Các Tòa án đang tích cực triển khai xét xử trực tuyến theo Nghị quyết của Quốc hội

Tòa án - Ngày đăng : 15:21, 04/04/2022

Triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội và kế hoạch của TANDTC, các Tòa án trong cả nước đang rất tích cực tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Phiên tòa trực tuyến tại Hà Tĩnh

Tại Hà Tĩnh, TAND huyện Thạch Hà vừa đưa ra xét xử vụ án Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, tàng trữ trái phép chất ma túy. Phiên tòa diễn ra tại điểm cầu trung tâm là hội trường xét xử TAND huyện Thạch Hà với sự tham gia của Hội đồng xét xử, đại diện VKS; bị cáo tham gia phiên tòa tại điểm cầu thành phần là Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Tĩnh.

131d5153535t52769l0.jpg
Phiên tòa trực tuyến tại TAND huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.

Theo cáo trạng của VKS, bị cáo Nguyễn Trí Hoà đã bị VKSND huyện Thạch Hà truy tố về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, quy định tại điểm b, điểm h, khoản 2, Điều 255 BLHS và tội Tàng trữ trái phép chất ma tuý, quy định tại điểm I, khoản 1, Điều 249 BLHS.

Căn cứ vào tính chất của vụ án, hành vi phạm tội của bị cáo, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ đối với bị cáo, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trí Hòa 9 năm tù về các tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Sau phiên xét xử, ông Nguyễn Khắc Hoàn – Phó Chánh án TAND huyện Thạch Hà, Chủ toạ phiên toà cho biết: Đây là phiên toà hình sự đầu tiên được xét xử bằng hình thức trực tuyến, cũng là phiên xét xử để rút kinh nghiệm về sự phối hợp giữa Toà án và VKS. Phiên tòa được chuẩn bị kỹ càng với sự phối hợp tốt giữa các điểm cầu nên diễn ra rất tốt đẹp.

Theo ông Hoàn, việc xét xử trực tuyến tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cơ quan tiến hành tố tụng, hạn chế lây lan dịch bệnh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Thực hiện Nghị quyết 33 của Quốc hội và Thông tư liên tịch số 05 của Liên ngành Tư pháp trung ương về xét xử trực tuyến, TAND huyện Thạch Hà là một trong những đơn vị Toà án cấp huyện của tỉnh Hà Tĩnh triển khai sớm. Đây là hình thức xét xử mới trên cơ sở ứng dụng CNTT, sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng hiệu quả, tiết kiệm, lãnh đạo TAND huyện Thạch Hà chia sẻ.

Phiên tòa trực tuyến tai Bình Định

Trước đó, chiều ngày 24/3/2022, TAND tỉnh Bình Định mở phiên tòa xét xử công khai theo hình thức trực tuyến vụ án hình sự. Bị cáo Lê Minh Hiếu bị đưa ra xét xử về tội “Trộm cắp tài sản”.

Đây cũng là phiên tòa xét xử trực tuyến đầu tiên của tỉnh này. Điểm cầu trung tâm là tại TAND tỉnh Bình Định, có sự tham gia của những người tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật; bị cáo tham gia phiên tòa tại điểm cầu thành phần là Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Định.

binh-dinh.jpg
Phiên tòa trực tuyến tại TAND tỉnh Bình Định.

Dự và theo dõi phiên tòa trực tuyến ngoài lãnh đạo Tòa án tỉnh còn có các đồng chí lãnh đạo Ban Nội chính tỉnh và lãnh đạo các cơ quan tư pháp của tỉnh Bình Định.

Ông Lê Văn Thường, Chánh án TAND tỉnh Bình Định cho biết, với sự ra đời của Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội, các yêu cầu về cải cách tư pháp của TANDTC cùng với những khó khăn trong tổ chức các phiên tòa xét xử trực tiếp do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19 đã đặt ra yêu cầu cấp bách phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động xét xử. Do đó, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời là nhu cầu, xu hướng tất yếu của Tòa án.

