Tin vắn thế giới ngày 18/3: EMA hy vọng có dữ liệu về vaccine đặc biệt cho biến thể Omicron vào đầu tháng 4
Chuyển động - Ngày đăng : 08:19, 18/03/2022
EMA hy vọng có dữ liệu về vaccine đặc biệt cho biến thể Omicron vào đầu tháng 4
Người phụ trách về chiến lược vaccine của Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), ông Marco Cavaleri ngày 17/3 cho biết dữ liệu về các vaccine ngừa COVID-19 dành riêng chống biến thể Omicron sẽ có thể sẵn sàng trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến đầu tháng 7, mở đường cho cơ quan này cấp phép sử dụng vaccine trong mùa Hè tới.
Các nhà sản xuất vaccine như Moderna và Pfizer đã bắt đầu thử nghiệm vaccine đặc biệt cho Omicron sau khi các dữ liệu cho thấy hai mũi vaccine đầu chỉ cung cấp bảo vệ một phần chống biến thể này. Dựa trên dữ liệu của các vaccine chống Omicron, EMA sẽ quyết định một thời gian biểu cho việc cấp phép sử dụng.
Thủ tướng Ireland mắc COVID-19
Thủ tướng Ireland Micheal Martin đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 khi đang ở thủ đô Washington của Mỹ. Do đó, cuộc gặp dự kiến giữa ông và Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden có khả năng sẽ bị hủy bỏ.
New Zealand thử nghiệm đại trà thiết bị đo nồng độ kháng thể chống COVID-19
Ngày 17/3, Công ty công nghệ sinh học Orbis Diagnostics của New Zealand thông báo đã hợp tác với Green Cross Health, doanh nghiệp sở hữu chuỗi hiệu thuốc Unichem and Life, để thử nghiệm cung cấp thiết bị kiểm tra mức độ miễn dịch trước COVID-19 trên diện rộng.
Canada phê duyệt vaccine phòng COVID-19 của Moderna tiêm cho trẻ từ 6-11 tuổi
Bộ Y tế Canada ngày 17/3 đã phê duyệt việc sử dụng Spikevax - vaccine phòng COVID-19 của Moderna - cho trẻ em từ 6 đến 11 tuổi.
Loại vaccine hai liều này, với 100 microgram/liều, đã được phê duyệt sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên. Phiên bản dành cho trẻ em từ 6-11 tuổi là hai liều, với 50 microgram/liều.
Lào khuyến nghị dùng vaccine của Sinopharm và Sinovac tiêm cho trẻ 6-11 tuổi
Trung tâm Thông tin và giáo dục sức khỏe thuộc Bộ Y tế Lào cho biết các loại vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinopharm và Sinovac (Trung Quốc) là phù hợp để tiêm cho trẻ từ 6-11 tuổi và đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê chuẩn.
Thuốc kháng thể dạng uống điều trị COVID-19 của Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm ở nước ngoài
Thuốc kháng thể hữu cơ dạng uống VV116 điều trị COVID-19 của Trung Quốc đã bắt đầu được thử nghiệm trên toàn cầu đối với các bệnh nhân COVID-19 thể trung bình và nặng sau khi thuốc này đã chứng tỏ độ an toàn trong các thử nghiệm ở người khỏe mạnh.
Thuốc VV116 được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng đầu tiên ở Uzbekistan và được phép sử dụng điều trị ở những bệnh nhân COVID-19 thể trung bình và nặng ở nước này vào cuối năm 2021.
Campuchia sẵn sàng hợp tác mở nhà máy sản xuất vaccine ngừa COVID-19
Báo Khmer Times ngày 17/3 dẫn lời Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Youk Sambath cho biết nước này đã chuẩn bị đầy đủ để hợp tác với Trung Quốc mở nhà máy sản xuất vaccine ngừa COVID-19, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay hoặc sang năm 2023.
Anh phê duyệt liệu pháp kháng thể Evusheld trong dự phòng điều trị COVID-19
Cơ quan quản lý dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Anh (MHRA) ngày 17/3 đã phê duyệt liệu pháp dự phòng điều trị COVID-19 dựa trên kháng thể của AstraZeneca (Anh – Thụy Điển) dành cho những người trưởng thành có hệ miễn dịch yếu.
