Đẩy mạnh tuyên truyền đến học sinh về việc lựa chọn tổ hợp
Giáo dục - Ngày đăng : 16:39, 15/04/2022
Đẩy mạnh tuyên truyền đến học sinh về việc lựa chọn tổ hợp
Ngày 14/4, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã đến kiểm tra tình hình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 tại Hà Nội.
Báo cáo tại cuộc làm việc, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết: Năm học 2021-2022 là năm thứ 2 Chương trình GDPT 2018 được thực hiện với khối lớp 1, năm thứ nhất ở lớp 2, do đó, có nhiều thuận lợi, giáo viên, học sinh đã có sự chuẩn bị kỹ càng về tâm thế cũng như trao đổi, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.
Đây là năm học đầu tiên triển khai Chương trình GDPT mới đối với khối lớp 6 cấp trung học cơ sở. Qua kiểm tra thực tế và đánh giá của các cơ sở giáo dục cho thấy chương trình và sách giáo khoa khá thuận lợi cho giáo viên trong việc tổ chức dạy học. Nội dung chương trình tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh có thể chủ động trong tổ chức các hoạt động dạy và học.
Hiện nay, ngành Giáo dục Hà Nội tập trung chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 cho khối 10 vào năm học 2022-2023. Ý thức được những khó khăn khi triển khai Chương trình ở cấp THPT, Sở GDĐT đã chủ động hướng dẫn, định hướng công tác chuẩn bị thông qua các hội thảo, hội nghị giao ban hiệu trưởng.
Theo báo cáo, 100% các trường THPT đã xây dựng Kế hoạch chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó bên cạnh công tác rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, việc tổ chức cho giáo viên nghiên cứu sâu nội dung Công văn 5512 của Bộ GDĐT được các trường hết sức quan tâm.
Nhiều trường đã xây dựng Kế hoạch giáo dục nhà trường cho năm học 2022-2023, đặc biệt là dự kiến các tổ hợp môn học chuẩn bị cho công tác tuyển sinh, tổ chức dạy học cho năm học mới.
Theo chia sẻ của bà Lê Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên chia sẻ: Để chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường đã nâng cao nhận thức của giáo viên về chương trình mới về tính ưu việt của chương trình, tính tất yếu phải thực hiện chương trình mới. Các giáo viên đã tìm hiểu văn bản, nghiên cứu thảo luận và tìm hiểu bỏ phiếu lựa chọn các bộ sách giáo khoa.
Cùng với đó, nhà trường đã chuẩn bị cơ sở vật chất đội ngũ giáo viên, xây dựng cấu trúc chương trình nội dung giáo dục theo các tổ hợp. Để học sinh lựa chọn các tổ hợp, các nhà trường trong cụm Đống Đa đã bàn bạc và xây dựng các tổ hợp tối ưu nhất để đưa các phương án phù hợp với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thế mạnh các trường trong nội dung giáo dục để học sinh và phụ huynh nghiên cứu và lựa chọn.
Còn theo ông Tạ Đăng Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tiền Phong thông tin: Tất cả giáo viên trong trường đang trong tâm thế sẵn sàng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10. Nhà trường đã tổ chức nghiên cứu chương trình khung để nắm bắt định hướng tự bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu. Khi có sách, các tổ nhóm chuyên môn đã tổ chức trao đổi hội thảo để có định hướng lựa chọn.
Thời gian tới, nhà trường sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến học sinh về việc lựa chọn tổ hợp, cùng với đó đánh giá đội ngũ giáo viên của nhà trường để xây dựng môn tổ hợp.
Khi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ thăm dò nguyện vọng của học sinh theo các ban. Hướng của nhà trường sẽ liên kết, trao đổi với các trường trong huyện để sử dụng trao đổi giáo viên.
Tuyệt đối không lơ là, chủ quan dù dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao những nỗ lực của ngành Giáo dục Thủ đô trong thời gian qua. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, dù phải triển khai học trực tuyến kéo dài nhưng chất lượng dạy và học vẫn được đảm bảo, duy trì tốt.
Với tinh thần chủ động, linh hoạt, thích ứng, các trường học ở Hà Nội đã triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đạt chất lượng, bảo đảm tiến độ. Thành phố cũng đạt nhiều kết quả ấn tượng, tiêu biểu về số lượng trường chuẩn quốc gia; số học sinh đoạt giải trong các kỳ thi cấp quốc gia, quốc tế; tiên phong trong việc xây dựng mô hình trường chất lượng cao…
Nhấn mạnh yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan dù dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các trường học trên địa bàn thành phố tiếp tục hỗ trợ học sinh, tận dụng tối đa “thời gian vàng” khi học sinh được học trực tiếp để tổ chức dạy học bảo đảm chất lượng.
Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10, Thứ trưởng đề nghị, ngành Giáo dục Hà Nội cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, trong đó lưu ý việc xây dựng các tổ hợp môn phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở từng nhà trường.
Để chuẩn bị tốt cho việc triển khai Chương trình lớp 10 mới, cần khảo sát nhu cầu của học sinh lớp 9 sớm. Sở phải có chỉ đạo cụ thể đến từng địa bàn và chậm nhất cuối tháng 4 phải xây dựng xong khảo sát nhu cầu để có những dự kiến về điều kiện tuyển sinh công khai.
Đồng thời, phải có sự chuẩn bị về đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình. Giáo viên phải đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đạt chuẩn đào tạo về năng lực, đổi mới sáng tạo theo chuẩn chương trình mới. Về cở sở vật chất, trang thiết bị dạy học, Thứ trưởng lưu ý, cần tận dụng tối đa, sử dụng hiệu quả trang thiết bị nhằm phục vụ cho quá trình dạy và học.
Đổi mới công tác quản lý, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, qua đó phải đôn đốc các trường bám sát mục tiêu của chương trình GDPT mới theo hướng khích lệ để thầy cô giáo sáng tạo, phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh cũng là yêu cầu được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đặt ra với ngành Giáo dục Hà Nội.
“Hà Nội phải xây dựng và thực hiện được trường học hạnh phúc; phải là một trong những địa phương đi đầu về xây dựng trường học hạnh phúc. Giáo viên, học sinh phải thực sự vui, thực sự hạnh phúc khi tới trường thì đó mới là đổi mới hiệu quả”, Thứ trưởng nhấn mạnh.