Sửa đổi Luật Dầu khí giúp tháo gỡ rào cản, thu hút đầu tư

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 11:39, 15/04/2022

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) là hết sức cần thiết, giúp loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Tháo gỡ rào cản, tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi

Theo ghi nhận của Bộ Công Thương, đông đảo các nhà thầu, chuyên gia dầu khí, cán bộ, người lao động trực tiếp tham gia các dự án dầu khí đã chỉ ra những vướng mắc cần tháo gỡ trong Luật Dầu khí hiện hành, đặc biệt là các vấn đề mang tính đặc thù theo thông lệ quốc tế như: địa vị pháp lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tích hợp trình tự thủ tục của việc quản lý hợp đồng dầu khí và quản lý dự án đầu tư, ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực dầu khí…

luat-dau-khi-2.jpg
Sửa đổi Luật Dầu khí để tháo gỡ rào cản, tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi.

Do đó, cần phải sửa đổi Luật Dầu khí để hướng đến tăng cường huy động đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực dầu khí, khai thác hiệu quả tài nguyên phục vụ cho lợi ích quốc gia.

Không ai có thể phủ nhận ngành dầu khí đã có rất nhiều đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi, cùng với đó là những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động dầu khí, các chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi Luật Dầu khí đang là vấn đề cấp bách.

Theo Bộ Công Thương, nhiều quy định trong Luật Dầu khí hiện hành không còn phù hợp hoặc chưa đồng bộ, chồng chéo với các quy định pháp luật khác. Đơn cử, các DNNN như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, nhưng quy định trong Luật này lại chưa đồng bộ với Luật Dầu khí về các bước phê duyệt dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.

Thực tế cho thấy, nhiều mỏ dầu khí đã qua giai đoạn khai thác đỉnh cao, đang trong đà suy giảm mạnh về sản lượng. Các lô dầu khí mở có tiềm năng hạn chế, trữ lượng nhỏ, thuộc vùng nước sâu, xa bờ, hoặc có địa chất phức tạp, kết hợp với giá dầu biến động khó lường, nên công tác kêu gọi đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, các quy định về ưu đãi đầu tư đối với các dự án dầu khí theo lô đã được ban hành từ năm 2005, đến nay, một số tiêu chí đã không còn phù hợp (nhất là đối với những dự án ở vùng nước sâu xa bờ) và chưa có chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án dầu khí theo lô, mỏ tận thu dầu khí, mỏ cận biên, thăm dò khai thác dầu khí phi truyền thống...

Do đó, Luật Dầu khí (sửa đổi) được kỳ vọng không chỉ tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, mà còn loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Bởi Luật sẽ bổ sung quy định về nguyên tắc xác định các lô dầu khí được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt.

6 nhóm chính sách giải quyết nhiều vấn đề mới

Như vậy, xuất phát từ thực tiễn quản lý, thực trạng thi hành pháp luật và bối cảnh tình hình hiện nay, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để thay thế Luật Dầu khí năm 1993, năm 2000, năm 2008 là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí” - Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Về nội dung của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 9 Chương 56 điều. Theo đó, Luật Dầu khí (sửa đổi) kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, Hiệp định đã ký kết; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

luat-dau-khi-1.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Nội dung của dự thảo Luật giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua (Nghị quyết số 17/2021/QH15). Cụ thể, thứ nhất, chính sách về bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; thứ hai, chính sách quy định về điều tra cơ bản và dầu khí và trình tự, phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí gồm các giai đoạn tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí.

Thứ ba, quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; thứ tư, chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí.

Thứ năm, chính sách quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí; thứ sáu, chính sách quy định khung việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm sử dụng tối ưu, hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có, tránh lãng phí trong đầu tư.

Góp ý thêm về dự án Luật, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chia sẻ:"Tôi đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ Công Thương, các bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đồng chí làm rất tích cực. Về tinh thần chung, chúng tôi thấy rất ủng hộ dự thảo Luật và thấy được về hồ sơ, nội dung cơ bản đã đủ điều kiện để có thể báo cáo Thường vụ trình Quốc hội trong kỳ họp tới".

Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu, về cơ bản, tôi đánh giá rất cao hồ sơ của Chính phủ trình và về mặt tài liệu thì hồ sơ đảm bảo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và cũng trình đúng thời hạn để đảm bảo cơ quan nghiên cứu, thẩm tra để có thể kịp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

"Chúng tôi cũng thống nhất cao nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí. Ý kiến các đồng chí vừa nói Luật Dầu khí được ban hành lần đầu năm 1993, đến nay qua ba lần sửa đổi vào năm 2000-2008 và 2018. Trong đó năm 2018 chủ yếu sửa đảm bảo phù hợp với Luật Quy hoạch, cho nên nhiều quy định so với yêu cầu hiện hành trong tình hình, bối cảnh mới" - ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Trang Nhi