Roche phát triển giải pháp xét nghiệm phân biệt các biến thể của SARS-CoV-2
Tập đoàn được phẩm đa quốc gia Roche của Thụy Sĩ ngày 16/3 thông báo đã phát triển các giải pháp xét nghiệm phân tử để xác định và phân biệt các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, cũng như các dòng phụ của chúng. Các phương pháp xét nghiệm trên do Tib Molbiol – công ty con của Roche thuộc bộ phận Roche Diagnostics (chẩn đoán bệnh) phát triển.
Mũi vaccine tăng cường có thể bảo vệ thanh niên trước biến thể Omicron
Tác động của những mũi vaccine tăng cường đối với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 hiện chưa được mô tả đầy đủ, dù các bằng chứng hiện có cho thấy hiệu quả của những mũi tăng cường này trong việc giảm nguy cơ bệnh diễn biến nghiêm trọng và tử vong.
Nhật Bản bình thường hóa các hoạt động kinh tế, xã hội từ ngày 21/3
Ngày 17/3, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức quyết định dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch trọng điểm đối với 18 tỉnh, thành phố còn lại vào đúng thời hạn 21/3, đồng thời chuyển trọng tâm sang khôi phục kinh tế.
Với quyết định này, toàn bộ 18 tỉnh, thành phố gồm có Hokkaido, Aomori, Ibaraki, Tochigi, Gunma, Saitama, Chiba, Tokyo, Kanagawa, Shizuoka, Aichi, Gifu, Ishikawa, Kyoto, Osaka, Hyogo, Kagawa và Kumamoto sẽ bình thường hóa tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội lần đầu tiên sau hai tháng rưỡi.
Chủ tịch Trung Quốc hối thúc nâng cấp mức độ kiểm soát và phòng chống dịch COVID-19
Ngày 17/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hối thúc nâng cấp mức độ kiểm soát và phòng chống dịch trong bối cảnh quốc gia đông dân nhất thế giới này đang đối phó với làn sóng dịch bệnh lớn nhất kể từ khi COVID-19 bùng phát tại nước này hồi cuối năm 2019.
Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, nước này phải nâng cấp mức độ kiểm soát và phòng chống dịch cũng như tiếp tục tối ưu hóa các biện pháp phòng chống dịch hiện hành. Ngoài ra, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng kêu gọi đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, xét nghiệm nhanh và nghiên cứu thuốc điều trị để phòng chống dịch...
Italy bắt đầu nới lỏng các hạn chế trong phòng, chống dịch COVID-19
Ngày 17/3, Chính phủ Italy đã quyết định giảm bớt một số hạn chế COVID-19 và sẽ không gia hạn tình trạng khẩn cấp sau ngày 31/3 tới.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza nói rằng những người tiếp xúc với những người dương tính với COVID-19 sẽ không còn phải cách ly. Tuy nhiên, những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 vẫn sẽ bị yêu cầu cách ly.
Campuchia dỡ bỏ quy định xét nghiệm đối với người nhập cảnh
Ngày 16/3, Ủy ban Liên bộ phòng, chống COVID-19 Campuchia, do Bộ Y tế Campuchia chủ trì, đã thông báo một số nội dung quan trọng liên quan đến quy định xuất, nhập cảnh của nước này.
Nga và Ukraine tiếp tục đàm phán theo hình thức trực tuyến
Theo hãng tin TASS của Nga, ngày 17/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết cuộc đàm phán giữa nước này với Ukraine tiếp tục diễn ra theo hình thức trực tuyến. Quan chức bên đang thảo luận về các vấn đề quân sự, chính trị và nhân đạo.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới tại Moskva, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nêu rõ việc Nga và Ukraine ký kết được và thực thi một thỏa thuận có thể nhanh chóng chấm dứt những gì đang xảy ra ở nước này. Ông nhấn mạnh phái đoàn Nga đang rất nỗ lực và thể hiện sự sẵn sàng cao hơn nhiều so với những người đồng cấp Ukraine.
ASEAN đàm phán nâng cấp hiệp định thương mại hàng hóa thích ứng với bối cảnh mới
Ngày 16/3, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) hẹp lần thứ 28 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến, các bên tham gia đã khởi động đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) vốn được các nước thành viên ASEAN (AMS) triển khai từ năm 2010.
Thông cáo của Ban thư ký ASEAN cho biết các bên tin tưởng việc nâng cấp ATIGA sẽ giúp tăng tốc phục hồi kinh tế khu vực hậu đại dịch COVID-19.
Afghanistan thành lập ủy ban hỗ trợ công dân hồi hương
Ngày 17/3, chính quyền Taliban cho biết đã thành lập một ủy ban hỗ trợ hồi hương những người dân Afghanistan sơ tán sau khi Taliban trở lại kiểm soát nước này từ tháng 8/2021.