Việc xét xử trực tuyến nhằm hỗ trợ hoặc thay thế xét xử trực tiếp tại tòa án, giúp tòa án nâng cao chất lượng xét xử; thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Tòa án; mở rộng cơ hội tổ chức xét xử ở mọi nơi, mọi lúc. Bước đầu, TAND tỉnh Bình Định sẽ xét xử thí điểm một số vụ án hình sự đơn giản, chứng cứ rõ ràng, sau đó sẽ mở rộng thí điểm đối với các vụ án dân sự, hành chính.

Sau phiên tòa, lãnh đạo TAND tỉnh Bình Định đã tổ chức phiên họp rút kinh nghiệm nhằm đánh giá và chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót để hoạt động xét xử trực tuyến trở thành hoạt động tố tụng chủ yếu, có hiệu quả trong tương lai.

Phiên tòa trực tuyến tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương

Cũng trong thời điểm này, TAND thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đã mở 4 phiên tòa xét xử sơ thẩm theo hình thức trực tuyến. Đây là những vụ án đầu tiên mà TAND hai cấp Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử theo hình thức trực tuyến.

Hội đồng xét xử và đại điện VKS tham gia phiên tòa tại điểm cầu trung tâm Tòa án thành phố Thủ Đức; các bị cáo tham gia phiên tòa tại phòng xét xử trực tuyến tại Nhà tạm giữ Công an thành phố Thủ Đức.

thu-duc(1).jpg
Phiên tòa trực tuyến tại TAND thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Các bị cáo bị VKS truy tố với các tội danh tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; tội trộm cắp tài sản. Hành vi của bị cáo gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, do đó cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật để răn đe, giáo dục riêng và phòng ngừa cho xã hội.

Ông Nguyễn Thành Vinh, Chánh án TAND thành phố Thủ Đức cho biết, việc xét xử trực tuyến là phù hợp trong tình hình dịch bệnh như hiện nay; giảm kinh phí đưa các bị cáo tới phiên tòa. Các quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo được đảm bảo đầy đủ như phiên tòa xét xử trực tiếp.

Trong thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tháng 6/2021, TAND thành phố Thủ Đức đã đề xuất cấp trên chấp thuận chủ trương cho thí điểm xét xử trực tuyến các vụ án hình sự đối với bị cáo đang bị tạm giam tại Nhà giam giữ của Công an thành phố Thủ Đức. Đề xuất này sau đó được TAND Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ và kiến nghị lên TANDTC.

Ngày 18/3, lần đầu tiên TAND tỉnh Bình Dương mở phiên tòa xét xử trực tuyến vụ án hình sự tại 2 điểm cầu (điểm cầu trung tâm và điểm cầu thành phần). Bị cáo tham gia phiên tòa tại trại tạm giam, trong khi hội đồng xét xử và đại điện VKS tham gia phiên tòa tại điểm cầu trung tâm Tòa án tỉnh.

Để đưa vụ án ra xét xử trực tuyến, TAND tỉnh Bình Dương phối hợp với Công an, Viện KSND tỉnh Bình Dương chọn một số vụ án hình sự có ít người tham gia tố tụng để có thể thực hiện những phiên tòa trực tuyến đầu tiên, trong phạm vi tối đa 3 điểm cầu: trung tâm tại phòng xử án, điểm cơ sở giam giữ và tại trụ sở VKS.

Trại giam đã bố trí 1 căn phòng khoảng 10m2, được bố trí đầy đủ bàn ghế, bục khai báo của bị cáo cùng hệ thống máy tính, loa, micro và nhiều trang thiết bị kỹ thuật khác. Đến giờ xét xử, bị cáo được áp giải từ buồng giam sang phòng xử trực tuyến cách vài trăm mét để tham gia phiên tòa thay vì phải đi đến TAND tỉnh. Ngoại trừ trực tuyến thông qua máy tính thì diễn biến phiên tòa không có khác biệt nhiều so với phiên tòa trực tiếp.

Ông Đặng An Thanh, Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Dương cho biết, dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, một số người tham gia tố tụng vắng mặt khiến cho các phiên tòa bị hoãn nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết án. Sau khi xét xử thí điểm các phiên tòa hình sự, TAND tỉnh Bình Dương sẽ rút kinh nghiệm để tiến tới thực hiện thí điểm xét xử trực tuyến các phiên tòa hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại.

Nguyên Bình