Thao túng thị trường chứng khoán bị xử lý ra sao?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 16:25, 30/03/2022

Luật sư cho biết, pháp luật đã có những quy định nhằm quản lý thị trường chứng khoán, tạo ra sự minh bạch, công bằng, bình đẳng trong thị trường.

Hành vi vi phạm pháp luật trong thị trường chứng khoán có thể tác động tiêu cực đến thị trường, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước.

Như Báo Công lý đã thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) tiến hành điều tra, xác minh đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

trinh-van-quyet.png
Ông Trịnh Văn Quyết

Hành vi trên của Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC đã đủ yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán", quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự. Cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết. Đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan.

Nhiều người quan tâm, pháp luật quản lý thị trường chứng khoán như thế nào? Hành vi thao túng thị trường chứng khoán sẽ bị xử lý ra sao?

Giải đáp các vấn đề trên, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VPLS Chính pháp, đoàn luật sư Hà Nội) cho biết:

Việc ông Trịnh Quyết bị khởi tố, bị bắt về tội danh thao túng thị trường chứng khoán là khá bất ngờ, bởi trước đó ông quyết đã bị xử phạt hành chính.

Cụ thể, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) ngày 18/1 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC. Mức phạt 1,5 tỷ đồng theo Nghị định 128 về xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán.

“Về nguyên tắc là một hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một lần. Nếu hành vi vi phạm mà bị xử phạt hành chính rồi thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp xử lý hình sự thì phải hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Bởi vậy, trong vụ việc này cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi vi phạm của ông quyết là hành vi nào, hành vi này đã từng bị cơ quan chức năng nào xử lý hay chưa. Trong trường hợp hành vi đã bị xử phạt hành chính nhưng cơ quan chức năng xác định việc xử phạt hành chính là không đúng, hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính trước khi khởi tố vụ án hình sự”, luật sư Cường nêu quan điểm.

luat-su-dang-van-cuong.jpg
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VPLS Chính pháp, đoàn luật sư Hà Nội)

Ông Cường phân tích thêm, Nhà nước quản lý thị trường chứng khoán bằng pháp luật, những người tham gia thị trường chứng khoán phải tuân thủ các quy định của pháp luật về niêm yết, mua, bán và thực hiện các hoạt động đầu tư khác.

Để tránh trường hợp những người này thao túng thị trường chứng khoán thì pháp luật đã có những quy định nhằm quản lý thị trường này, tạo ra sự minh bạch, công bằng, bình đẳng trong thị trường. Bởi vậy hành vi vi phạm pháp luật trong thị trường chứng khoán có thể tác động tiêu cực đến thị trường, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước.

Trường hợp hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 211 bộ luật hình sự.

Như vậy, để buộc tội ông Trịnh Văn Quyết về tội thao túng thị trường chứng khoán thì cơ quan điều tra phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh ông Quyết đã thực hiện một trong các hành vi vi phạm pháp luật như: Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch...

Một trong những căn cứ để buộc tội là xác định số tiền thu lợi bất chính hoặc số tiền thiệt hại đối với các nạn nhân. Bởi vậy trường hợp cơ quan chức năng xác định có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự và số tiền thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 3.000.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này sẽ là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tội danh này còn có thể áp dụng với pháp nhân thương mại. Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội thao túng thị trường chứng khoán thì mức hình phạt cao nhất là phạt tiền đến 10.000.000.000 đồng. Doanh nghiệp phạm tội còn bị đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ vĩnh viễn. Ngoài ra doanh nghiệp cũng có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền.

Hà An