Xung đột Nga - Ukraine: Moscow hứng thêm đòn trừng phạt từ phương Tây

Chuyển động - Ngày đăng : 16:50, 06/04/2022

Trong khi đàm phán ngoại giao Nga - Ukraine chưa đi đến kết hồi kết, tiếp tục có thêm nhiều nước châu Âu quyết định trục xuất các nhân viên sứ quán Nga, trong khi đó EU cũng đề xuất các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Moscow…

Nhiều nước châu Âu trục xuất nhân viên sứ quán Nga, Moscow tuyên bố “đáp trả tương xứng”

Ngày 5/4, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares xác nhận, nước này sẽ trục xuất 25 nhà ngoại giao Nga và nhân viên đại sứ quán khỏi Madrid.

050422-ngoai-truong-tay-ban-nha.jpg
Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares. Ảnh: AP

Reuters dẫn lời ông Jose Manuel Albares cho biết, quyết định trên được đưa ra bởi Madrid cho rằng, các nhân viên sứ quán Nga “là đại diện cho mối đe dọa” đối với lợi ích và an ninh nước này.

Trong khi đó, một nguồn tin giấu tên tiết lộ với Reuters rằng, đại sứ Nga không nằm trong danh sách bị trục xuất.

Cũng trong thông báo ngày 5/4, Bộ Ngoại giao Bồ Đào Nha cho biết sẽ trục xuất 10 nhân viên Đại sứ quán Nga tại thủ đô Lisbon. Tuyên bố nêu rõ các nhân viên bị trục xuất là “những người không được hoan nghênh” và họ có 2 tuần để rời khỏi Bồ Đào Nha. Theo bộ trên, không có ai trong số nhân viên Đại sứ quán Nga bị trục xuất là nhà ngoại giao.

Cùng ngày 5/4, Romania cũng thông báo sẽ trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga bị cáo buộc "hành xử không phù hợp với quy tắc quốc tế". Slovenia cũng quyết định trục xuất 33 nhà ngoại giao Nga.

Trong khi đó, Latvia, Estonia đóng cửa lãnh sự quán Nga. Thông báo ngày 5/4 của Bộ Ngoại giao Latvia cho biết, Vilnius đã ra lệnh đóng cửa hai lãnh sự quán Nga tại nước này và yêu cầu nhân viên rời khỏi đây vào cuối tháng 4.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Estonia tuyên bố, nước này đã quyết định đóng cửa Tổng lãnh sự quán Nga ở Narva và văn phòng đại sứ quán ở Tartu. Estonia cũng đã quyết định trục xuất và tuyên bố 14 nhân viên của những cơ quan ngoại giao Nga này, bao gồm cả 7 nhân viên có tư cách ngoại giao, là "những người không được hoan nghênh".

Italy, Đan Mạch và Thụy Điển cũng công bố thông tin về việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Đan Mạch ngày 5/4 công bố quyết định trục xuất 15 nhà ngoại giao Nga được cho là nhân viên tình báo ngầm.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp tại Quốc hội, Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod công bố quyết định trục xuất 15 nhà ngoại giao Nga, trong đó nêu rõ 15 người bị trục xuất đã tiến hành các hoạt động do thám trên lãnh thổ nước này. Qua đây, Ngoại trưởng Kofod nhấn mạnh Đan Mạch muốn gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng hoạt động do thám tại nước này là "không thể chấp nhận".

xung-dot-nga-ukraine.jpg
Xung đột với Ukraine đang thúc đẩy EU tăng cường trừng phạt Nga. Ảnh: Reuters

Trước đó một ngày, Đức và Pháp lần lượt thông báo quyết định trục xuất tổng cộng 75 nhà ngoại giao Nga khỏi 2 nước. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock thông báo trục xuất 40 nhà ngoại giao Nga và buộc hộ phải rời khỏi Đức trong vòng 5 ngày. Pháp cũng thông báo nước này sẽ trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga.

