Trách nhiệm ứng xử trên mạng xã hội
Đời sống - Ngày đăng : 11:35, 03/04/2022
Không thể phủ nhận mạng xã hội đang làm tốt vai trò thông tin, giao tiếp của con người. Mạng xã hội là một diễn đàn lớn, rộng mở, nơi mọi cá nhân có quyền bày tỏ quan điểm của mình, tham gia bàn luận về các vấn đề nóng của xã hội, của quốc gia. Và như vậy, mạng xã hội đã phát huy quyền tự do dân chủ của công dân, giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của nhân dân. Với độ mở và tính tương tác cao, mạng xã hội cũng chính là nơi giải tỏa các xung đột tâm lý xã hội.
Với số lượng người dùng lên đến hơn 70% dân số Việt Nam hiện nay, có thể ví mạng xã hội như những tờ báo lớn, nơi những thông tin nóng hổi nhất được lan truyền với tốc độ nhanh chóng và không biên giới. “Muốn đọc gì, xem gì thì lên mạng” - đó là một thực tế hiện nay. Tuy nhiên, với tính chất như vậy thì tin tốt lan nhanh và tin xấu thậm chí còn lan nhanh hơn trên môi trường mạng. Do vậy, mạng xã hội cũng đang là nơi phát tán nhiều tin rác, tin giả, tin sai sự thật; nhiều thông tin mang tính chất xúc phạm, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, xâm phạm bí mật đời tư và vô hình trung đã xâm phạm quyền con người.
Đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua đã chứng kiến sự bùng phát của tin giả, tin thất thiệt trên mạng xã hội mà sự nguy hiểm của chúng không thua kém dịch bệnh thực sự. “Virus tin giả” trở thành một vấn nạn toàn cầu chứ không riêng gì ở Việt Nam, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và nhiều hệ lụy khác đối với đời sống kinh tế, xã hội. Quãng thời gian qua cũng chứng kiến quyền riêng tư của cá nhân, lợi ích của nhiều cá nhân, tổ chức bị xâm hại nhiều nhất trên mạng xã hội. Ngoài những hành vi bộc phát vô tình, không ít đối tượng “thừa nước đục thả câu” sử dụng tin giả, tin sai sự thật để trục lợi và nguy hại hơn là chủ ý gây chia rẽ xã hội, nói xấu chế độ và chống phá Đảng, Nhà nước.
Vụ việc liên quan đến một nữ doanh nhân có tiếng vừa qua có thể được xem là một điển hình về xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân; miệt thị, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội trong một thời gian dài. Không ít bức bối của xã hội đã được giải tỏa qua những buổi “livestream” của người này, nhưng cơ quan chức năng cũng đã xác minh, điều tra, làm rõ những cáo buộc vu khống, thông tin không kiểm chứng trong vụ việc. Nhân vật này đã bị khởi tố hình sự về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Thời gian qua, nhiều video về đời tư của cá nhân cũng bị tung lên mạng xã hội và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên các nhóm diễn đàn. Những thực tế xã hội được công khai đã trở thành những bài học cảnh giác, kinh nghiệm, thậm chí là cảnh tỉnh, thức tỉnh đáng suy ngẫm đối với nhiều tầng lớp xã hội. Tuy nhiên, việc chia sẻ thông tin của cá nhân, tổ chức nhiều khi cũng là hành động tiếp tay cho vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân, xâm phạm quyền con người, đặc biệt liên quan đến các đối tượng yếu thế trong xã hội là phụ nữ và trẻ em. Nhiều video ám ảnh như xoáy sâu vào nỗi đau, nỗi mất mát của cá nhân, thay vì tác động xoa dịu nỗi bức bối của dư luận xã hội.
Ở đây, xin chia sẻ với quan điểm của một nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, cho biết sẽ khởi kiện tài tử Will Smith để đòi một khoản tiền khổng lồ nếu rơi vào trường hợp nhận cú tát “trời giáng” như một MC tại lễ trao giải Oscar vừa qua. Bởi theo nghệ sĩ này, video mang tính xúc phạm cá nhân đó được lan truyền với tốc độ kinh khủng tới mọi ngóc ngách mạng xã hội và sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn. Đó chính là mặt trái của việc lan truyền thông tin trên mạng xã hội, mà các nhà quản lý đây đó cũng đã đề cập vấn đề xây dựng và thực thi quyền được quên lãng như là một quyền của con người trong thời đại số.
Hơn bao giờ hết, với mạng xã hội, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân đang được thúc đẩy nhằm xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Qua mạng xã hội, người dân được tham gia phản biện xã hội một cách rộng rãi, cởi mở. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rõ đây là các quyền chịu giới hạn theo luật pháp của mỗi quốc gia cụ thể, dựa trên các điều ước quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc mà quốc gia đó tham gia. Hiến pháp 2013 của Việt Nam quy định: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Đây là lý do rất nhiều cá nhân đã bị xử lý trong thời gian qua do vi phạm Luật An ninh mạng, Luật Trẻ em… khi tham gia mạng xã hội, với các tội danh như: Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội…; Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em…
Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, nêu rõ: Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, vi phạm vẫn phổ biến, khó kiểm soát được hết dù nỗ lực của các cơ quan chức năng và cả các nhà mạng xã hội.
Suy cho cùng, “không có luật pháp thì không có quyền”, vì vậy, mỗi cá nhân trong xã hội cần thượng tôn pháp luật và đây cũng chính là nền tảng để hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôn trọng và phát huy quyền con người, đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân thông qua từng hành vi ứng xử, từng nút “share” hằng ngày, hằng giờ trên mạng xã hội.