.

Theo các chuyên gia BĐS, hiện lượng giao dịch trên thị trường bất động sản ở mức thấp, hạn chế bởi giá bị đẩy quá cao, giá không phản ánh đúng giá trị thực. Các nhà đầu tư, người mua cũng tính được giá trị ở mức độ nào hợp lý. Vì vậy, người có nhu cầu thực sẽ không mua những sản phẩm bị thổi giá quá cao, dẫn đến tình trạng hấp thụ kém, thanh khoản yếu.

bat-dong-san-khung-hoang-1.jpeg
Trong quý I/2022, giá của hầu hết các phân khúc bất động sản đều tăng.

Trong quý I/2022, giá của hầu hết các phân khúc bất động sản đều tăng, đặc biệt là đất nền tăng 3 - 5 lần so với thời gian trước. Giá bất động sản tiếp tục tăng, một số địa phương có tình trạng sốt đất ảo, giá rao bán được “thổi” lên chóng mặt. Chính điều này đã khiến thị trường bất động sản rơi vào thế người có nhu cầu mua thực không mua được, người bán thì nghe ngóng rồi đưa ra mức giá cao nên khó bán.

Các chuyên gia cảnh báo: Nhà đầu tư cá nhân, nhất là nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xuống tiền.

Trước thực trạng trên, nhiều người lo ngại khủng hoảng bất động sản giai đoạn 2011-2013 sẽ lặp lại. 

Ở giai đoạn 2011-2013, doanh nghiệp phải loay hoay tìm kiếm sự hồi phục sau khi bong bóng bất động sản đổ bể vào năm 2009-2010. Thời điểm này thị trường gần như đóng băng, ngân hàng siết chặt nguồn vốn và tiêu chuẩn tín dụng cho vay bất động sản, coi bất động sản là lĩnh vực phi sản xuất. Đây là giai đoạn mà cả giá nhà và giao dịch đều suy giảm rất mạnh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thị trường sẽ không rơi vào kịch bản tồi tệ như 2011-2013. Thay vào đó chỉ là tình trạng cắt lỗ của nhà đầu tư xảy ra.

TS. Đinh Thế Hiển phân tích: Bất động sản có chu kỳ phát triển 5 năm. Bất động sản đã bước sang chu kỳ mới 2014-2019 và có tăng trưởng nóng sau giai đoạn khủng hoảng chạm đáy 2011-2013. Mặt bằng giá bất động sản đã tăng mạnh và Ngân hàng Nhà nước đã siết chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản. Cuối chu kỳ tăng trưởng rơi vào cuối năm 2019. Dịch COVID-19 chỉ là giọt nước tràn ly. Giai đoạn này, doanh nghiệp bất động sản có thể yếu đi nhưng có thể tự phục hồi. Do đó, không nên quá bi quan về một kịch bản xấu.

bat-dong-san-khung-hoang-2.jpg
Không nên quá bi quan về một kịch bản xấu.

Để tiếp sức cho thị trường địa ốc và ứng phó với dịch COVID-19, hàng loạt giải pháp đã được các đơn vị và chuyên gia đưa ra. Điển hình như mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã kiến nghị doanh nghiệp nên thực hiện các phương thức hỗ trợ đối tác thuê nhà, thuê mặt bằng, như giãn tiến độ trả tiền thuê, giảm giá cho thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian. Đồng thời xem xét giảm giá bán nhà, tăng chiết khấu. Tái cấu trúc lại doanh nghiệp, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà xã hội, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng.

Cho rằng cần chú tâm đúng mực đến bất động sản, nếu không sẽ đẩy nền kinh tế vào tình trạng khủng hoảng kéo dài, TS. Đinh Thế Hiển đưa ra giải pháp trong giai đoạn này, Ngân hàng Nhà nước nên có chỉ đạo quy định về nợ xấu như cho phép ngân hàng thương mại khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn, tránh đẩy nguồn vốn vay của doanh nghiệp địa ốc vào nợ xấu.

Cũng theo vị chuyên gia này, cần có chính sách hỗ trợ người có nhu cầu mua nhà thật, đây là đối tượng tạo ra tính thanh khoản thực trên thị trường. Do dịch bệnh nên đối tượng này có thể bị giảm thu nhập, thiếu việc, mất việc và gặp khó khăn khi trả tiền mua căn hộ. Đối tượng này khi được hỗ trợ sẽ hạn chế việc họ phải bán lại căn hộ – lý do có thể khiến thị trường rơi vào tình trạng bị bán tháo, giá giảm mạnh như năm 2012. Giải pháp này giúp doanh nghiệp địa ốc đẩy được hàng tồn. Ngoài ra, khi người dân có tiền mua sắm cũng sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành khác.

Trang Nhi