Ngay lập tức, Nga đưa ra tuyên bố sẽ có hành động đáp trả tương xứng. Điện Kremlin cùng ngày 5/4 cho rằng, việc một số quốc gia châu Âu trục xuất hàng loạt các nhà ngoại giao Nga trong thời gian gần đây là một "động thái thiển cận" sẽ chỉ làm phức tạp thêm việc đối thoại.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Việc thu hẹp cơ hội giao tiếp ngoại giao trong một môi trường khủng hoảng khó khăn chưa từng có như vậy là động thái thiển cận sẽ làm phức tạp thêm hoạt động giao tiếp của chúng ta, điều vốn cần thiết để tìm ra giải pháp”.

Anh phong tỏa 350 tỷ USD ngân quỹ của Chính phủ Nga; EC đề xuất cấm nhập khẩu than và cấm tàu của Nga cập cảng

Ngoại trưởng Anh Liz Truss ngày 5/4 thông báo London đã phong tỏa khoảng 350 tỷ USD (321 tỷ euro) tài sản của Chính phủ Nga. Phát biểu trong chuyến thăm Ba Lan, bà Truss cho biết, với biện pháp mới này, Chính phủ Nga hiện nay không tiếp cận được 60% dự trữ ngoại tệ tổng cộng 604 tỷ USD của nước này.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Anh kêu gọi một lệnh cấm tàu Nga neo tại các cảng biển của phương Tây và một thời gian biểu rõ ràng để hạn chế nhập khẩu dầu, than đá và khí đốt của Nga.

ngoai-truong-anh.jpg
Ngoại trưởng Anh Liz Truss

Bà Truss cũng kêu gọi các đối tác của Anh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp đặt các biện pháp hạn chế đối với các ngành công nghiệp mang lại nguồn tài chính cho Nga như vàng.

Trong khi đó, AFP dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết trong ngày 6/4, Mỹ cùng nhóm G7 và Liên minh châu Âu (EU) sẽ công bố một loạt biện pháp mời trừng phạt Nga liên quan xung đột tại Ukraine. Các biện pháp mới này sẽ bao gồm lệnh cấm toàn bộ hoạt động đầu tư mới vào Nga, tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào các thể chế tài chính và doanh nghiệp nhà nước, các quan chức chính phủ và thành viên gia đình các quan chức này.

Theo đó, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 5/4 đã đề xuất các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, trong đó bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than và tàu của Nga cập các cảng của châu Âu. Đây là một phần của đợt trừng phạt thứ năm kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2, sẽ cần được 27 nước thành viên EU thông qua.

EC cũng sẽ đề xuất cấm hoàn toàn các giao dịch của 4 ngân hàng lớn đang chiếm 25% lĩnh vực ngân hàng của Nga, trong đó có VTB, ngân hàng lớn thứ hai nước này.

Đề xuất trên sẽ được trình các nước thành viên EU với hy vọng sẽ được phê chuẩn sớm nhất là vào ngày 6/4.

Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho biết, trong giai đoạn hiện nay, EU sẽ chưa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga. Một số quốc gia, trong đó có Đức và Hungary, phản đối các hạn chế đối với lĩnh vực năng lượng.

Trước đó, nhật báo Phố Wall (WSJ) dẫn lời các nhà ngoại giao đưa tin, trong số các biện pháp EU đề xuất có lệnh cấm nhập khẩu thiết bị vào Nga, kể cả đồ điện và phương tiện giao thông. Ngoài ra, EU ủng hộ việc áp đặt các hạn chế đối với việc nhập khẩu muối kali (phân bón) của Nga.

EC cũng cho rằng cần phải thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với các doanh nhân Nga và thành viên gia đình họ.

040522-nga-eu-gas.jpg
Đường ống dẫn khí đốt tại trạm khí đốt ở Werne, miền tây nước Đức, ngày 24/3/2022. Ảnh: AFP

Trong một diễn biến khác, ngày 5/4, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một trang "chợ đen" trực tuyến tại Nga và một sàn giao dịch tiền điện tử mà Washington cho là được điều hành từ Moscow và St. Petersburg.

Theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ, các biện pháp trừng phạt nhằm vào trang Hydra có trụ sở tại Nga và sàn giao dịch tiền điện tử Garantex. Hành động này của Mỹ là lời cảnh báo tới các “tội phạm rằng chúng không thể lẩn trốn trên các “chợ đen'” hay các diễn đàn” cũng như không thể “lẩn trốn tại Nga hay bất kỳ đâu trên thế giới”.

Nhật Minh