Chủ tịch Quốc hội lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với lĩnh vực công thương và tài nguyên môi trường

Chính trị - Ngày đăng : 20:16, 16/03/2022

Chiều 16/3, phát biểu kết luận phiên chất vấn đối với lĩnh vực công thương và tài nguyên môi trường tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan lưu ý, quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tiếp tục triển khai nhiệm vụ, tạo được sự chuyển biến thực sự trong thời gian tới.
chu-tich-quoc-hoi-luu-y-mot-so-nhiem-vu-trong-tam-doi-voi-linh-vuc-cong-thuong-va-tai-nguyen-moi-truong.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đánh giá phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành mặc dù đã có kinh nghiệm đăng đàn như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, hay mới lần đầu trực tiếp trả lời chất vấn như Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; lĩnh vực quản lý rộng, phạm vi đối tượng điều chỉnh lớn và nhạy cảm, ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, nhưng các vị Bộ trưởng đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, cầu thị, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, trong đó có những vấn đề dân sinh bức xúc tồn tại đã nhiều năm. Đồng thời đã nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, làm rõ những nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan và tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, từ đó góp phần nâng cao năng lực điều hành, quản lý, quản trị, kiến nghị, hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trước cử tri, nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu, nắm chắc vấn đề, đặc biệt là các vấn đề dư luận và cử tri quan tâm, bám sát thực tiễn thực tế địa phương và lĩnh vực được chất vấn để đặt các câu hỏi và tranh luận có chất lượng. Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và các Trưởng ngành liên quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ theo quy định đã tham gia trả lời, giải trình, làm rõ thêm nhiều vấn đề liên quan.

Để tiếp tục triển khai nhiệm vụ, tạo được sự chuyển biến thực sự trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan lưu ý, quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Đối với lĩnh vực công thương:

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ cần xây dựng kịch bản bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, bảo đảm cung cầu về giá và về xăng dầu trong bất cứ tình huống và hoàn cảnh nào. Đấy là yêu cầu rất bức thiết đặt ra trong phiên chất vấn lần này: Phải có câu trả lời rõ ràng và chắc chắn bằng kịch bản rất rõ ràng, vì cân đối năng lượng, nhất là xăng dầu là một việc hết sức hệ trọng đối với quốc kế dân sinh, đối với sản xuất kinh doanh, quốc phòng - an ninh, ổn định xã hội của chúng ta. Trong điều kiện tình hình căng thẳng địa chính trị trên thế giới và đặc biệt là nguồn cung trong nước chúng ta đang gặp những khó khăn do vướng mắc và những bất cập trong vận hành một số các dự án, các nhà máy sản xuất, chế biến xăng dầu, cần có những giải pháp tổng thể, căn cơ để kịp thời giải quyết những vướng mắc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, bảo đảm an ninh năng lượng ngay từ trong nước. Xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết trong hợp đồng về đầu tư và kinh doanh.

Nghiên cứu đề xuất mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia về xăng dầu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong mọi tình huống. Thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch rạch ròi giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối về xăng dầu. Tiếp tục điều hành giá xăng dầu, bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát và điều chỉnh các loại thuế, phí, các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức hao hụt, định mức chi phí, định mức lợi nhuận... cấu thành trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần kiểm soát giá xăng dầu nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao.

Sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân. Chính phủ sớm trình các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về giảm thuế môi trường đối với xăng dầu ngay tại Phiên họp thứ Chín - đợt 2 trong tháng 3 này, để chúng ta có thể tiến hành thực hiện ngay từ tháng 4. Khi giá xăng dầu tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thì chúng ta vừa kết hợp với Quỹ bình ổn xăng dầu, điều hành vấn đề thuế và nếu tiếp tục tăng cao thì phải sử dụng các công cụ khác để bình ổn thị trường và hỗ trợ trực tiếp cho những đối tượng, những người dân có liên quan đến những khó khăn do giá xăng dầu tăng cao. Ví dụ như cho ngư dân, cho người nghèo, người có thu nhập thấp. Chúng ta đã có những kinh nghiệm quản lý, điều hành trong những giai đoạn như năm 2011, 2012, 2013 giá xăng dầu tăng rất cao, có lên đến 120-130 USD/thùng. Như Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nêu, Quỹ bình ổn, rà soát các giá, phí, các công thức cấu thành giá, chúng tôi đã nhấn mạnh nhiều lần là riêng hao hụt trong bảo quản, vận chuyển xăng dầu, thì xã hội ngày càng phát triển, công nghệ ngày càng hiện đại thì tỷ lệ hao hụt càng phải giảm đi. Chúng ta phải rà soát lại tất cả các yếu tố này để bảo đảm công khai, minh bạch, chu kỳ để điều hành giá này là 10 ngày, nhưng trong những trường hợp cấp thiết thì có thể ngắn hơn theo quy định của pháp luật. Tiếp tục tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, trái quy định, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành thị trường xăng dầu.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết về chất vấn của Quốc hội trong công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả. Tăng cường phối hợp các lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là lực lượng công an, biên phòng, hải quan và thanh tra chuyên ngành. Ngăn chặn tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngay từ tuyến biên giới, đường biển, đường bộ, nhất là đối với các mặt hàng vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức hoạt động của lực lượng quản lý thị trường, xây dựng lực lượng quản lý thị trường thực sự trong sạch, thực sự vững mạnh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của công chức khi thực thi trách nhiệm. Đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, gắn trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu. Tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng quản lý thị trường với các lực lượng chức năng và chính quyền ở địa phương. Bám sát và bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy địa phương đối với công tác hết sức là quan trọng này. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong năm 2022, ban hành các đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Trong thương mại điện tử nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thị trường trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính về ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm công nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển. Xây dựng các hệ cơ sở dữ liệu về đấu tranh ngăn chặn hàng giả trong thương mại điện tử...

