TANDCC tại Đà Nẵng và TAND tỉnh Thừa Thiên Huế mở phiên Tòa xét xử trực tuyến đầu tiên
Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 20:57, 25/03/2022
Cũng giống các phiên tòa xét xử trước đây, các thủ tục trước khi xét xử vẫn diễn ra theo đúng quy định. Tuy nhiên, HĐXX và đại diện Viện kiểm sát sẽ trao đổi với bị cáo qua hệ thống Camera kết nối trực tuyến giữa hai điểm cầu. Hình ảnh, âm thanh giữa hai điểm cầu trực tuyến rõ ràng, không khác biệt so với xét xử trực tiếp.
Tại điểm cầu trung tâm trụ sở TAND tỉnh Thừa Thiên Huế được trang bị máy tính điều khiển, hệ thống âm thanh và 3 màn hình kích thước lớn hiển thị thông tin, hình ảnh các điểm cầu thành phần để HĐXX và những người tham gia phiên tòa theo dõi.
Thành phần HĐXX gồm 3 Thẩm phán, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên; ngoài ra còn có các Chánh văn phòng của TAND hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế và các Thẩm phán của TAND tỉnh Quảng Bình, TAND tỉnh Quảng Ngãi đến tham dự học hỏi kinh nghiệm nhằm tổ chức phiên Tòa xét xử trực tuyến trong thời gian tới.
Điểm cầu thành phần đặt tại Trại tạm giam Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, có lực lượng công an làm nhiệm vụ giữ trật tự phiên tòa và các bị cáo tham gia phiên Tòa trực tuyến thông qua màn hình.
Sáng 25/3, TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm 08 vụ án hình sự. Quá trình diễn ra phiên tòa, các bị cáo đều đồng ý với nội dung cáo trạng đã truy tố, khai báo thành khẩn và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình.
Sau khi nghị án, HĐXX quyết định bác đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo và tuyên y án sơ thẩm 6 vụ; tăng nặng hình phạt 1 bị cáo và giảm nhẹ hình phạt cho 1 bị cáo ở 2 vụ án còn lại.
Chiều cùng ngày, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục mở phiên Tòa xét xử phúc thẩm 03 vụ án hình sự. Theo đó, HĐXX TAND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định y án, giữ nguyên bản án sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” đã được tòa án cấp huyện tuyên trước đó. Riêng vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma túy” tuyên sửa 1 phần bản án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Vũ Triều từ 10 năm 3 tháng xuống 9 năm 3 tháng tù giam.
Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị và sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị nên phiên Toà diễn ra bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Mặc dù bị cáo tham gia phiên Tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án nhưng vẫn bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Trong tình hình hiện nay, việc tổ chức xét xử trực tuyến sẽ giúp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giải quyết án tại địa phương.
Trước đó năm 2021, Quốc hội ra Nghị quyết 33/2021 cho phép xét xử trực tuyến, trừ vụ liên quan bí mật Nhà nước; nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia; nhóm tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
Theo Nghị quyết, phiên tòa trực tuyến được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng; cho phép bị cáo, bị hại, đương sự tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi, tham gia đầy đủ cùng một thời điểm.
Phiên toà xét xử trực tuyến là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong lộ trình xây dựng Toà án điện tử, đáp ứng cải cách tư pháp. Toà án điện tử sẽ trợ giúp rất nhiều cho những người tham gia tố tụng và các đương sự, thúc đẩy quá trình giải quyết công việc của Toà án.