Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chia sẻ về định hướng cải cách tư pháp ở Việt Nam với cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện Tòa án

Tiêu điểm - Ngày đăng : 18:53, 21/03/2022

Sau khi trồng cây lưu niệm tại khuôn viên nhà trường, PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC đã có buổi chia sẻ về định hướng cải cách tư pháp ở Việt Nam với cán bộ giảng viên, sinh viên Học viện Tòa án vào chiều nay (21/3).
275701627_364563038893673_3533600564103113457_n.jpg
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cùng các Phó Chánh án, nguyên Phó Chánh án và các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện Tòa án trồng cây lưu niệm

Cùng tham dự có đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC; Bùi Ngọc Hòa, nguyên Phó Chánh án TANDTC; đại diện các đơn vị thuộc TANDTC cùng Ban giám đốc Học viện Tòa án và các cán bộ, giảng viên, sinh viên đang công tác, học tập tại trường.

275840380_3153323581656723_9159772615583597133_n.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chụp ảnh lưu niệm cùng các  cán bộ, giảng viên Học viện Tòa án 

Chia sẻ với các cán bộ giảng viên, sinh viên của nhà trường, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Lãnh đạo TANDTC đặc biệt quan tâm và luôn tạo điều kiện tốt nhất để xây dựng Học viện Tòa án ngày càng phát triển thành một cơ sở đào tạo "Nghề xét xử" hiện đại, có chất lượng và uy tín của đất nước.

3(1).jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chia sẻ về định hướng cải cách tư pháp ở Việt Nam với cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện Tòa án

Trao đổi về định hướng cải cách tư pháp ở Việt Nam, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã giới thiệu khái quát về một số nội dung cải cách tư pháp, khẳng định cải cách tư pháp có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là bảo vệ quyền con người, trên cả thể chế và thực tiễn.

Trong đó, Nghị quyết số 49 – NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, có hệ thống pháp luật tương đối hoàn thiện làm cơ sở pháp lý cho hệ thống cải cách tư pháp.

Xuyên suốt nội dung cải cách tư pháp được Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề cập là 5 vấn đề gồm: Sự cần thiết phải cải cách tư pháp; quan điểm mục tiêu cải cách tư pháp; nhiệm vụ và giải pháp; lộ trình thực hiện và các nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp.

2(1).jpg
Các cán bộ, giảng viên, sinh viên tại buổi chia sẻ

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, cải cách tư pháp là một quá trình đổi mới tiếp nối liên tục trên tất cả các phương diện cơ bản: phương diện tư duy lý luận, thực tiễn. Đây là một xu thế liên tục, phổ biến trên thế giới và Việt Nam.

Những năm qua công tác cải cách tư pháp trong TAND đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, diện mạo, uy tín và kết quả hoạt động của Tòa án với tư cách là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tuy nhiên, nền tư pháp nước ta còn tồn tại những bất cập, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu và mong muốn của người dân. Công tác cải cách tư pháp vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và tồn tại cần được tháo gỡ. Một số nhiệm vụ do Nghị quyết số 49 – NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra triển khai nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, thực tiễn và hoạt động của Tòa án còn nhiều tồn tại như chưa thực sự độc lập; tổ chức còn gắn với cấp hành chính; tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp chưa cao; cơ chế nhân dân tham gia xét xử chưa thực chất; cơ sở vật chất, chế độ chính sách, nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu…

Điều này đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp để thích ứng tốt hơn với tình hình mới.

Về mục tiêu của Cải cách tư pháp, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình cần phải xây dựng nền tư pháp độc lập, chuyên biệt, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân để Tòa án hoàn thành sứ mệnh được Đảng và nhân dân giao phó.

Bên cạnh đó, xây dựng nhân lực của Tòa án trong sạch, liêm chính, vững về chính trị, giỏi nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và nhân ái. Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất của Tòa án tiến tới xây dựng Tòa án điện tử, nâng cao chất lượng và uy tín để Tòa án thực sự là hiện thân của lẽ phải và công lý.

Đối với lộ trình thực hiện, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng công tác cải cách tư pháp cần thực hiện theo hai giai đoạn, từ nay đến năm 2030 và sau 2030.

Giai đoạn từ nay đến năm 2030 phải hoàn thiện, bổ sung hệ thống pháp luật về tư pháp, tổ chức Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân; hoàn thiện nhiệm vụ, thẩm quyền và tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp; đổi mới nhiệm vụ ban hành án lệ, hướng đến áp dụng thống nhất pháp luật; xây dựng chế độ xét xử công khai, minh bạch; nâng cao chất lượng nhân lực, đặc biệt là Thẩm phán, đảm bảo số lượng cần thiết tối thiểu, cơ cấu phù hợp; đảm bảo cơ sở vật chất, nguồn lực để xây dựng Tòa án hiện đại, hoạt động hiệu lực hiệu quả; xây dựng Tòa án điện tử, bước đầu hình thành phương thức tố tụng điện tử; tăng cường hợp tác quốc tế.

Giai đoạn sau năm 2030: Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế phù hợp với tình hình mới, tiếp tục tăng cường năng lực, cơ sở vật chất cho hoạt động của Tòa án.

Đồng thời, nghiên cứu thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia về chế định bảo vệ Hiến pháp bằng Tòa án; Nâng cao chất lượng Tòa án điện tử và hoàn thiện phương thức tố tụng điện tử.

Đối với các nhiệm vụ trọng tâm, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đặc biệt lưu ý cần xây dựng Tòa án độc lập, theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, xác định đúng chức năng thực hiện quyền tư pháp, nâng cao uy tín và bảo vệ quyền tư pháp. Đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án đảm bảo chuyên nghiệp, trí tuệ, bản lĩnh, tận tụy và công tâm.

Hà An