Bàn giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế trong hồi phục kinh tế-xã hội

Chính trị - Ngày đăng : 10:07, 04/04/2022

Bên cạnh những kết quả thể hiện nền kinh tế đất nước đang có những hồi phục tích cực, song Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội còn có những tồn tại hạn chế cần nghiêm túc phân tích, đánh giá để có giải pháp khắc phục.
ban-giai-phap-khac-phuc-nhung-han-che-trong-hoi-phuc-kinh-e-xa-hoi.jpg
Quang cảnh buổi họp

Ngày 4/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022.

Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ.

Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022; tình hình kinh tế-xã hội tháng 3, quý I năm 2022 và những trọng tâm chỉ đạo trong thời gian tới, đặc biệt về tình hình triển khai Nghị quyết 01, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; báo cáo cập nhật kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2021; cùng một số nội dung quan trọng khác về công tác hoàn thiện thể chế.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình quý I vừa qua đã cho thấy chúng ta đã dự báo tương đối sát tình hình, với nhận định tình hình sẽ có thuận lợi, cơ hội, khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi. Tình hình trong các tháng 1, 2, 3 đã có những diễn biến mới nhanh, khó lường.

Trong quý I, tình hình ở Ukraine ảnh hưởng đến nhiều mặt đến tình hình kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh trên toàn cầu, tác động đến thị trường năng lượng, tài chính và cung cầu hàng hóa; cạnh tranh nước lớn tiếp tục diễn ra; giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới và lạm phát ở nhiều nước tăng cao. Ở trong nước, tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp do các biến chủng mới như Omicron, giá nguyên liệu và lạm phát trên thế giới gây áp lực lớn.

Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, chúng ta phải giải quyết các vấn đề tồn đọng, kéo dài nhiều năm, các vấn đề mới xuất hiện do tác động từ tình hình thế giới, các vấn đề đặt ra trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phục hồi nhanh, phát triển bền vững, các vấn đề nổi lên như tình hình mưa lũ bất thường ở miền Trung, vấn đề bảo đảm cân đối lớn về điện, năng lượng trong năm 2022 và thời gian tới, việc mở cửa trở lại trường học và du lịch…

Trong bối cảnh tình hình có những diễn biến mới phức tạp, đột xuất, bất ngờ, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự nỗ lực của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, kinh tế-xã hội đang hồi phục tích cực, Việt Nam không lỡ nhịp hồi phục trong xu thế chung của thế giới.

Các tổ chức quốc tế đều hạ mức dự báo mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 so với dự báo trước đó, việc kinh tế thế giới phục hồi sẽ khó khăn hơn, nhưng nền kinh tế Việt Nam có tín hiệu phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP trong quý I đạt hơn 5%, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I dưới 2% mặc dù sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn.

Thị trường tiền tệ, tài chính ổn định; các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm (thu – chi ngân sách, xuất - nhập khẩu, lương thực thực phẩm, năng lượng, cung cầu lao động). Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại được củng cố và tăng cường, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lòng tin của nhân dân, bạn bè, đối tác quốc tế, nhà đầu tư tăng lên. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội rất tích cực theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm nhanh từ cuối tháng 3.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế-xã hội còn có những tồn tại hạn chế cần nghiêm túc phân tích, đánh giá để có giải pháp khắc phục, như giải ngân đầu tư công còn chậm; một số chương trình phục hồi chưa được triển khai kịp thời theo tiến độ đề ra; thị trường chứng khoán, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; vấn đề hàng hóa ở biên giới được xử lý tích cực chưa được giải quyết triệt để; đời sống một bộ phận người dân vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; việc tiêm vaccine mũi thứ 3 dù rất nỗ lực nhưng chưa đạt tiến độ mong muốn, việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi cần cố gắng hơn.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự cuộc họp phân tích, đánh giá sâu sắc hơn những mặt được, chưa được, phân tích kỹ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đóng góp thêm về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm thời gian tới, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thế nào để khắc phục được các tồn tại, hạn chế, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với những vấn đề mới có thể phát sinh, tiếp tục giải quyết những vấn đề tồn đọng, kéo dài…

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2022.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước 2021, tình hình triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Các thành viên Chính phủ cũng nghe và thảo luận về Dự án Luật khám chữa bệnh; Đề nghị xây dựng dự án Luật phát triển công nghiệp; Đề nghị xây dựng Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi); Báo cáo về quy định giới hạn quy mô diện tích sử dụng đất theo từng giai đoạn đối với các khu công nghiệp có quy mô diện tích trên 500ha trong dự thảo nghị định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế (thay thế nghị định số 82/2018/NĐ-CP).

Xuân Lan