Bất động sản 2022: Cần giải pháp kép gỡ nút thắt cho thị trường

Bất động sản - Ngày đăng : 11:59, 17/03/2022

Trước biến động của thị trường, bất động sản 2022 cũng đối mặt không ít thách thức với nhiều vấn đề: vướng mắc về pháp lý, lạm phát đẩy giá bất động sản tăng…

Đối mặt rủi ro kép

Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần II diễn ra mới đây, các chuyên gia đã đưa ra nhận định về thách thức của thị trường bất động sản Việt Nam nhìn từ quy hoạch.

TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng nhận định: "Sự hồi phục và phát triển của thị trường bất động sản là một trong những chỉ dẫn quan trọng của quá trình phục hồi chung của nền kinh tế. Chúng ta đang trong tình thế của các tác động kép, rất bất lợi, dịch bệnh chưa qua thì chiến tranh đã tới. Rủi ro kép tăng lên kể cả trên hai phương diện: Rủi ro về pháp lý, rủi ro về thị trường".

bat-dong-san-rui-ro-kep-1.jpeg
Thị trường bất động sản đang đối mặt với rủi ro kép.

Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, cơ chế và chính sách đối với thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian qua chưa thực sự rõ nét và phù hợp. Nhiều vấn đề mới được đặt ra chưa có sự giải quyết kịp thời và hợp lý của cơ quan quản lý Nhà nước, như pháp lý cho các loại hình bất động sản du lịch, bất động sản văn phòng kết hợp nhà ở, trung tâm thương mại… Các quy trình, thủ tục pháp lý về tiếp cận đất đai, vận hành dự án, về cơ chế bảo đảm phòng ngừa rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường còn hạn chế nên tiềm ẩn nguy cơ của rủi ro, tranh chấp…

Nói rõ hơn về điều này, ông Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật, giải thích: Hiện nay, các thể chế chưa theo kịp tốc độ của thị trường bất động sản. Trong hệ thống pháp luật có 82 đạo luật liên quan đến thị trường bất động sản và vẫn tồn tại những bất cập. Sự thiếu đồng bộ, chưa cập nhật và thay đổi của các quy định phù hợp với thực tiễn của thị trường trong Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư… cùng một số nghị định, văn bản chuyên ngành có liên quan gây khó khăn cho công tác thực thi Chiến lược Phát triển nhà ở Quốc gia. Nhất là việc cơ cấu lại nguồn cung, tập trung vào phát triển các phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp phục vụ nhu cầu của số đông.

Bên cạnh đó quy định sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận cho bất động sản du lịch chưa rõ ràng khiến các địa phương cũng trở nên lúng túng. Các doanh nghiệp khi kinh doanh phân khúc bất động sản như condotel, shophouse cũng lúng túng theo.

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV bổ sung, thị trường bất động sản còn đối diện với thách thức về thị trường như nguồn cung chưa dồi dào ngay; giá năng lượng, nguyên vật liệu tăng nhanh (trong 2 tháng đầu năm tăng 2%); Chính phủ chỉ đạo kiểm soát, rà soát thị trường TPDN (sửa đổi Nghị định 153); các cuộc đấu giá đất đã tạo ra một mặt bằng không lành mạnh; giá bất động sản vẫn tăng, đặt ra câu hỏi liệu có điều chỉnh; Thông tư 16/TT-NHNN kiểm soát đầu tư của tổ chức tín dụng vào trái phiếu bất động sản; chương trình đánh thuế bất động sản...

can-van-luc-1.jpg
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

Giải pháp kép "gỡ" nút thắt cho thị trường bất động sản

Để giải quyết được rủi ro kép cần giải pháp kép. TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, mở cửa được hiểu theo nghĩa rộng nhất không phải là mở cửa thị trường mà là mở cửa trong thể chế. Mở cửa bên ngoài và bên trong nên thúc đẩy cải cách thể chế, giải phóng mọi nguồn lực, phá bỏ mọi rào cản để phát huy được tinh thần doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình kinh doanh. Đây là yêu cầu quan trọng nhất ngay trong bối cảnh hiện nay.

Để nâng cao hiệu quả của quản lý Nhà nước về kinh doanh bất động sản nói chung, cần rà soát, sửa đổi bổ sung các các quy định có liên quan của Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014. Trong đó, cần tập trung giải quyết nhiều nhóm vấn đề khác nhau như bổ sung các quy định về quản lý Nhà nước trong Luật Kinh doanh bất động sản 2021 đối với hoạt động kinh doanh bất động sản nói chung và kinh doanh bất động sản du lịch nói riêng; thể hiện các loại hình chủ đầu tư kinh doanh bất động sản phát hành cổ phiếu, trái phiếu bất động sản trên thị trường chứng khoán.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ: Khủng hoảng từ dịch COVID-19 mang lại bất lợi cho thị trường bất động sản, nhưng cũng để chúng ta nhận ra rằng, bất động sản càng phải phát triển lành mạnh và bền vững. Với các dự án quy mô lớn, của các doanh nghiệp có uy tín thì càng có nhiều cơ hội. Thị trường bất động sản năm 2022 có nhiều cơ hội song không phải ai cũng nắm bắt được cơ hội, điều đó chỉ phụ thuộc vào những doanh nghiệp, nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận chương trình phục hồi; Phục hồi xanh, tăng trưởng xanh bởi bất động sản xanh đang là xu thế, chuyển đổi số, đón đầu xu hướng mới liên quan đến thay đổi hành vi của khách hàng; Thích ứng, quản lý thay đổi, quản lý rủi ro… là tất yếu.

Trong giai đoạn tới, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, đầu tư bất động sản… và các cơ quan, bộ, ngành đồng hành cùng doanh nghiệp bất động sản Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nền kinh tế số đang phát triển nhanh để khẳng định vị thế, sứ mệnh của mình trong sự phát triển đất nước, trước hết là với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển nhà ở và các phân khúc của thị trường bất động sản.

Trang Nhi