Khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Chính trị - Ngày đăng : 11:32, 28/03/2022

Sáng nay 28/3, tại Nhà Quốc hội, đã diễn ra Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, thảo luận về một số dự án Luật trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự hội nghị.
t-b-t.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ngày 28/3.

Chuẩn bị kỹ lưỡng để xây dựng luật đạt chất lượng

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Đây là Hội nghị ĐBQH chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, diễn ra trong 2 ngày và được tổ chức theo hình thức tập trung tại Hội trường Diên Hồng kết hợp trực tuyến.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, xây dựng, tại kỳ họp thứ nhất vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo định hướng cho hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV, trong đó đặt ra yêu cầu: “Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội”.

Quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81 triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó xác định 137 nhiệm vụ lập pháp với 8 nhóm định hướng lớn và 70 định hướng cụ thể nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội sắp tới có nội dung trọng tâm về công tác lập pháp. Với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương tổng hợp, nghiêm túc giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế, hội thảo, tọa đàm lấy ý của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin, cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện các dự thảo Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.

Tại phiên họp thứ 8 và thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian cho ý kiến toàn diện các dự án Luật, nhất là các vấn đề lớn, quan trọng và các vấn đề còn có ý kiến khác nhau; chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp cơ quan soạn thảo hoàn thiện hồ sơ, báo cáo giải trình, tiếp thu để xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng các dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 để vừa đảm bảo chất lượng cao nhất, vừa có thể tiết kiệm thời gian của kỳ họp.

khai-mcj.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Thời gian tổ chức Hội nghị không dài, chỉ có 2 ngày để cho ý kiến về 4 dự án luật quan trọng, đó là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Vì vậy, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt, then chốt, phát huy bề dày kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, tâm huyết; thảo luận, tranh luận thể hiện rõ chính kiến, có phân tích sâu sắc, lập luận thuyết phục, phản biện tích cực về các vấn đề của dự thảo Luật cũng như những vấn đề thực tiễn đặt ra để Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 3. Trong quá trình thảo luận, nếu thấy cần thiết, Chủ tọa, người điều hành Hội nghị sẽ mời đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra báo cáo, trao đổi làm rõ thêm những vấn đề đại biểu quan tâm”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Một số nội dung gợi mở

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, nhấn mạnh và trao đổi một số nội dung cơ bản xin ý kiến các ĐBQH.

Thứ nhất, về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ: Để bảo đảm chất lượng của dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến chú trọng vào các nội dung sau: Về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; Việc bổ sung quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong Luật Sở hữu trí tuệ lần này;…

Thứ hai, về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi): Dự án Luật này có phạm vi điều chỉnh rất rộng, việc sửa đổi đòi hỏi phải được thực hiện một cách thận trọng, kỹ lưỡng, có tính tổng thể để bao quát hết các lĩnh vực, các đối tượng thi đua, khen thưởng. Vì vậy, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung vào một số nội dung còn có ý kiến khác nhau như: Về bổ sung và tiêu chuẩn xét tặng, truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang; Tiêu chuẩn, thẩm quyền đề nghị và xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; Về xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng…

hoi-nghi.jpg

Thứ ba, về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội cần tập trung nghiên cứu hiến kế, cho ý kiến vào một số vấn đề và phương án quy định cụ thể các điều, khoản chi tiết, để hạn chế tối đa tình trạng luật khung và luật ống, nhất là về các nội dung như: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; Thứ hai là cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài; phương án thực hiện các sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước; việc phổ biến phim trên không gian mạng.

Thứ tư, về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi ), đề nghị các đại biểu tập trung thảo về một số vấn đề lớn như: Việc tiếp tục hoàn thiện kết cấu của dự án Luật này, về các nguyên tắc áp dụng pháp luật uật này với các luật gốc là Luật chuyên ngành khác; các quy định về loại hình bảo hiểm, các hình thức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, về đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm quy định; về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm bao quát đầy đủ các trường hợp phát sinh, phối hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hàng hải cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan,…

Mai Thoa