Theo đó, Ủy ban Liên lạc và Hồi hương người Afghanistan được thành lập với sự giám sát của quyền Bộ trưởng Khai mỏ và Dầu khí Sheikh Shahabuddin Delawar nhằm hỗ trợ công dân Afghanistan trở về nước. Ủy ban này gồm 6 thành viên, có nhiệm vụ liên lạc với những người Afghanistan đã rời khỏi đất nước, hỗ trợ họ hồi hương và ổn định cuộc sống tại Afghanistan.
Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Nga, Ukraine
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 17/3 đã nhắc lại lời mời các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine tới hội đàm tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thông cáo báo chí của Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ: “Hai nhà lãnh đạo đã đạt được đồng thuận về một số vấn đề có thể cần đến những cuộc hội đàm ở cấp nguyên thủ. Tổng thống Erdogan nhắc lại đề nghị tổ chức hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại thành phố Istanbul hoặc Ankara”.
Quốc hội Italy bỏ phiếu về vấn đề tăng ngân sách quốc phòng
Ngày 16/3, Quốc hội Italy đã tiến hành bỏ phiếu về việc tăng chi tiêu quốc phòng của nước này lên mức 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), phù hợp với mong muốn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Dự thảo luật về vấn đề trên, một phần của dự luật liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine do đảng trung hữu Cuộc bỏ phiếu này ràng buộc chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi phải theo đuổi mục tiêu tăng ngân sách quốc phòng lên 37 tỷ euro (40,7 tỷ USD) mỗi năm trong vòng 3-4 năm tới, bắt đầu bằng luật ngân sách năm 2023 sẽ được thảo luận vào mùa Thu tới.
Tổng thống Pháp công bố cương lĩnh tranh cử
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 17/3 đã công bố chương trình tranh cử của ông trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng Tư tới đây.
Tại một cuộc họp báo, Tổng thống Macron cho biết các kế hoạch cải cách của ông bao gồm nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, nông nghiệp, quốc phòng, giáo dục, nơi làm việc, bình đẳng giới, phúc lợi xã hội, người cao tuổi và các thể chế ở nước này, với mục tiêu đưa Pháp trở thành một quốc gia độc lập tự chủ hơn trong một châu Âu hùng mạnh hơn.
Trang web của Bộ Ngoại giao Nga bị tấn công mạng
Theo hãng tin Sputniknews, ngày 17/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết trang web của bộ này đã bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) cả ngày lẫn đêm.
Thẩm phán Honduras cho phép dẫn độ cựu Tổng thống Hernandez sang Mỹ
Một thẩm phán Tòa án công lý tối cao Honduras ngày 17/3 đã cho phép dẫn độ cựu Tổng thống Juan Orlando Hernández Alvarado sang Mỹ, nơi cựu lãnh đạo quốc gia Trung Mỹ này sẽ phải đối mặt với 3 cáo buộc liên quan đến buôn bán ma túy và sử dụng vũ khí.
Người phát ngôn Tòa án công lý tối cao Honduras - ông Melvin Duarte cho biết các luật sư bào chữa của ông Hernández Alvarado có 3 ngày để nộp đơn kháng cáo.
EU, Moldova ký thỏa thuận hợp tác quản lý biên giới
Liên minh châu Âu (EU) ngày 17/3 đã ký một thỏa thuận ràng buộc pháp lý với Cộng hòa Moldova về hợp tác quản lý biên giới giữa Cơ quan biên phòng và bờ biển châu Âu (Frontex) và lực lượng biên phòng Moldova.
Thỏa thuận được ký kết bởi Ủy viên châu Âu phụ trách nội khối Ylva Johansson, Philippe Léglise-Costa, đại diện của Pháp đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu và Đại sứ Moldova tại EU, Daniela Morari.
Tàu UEA chìm ở ngoài khơi Iran
Ngày 17/3, một tàu của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã bị chìm tại vùng biển cách cảng Assaluyeh của Iran 48 km.
Theo hãng tin IRNA của Iran, 30 thành viên thủy thủ đoàn đã mặc áo phao nhảy ra khỏi tàu và đợi một tàu Iran giải cứu. Trong khi đó, hãng Tasnim của Iran đưa tin các trận bão kèm gió mạnh ở Vùng Vịnh đã làm gián đoạn hoạt động của các tàu thuyền và giao thông hàng hải trong khu vực.