Mỗi người khởi nghiệp để đến thành công đều đi theo một cách riêng

Giáo dục - Ngày đăng : 16:45, 26/03/2022

Nằm trong khuôn khổ chương trình khởi nghiệp năm 2022, sáng nay tại Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải đã diễn ra Diễn đàn “Khơi nguồn cảm hứng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và tiềm năng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên theo nhóm ngành”.

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, anh Nguyễn Minh Triết - Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam nói: “Học sinh, sinh viên là những người chủ tương lai của đất nước, là lực lượng nhanh nhạy về tư duy, tiếp cận nhanh với công nghệ mới, sáng tạo không ngừng, tràn đầy năng lượng, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu.

ngay-hoi-khoi-nghiep-0513.jpg
Những chia sể của các CEO về con đường khởi nghiệp.

Vì vậy việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên trong phong trào khởi nghiệp có vai trò quan trọng quyết định một phần không nhỏ trong sự phát triển của một quốc gia”.

Anh Triết cũng nói thêm, ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên là dịp để học sinh, sinh viên phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng; tăng cường kết nối mạng lưới, giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực từ xây dựng thể chế, chính sách đến huy động nguồn lực cả về tài chính và nhân lực, phát triển nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp.

ngay-hoi-khoi-nghiep-0474.jpg
Anh Nguyễn Minh Triết - Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam.

Đây cũng là cơ hội để phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị nhà nước và doanh nghiệp trong việc nuôi dưỡng, định hướng, tạo môi trường cho các bạn học sinh, sinh viên phát huy ý tưởng, tinh thần khởi nghiệp của mình.

“Các bạn học sinh, sinh viên hãy lắng nghe chia sẻ từ các chuyên gia, giám đốc các doanh nghiệp để có thêm nhận thức về những thái độ, kinh nghiệm, bài học từ quá trình khởi nghiệp của các vị khách mời, từ đó có thêm thông tin hữu ích cho việc xây dựng ý tưởng, triển khai dự án khởi nghiệp của bản thân.

Bên cạnh đó, có thể chia sẻ về những khó khăn vướng mắc của bản thân trong quá trình triển khai ý tưởng khởi nghiệp với các diễn giả, từ đó có thêm những lời khuyên bổ ích từ các chuyên gia của Chương trình”, anh Triết mong muốn.

ngay-hoi-khoi-nghiep-0597.jpg
Gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của các bạn sinh viên để kêu gọi vốn đầu tư.

Chia sẻ tại diễn đàn, anh Lê Yên Thanh: Founder, CEO Phenikaa Maas – đã có những chia sẻ về trải nghiệm của mình trong quá trình khởi nghiệp. Anh Thanh cho biết: “Với dự án khởi nghiệp nghiệp đầu tiên của mình chính là dự án giao thông công cộng ở TP. HCM, dự án này mình đã đưa đi thi lúc còn là sinh viên, sau khi quyết định khởi nghiệp từ nó mình đã nghiên cứu và phát triển lên mô hình kinh doanh vào 2020. Thời điểm covid, nhưng dự án của mình được 1,5 triệu USD vốn từ tập đoàn Phenikaa. Hiện nay đã thành Phenika Maas đang trong giai đoạn phát triển”.

Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình anh Thanh nói: "Nhiều người hỏi làm sao để khởi nghiệp không thất bại thực sự rất khó. Bởi mỗi người để đi đến sự thành công họ có một cách riêng của mình không ai giống ai".

Được biết, năm 2016 tốt nghiệp đại học, anh Thanh đã tham gia các dự án khởi nghiệp của một số công ty, ở đó anh đã học được cách triển khai công việc, quy trình khởi nghiệp. Bởi vậy, anh Thanh quan niệm, mỗi người sau khi tốt nghiệp đại học họ sẽ có những chuyên môn và thế mạnh khác nhau.

“Ví dụ, mình học công nghệ thông tin, mình ra trường sẽ là kỹ sư công nghệ thông tin viết phần mềm. Bởi vậy khi làm ở một công ty đang khởi nghiệp mình học được nhiều thứ như: quản trị doanh nghiệp, kinh doanh tài chính, và mình đã học hỏi được nhiều lĩnh vực khác nữa”, anh Thanh chia sẻ.

Theo anh Thanh, từ một kỹ sư công nghệ đến khởi nghiệp và nay trở thành CEO bản thân anh phải trải qua rất nhiều công việc. Bởi vậy anh Thanh đưa ra lời khuyên đối với các bạn mới khởi nghiệp cần phải chuẩn bị mọi thứ rõ ràng, nghiên cứu định hướng phát triển của công ty và sản phẩm của công ty mình hướng đến là gì.

Đặc biệt chú trọng vào 3 yếu tố cốt lõi để thành công: Thứ nhất là kỹ năng chuyên môn (công nghệ, quản trị công ty, khách hàng); Thứ 2 là tài chính bản phải có tài chính. Thứ 3 là mối quan hệ bởi lúc khỏi nghiệp mình phải gọi vốn, để gọi được vốn đó thì cần có các mối quan hệ.

“Khi mình chuẩn bị kỹ được ba yếu tố đó mình hạn chế được thấp nhất rủi ro có thể xảy ra trong quá trình khởi nghiệp của mình. Nếu mình chuẩn bị không kỹ, rủi ro và tỷ lệ thất bại rất cao”, anh Thanh nhấn mạnh.

Còn theo anh Nguyễn Trọng Hoàng Việt – giám đốc điều hành công ty cổ phần công nghệ Techainer chia sẻ: Ngày xưa mình chưa có ý định thành lập công ty sớm. Nhưng sau khi đạt giải nhất về sinh nghiên cứu khoa học ở trường đại học, rồi tham dự một số cuộc thi về khởi nghiệp dành cho sinh, mấy anh em ngồi với nhau và nảy ý tưởng biến sản phẩm dự thi thành sản phẩm thực tế để bán kiếm tiền. Thế là khởi nghiệp.

“Va vấp đầu tiên là sự khác biệt giữa ý tưởng dự thi với ý tưởng được triển khai, chẳng hạn như khi triển khai thì khách hàng góp ý là nên điều chỉnh thế này thế kia, thành ra sản phẩm trở nên rất khác với ý tưởng ban đầu”, anh Hoàng Việt nhấn mạnh.

Theo Ban tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/3. Đây là cơ hội cho nhiều dự án khởi nghiệp có cơ hội tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, cũng như lắng nghe những góp ý từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ngô Chuyên