Thông qua pháp lệnh về việc TAND đưa người nghiện ma túy từ 12-18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Chính trị - Ngày đăng : 12:30, 24/03/2022

Sáng nay 24/3, UBTVQH đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

100% đại biểu tán thành

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày
báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và nghe Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu giải trinh thêm về một số vấn đề liên quan.

202203241005299370_cqh_2738.jpg
UBTVQH biểu quyết thông qua Pháp lệnh Trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cảm ơn các cơ quan liên quan đã phối hợp với Tòa án trong quá trình xây dựng pháp lệnh này. Thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao, TANDTC đã tiến hành xây dựng Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Dự án pháp lệnh sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã nhận được sự đồng tình nhất trí cao.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình báo cáo thêm, hiện nay việc xây dựng chương trình toàn khóa của Quốc hội đã đưa vào chương trình và Quốc hội đã thông qua việc giao cho Tòa án xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có luật riêng về vấn đề  này. Việt Nam cũng có nhiều chính sách đối với người chưa thành niên nhưng quy định rải rác ở các văn bản. Các tổ chức quốc tế khuyến cáo chúng ta cần có đạo luật riêng cho đối tượng này. Nếu được UBTVQH ủng hộ xây dựng dự luật nêu trên, thì những nội dung của Pháp lệnh này trong tương lai sẽ được tập trung vào để có một đạo luật riêng về người chưa thành niên. Việc xây dựng Pháp lệnh này một cách cẩn trọng, chặt chẽ cũng là một phần rất quan trọng của Luật tư pháp về người chưa thành niên trong tương lai, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.

UBTVQH đã nhất trí thông qua pháp lệnh với tỷ lệ đạt 100% thành viên biểu quyết tán thành.

Pháp lệnh gồm 4 chương, 48 Điều quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo dự thảo pháp lệnh, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.

Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị; bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người bị đề nghị. Bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của người bị đề nghị.

Thẩm quyền của các Tòa án

Pháp lệnh cũng quy định, Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là TAND cấp huyện nơi người bị đề nghị cư trú hoặc nơi có hành vi vi phạm trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người bị đề nghị.

TAND cấp tỉnh có thẩm quyền xét lại quyết định của TAND cấp huyện bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.

Quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải ghi rõ thời hạn cai nghiện bắt buộc. Các quyết định của Tòa án có hiệu lực kể từ ngày ra quyết định, trừ trường hợp có khiếu nại của người bị đề nghị, cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị và trường hợp có kiến nghị của trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc; kháng nghị của VKSND…

202203241005299214_cqh_2728.jpg
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC phát biểu tại phiên họp.

Người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được hoãn chấp hành quyết định trong các trường hợp: Đang ốm nặng, có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên; gia đình đang có khó khăn đặc biệt được chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận; phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc thi tốt nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cơ sở giáo dục nơi người đó học tập xác nhận.

Người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được miễn chấp hành quyết định trong các trường hợp: Mắc bệnh hiểm nghèo, có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên; trong thời gian hoãn chấp hành quyết định mà người đó tự nguyện cai nghiện, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không nghiện ma túy.

Trong thời gian hoãn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bị Tòa án xử phạt tù nhưng không được hưởng án treo; áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng được miễn chấp hành quyết định.

Người đang chấp hành quyết định được tạm đình chỉ chấp hành quyết định khi bị ốm nặng phải điều trị nội trú hơn 10 ngày tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên; bị ốm nặng mà cơ sở cai nghiện bắt buộc không đủ điều kiện điều trị và phải điều trị ngoại trú hơn 10 ngày theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên.

Người đang chấp hành quyết định được tạm đình chỉ chấp hành quyết định khi mắc bệnh hiểm nghèo, có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi đang cai nghiện ma túy bắt buộc mà bị phát hiện thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định cai nghiện ma túy bắt buộc và bị Tòa án phạt tù nhưng không được hưởng án treo theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và bảo đảm quyền nghiên cứu hồ sơ, tài liệu của Viện kiểm sát, khoản 1 Điều 4 dự thảo Pháp lệnh quy định: “VKSND kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Pháp lệnh này”.

Về việc bảo đảm quyền của VKSND nghiên cứu hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Theo khoản 3 Điều 4 của Pháp lệnh số 09, sau khi nhận được thông báo thụ lý hồ sơ của Tòa án cùng cấp thì Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án đã thụ lý. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho Viện Kiểm sát trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan đã thống nhất chỉnh lý quy định này theo hướng mở rộng hơn Pháp lệnh số 09. Nội dung này đã được TANDTC và VKSNDTC nhất trí cao. Cụ thể, khoản 3 Điều 4 của dự thảo Pháp lệnh quy định như sau: “Sau khi nhận được thông báo thụ lý hồ sơ của Tòa án cùng cấp, Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án đã thụ lý, có quyền sao chụp hồ sơ vụ việc đó”.

Mai Thoa