Du lịch an toàn, chìa khóa phát triển bền vững
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 21:12, 20/03/2022
Phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính để có cái nhìn khách quan hơn về tiềm năng phục hồi và phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
PV: Ông đánh giá như nào về tiềm năng cũng như khả năng phục hồi du lịch của nước ta?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tiềm năng du lịch của Việt Nam là rất lớn. Sau hai năm bị dại dịch Covid – 19 hoành hành, chúng ta phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội cũng như những biện pháp phòng ngừa. Đến nay việc khôi phục trở lại hoạt động du lịch sẽ mở ra cơ hội để phát triển ngành du lịch nói riêng cũng như ngành kinh tế đất nước nói chung.
Trước đây ngành du lịch đóng góp 10% GDP cho đất nước vì thế hoạt động du lịch đã có hoạt động rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương và của cả nước.
Khi chúng ta đã có điều kiện cần thiết để mở cửa trở lại đối với hoạt động du lịch, hy vọng các địa phương đã có những chuẩn bị điều kiện tối thiểu để hoạt động du lịch quay trở lại một cách tốt nhất. Từ đó vừa đảm bảo an toàn cho du khách đồng thời đảm bảo cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Để phục hồi và phát triển thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, ngành du lịch cần triển khai đồng bộ các giải pháp bền vững nào?
-Để ngành du lịch hồi phục và phát triển trở lại thì một trong những vấn đề cực kỳ quan trọng là chúng ta phải sống chung với đại dịch ở các địa điểm có hoạt động du lịch. Ở đó chúng ta phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch một cách tốt nhất, đảm bảo vệ sinh, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật… Bên cạnh đó các cơ sở du lịch, các địa phương có hoạt động du lịch phải có những chuẩn bị để kịp thời khống chế, ứng phó với diễn biến tình hình của dịch bệnh.
Sau thời gian đình trệ khi quay trở lại, nhiều địa phương có hoạt động du lịch để xảy ra hiện tượng quản lý có thể bị lỏng lẻo dẫn đến tình trạng một số đối tượng lợi dụng, chặt chém các loại loại hình dịch vụ khiến cho du khách không thiện cảm. Vấn đề này, chính quyền địa phương cần có phương án cụ thể và cách tổ chức quản lý tốt.
Cùng với đó thì vấn đề đảm bảo an toàn du lịch là rất quan trọng. Từ vụ chìm thuyền ở Hội An đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với các địa phương về vấn đề này. Các quy định về an toàn trong hoạt động vui chơi giải trí ở những điểm du lịch cần thực hiện một cách nghiêm ngặt. Khi chưa có vấn đề gì hãy quan tâm ngay đừng để xảy ra thì sẽ không phản ứng kịp.
Sức khỏe và sự an toàn là điều quan trọng được đặt lên hàng đầu. Đồng nghĩa việc các doanh nghiệp sẽ phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa với chuỗi cung ứng, đặc biệt là nhân viên và nhà cung cấp, để đảm bảo sự sẵn sàng cho điểm đến. Trong bối cảnh này, sự phục hồi của ngành du lịch sẽ phụ thuộc vào niềm tin của du khách đối với doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ du lịch và cộng đồng địa phương.
Các địa phương có khu du lịch cần có những chính sách như thế nào để kích cầu du lịch?
-Các địa phương cần quan tâm đến việc đảm bảo điều kiện vật chất kỹ thuật để đảm bảo khu du lịch quay trở lại hoạt động có các điều kiện để phòng chống đại dịch Covid-19. Đây là vấn đề theo tôi cần phải hết sức quan tâm. Chính quyền địa phương phải là đơn vị tuyên truyền, hỗ trợ cho khu du lịch có thể hoạt động được một cách tốt nhất. Đặc biệt vấn đề tuyên truyền và chuẩn bị cho nhận thức của người dân địa phương về những hiểu biết trong hoạt động phòng chống dịch là một trong những vấn đề quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Với việc thực hiện chính sách hỗ trợ để kích cầu đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch là vấn đề tương đối khó khăn với chính quyền địa phương và nhà nước. Nhà nước đã có những gói hỗ trợ cho doanh nghiệp khôi phục và phát triển trở lại trong thời gian đại dịch này. Nhưng rõ hàng hỗ trợ đó chỉ theo chính sách và các cơ chế, chế độ.
Để làm được thì doanh nghiệp cũng như địa phương phải có biện pháp hỗ trợ trong việc kê khai chuẩn bị những điều kiện cần thiết để được hưởng các chế độ mà nhà nước đề ra. Từ đó giúp cho doanh nghiệp giảm thiểu được chi phí đến mức tối đa để họ có thể hồi phục và phát triển.
Ngoài sự nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước thì các doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác cũng cần tích cực nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp để cùng chung tay khôi phục hoạt động du lịch theo phương châm “Du lịch an toàn, an toàn đến đâu, mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn”?
-Trước hết phía doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cần phải thay đổi từ phương thức, cách thức phục vụ cho đến giảm thiểu chi phí và cách thức tổ chức hoạt động du lịch ở địa phương mình. Đây là việc làm thay đổi nhận thức, mong muốn và ý thức của doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương. Khi đó mới có thể thực hiện được.
Thực tế việc tổ chức sống chung với đại dịch và làm thế nào giảm thiểu được ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động du lịch sẽ phụ thuộc nhiều vào ý thức của người lao động và doanh nghiệp. Chính vì thế các doanh nghiệp phải nỗ lực thực hiện hiện thì các hoạt động mới đi vào nề nếp để phát huy hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn ông!