Thứ ba, có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, nhất là các mặt hàng nông sản, có chính sách thúc đẩy nhanh và mạnh và những cam kết theo những lộ trình rất cụ thể để chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu hàng hóa chính ngạch. Những vấn đề này đã nói rất nhiều lần và các Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều nói, lần này chúng ta nói nhưng chúng ta không quên nữa. Cử tri, nhân dân, nhất là người nông dân cần phải có những cam kết và có những lộ trình rất cụ thể để vạch ra tiến trình này. Đương nhiên, việc chuyển toàn bộ thương mại từ tiểu ngạch sang chính ngạch thì cần phải có thời gian, có nguồn lực, nhưng chúng ta phải tăng cường công tác này và có cam kết rất cụ thể.

Tăng cường hợp tác quốc tế về thương mại. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán các nghị định thư với các đối tác lớn, đối với Trung Quốc để giảm tỷ lệ nông sản Việt Nam phải qua kiểm tra khi xuất khẩu vào Trung Quốc...

Thường xuyên cập nhật thông tin tình hình trong nước và quốc tế để người dân, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiến độ thu hoạch và điều tiết lượng hàng hóa vận chuyển lên các cửa khẩu.

Phối hợp với các địa phương và Hiệp hội ngành hàng trong công tác thông tin thị trường, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt, tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết để thúc đẩy xuất khẩu. Vận động hệ thống phân phối tập đoàn bán lẻ, siêu thị đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ trong chuỗi cung ứng, chú trọng giới thiệu, phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường:

Thứ nhất, bám sát chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, bảo đảm căn cứ chính trị và yêu cầu của thực tiễn để nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và các pháp luật có liên quan, cũng như các văn bản hướng dẫn luật để khắc phục những vướng mắc, hạn chế, bất cập hiện nay. Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất, các quy định về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính. Khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất. Tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, kiểm soát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước về đất đai, nhất là trong khâu lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất; hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về đất đai...

Thứ hai, rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, các văn bản hướng dẫn và các văn bản pháp luật có liên quan. Trong đó, chú trọng đến các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, không để xảy ra tình trạng lợi dụng các phiên đấu giá để trục lợi. Đặc biệt là quy định chặt chẽ về điều kiện tham gia đấu giá, việc xác định giá khởi điểm, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, việc xử lý khi cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường. Đồng thời có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các trường hợp trúng thầu, trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết. Sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan phù hợp với pháp luật về đất đai để bảo đảm tính thống nhất trong điều chỉnh các quan hệ về đất đai, tài sản gắn liền với đất, giao dịch quyền sử dụng đất, các quy định về hợp đồng đặt cọc khi mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai. Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm theo các quy định của pháp luật, không hình sự hóa các quan hệ dân sự và quan hệ hành chính.

Thứ ba, thực hiện tốt các chính sách mới trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải, khí thải công nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, sớm phê duyệt quy hoạch quản lý môi trường quốc gia, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm. Thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thu gom, xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt, ưu tiên sử dụng công nghệ xử lý, tái chế thân thiện môi trường, công nghệ xử lý chất thải rắn thu hồi năng lượng. Chú trọng giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa, chất thải y tế, nhất là chất thải lây nhiễm phát sinh do công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, quan tâm đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn. Nghiên cứu đề xuất chính sách phù hợp để thu hút đầu tư cho cải tạo, phục hồi các lưu vực sông bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt, như sông Nhuệ, sông Đáy, khu thủy lợi Bắc Hưng Hải... Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, nhất là trong lĩnh vực quản lý rác thải, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

Trên cơ sở chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, kết luận đối với từng phiên chất vấn về từng nhóm vấn đề, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị thật tốt dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại đợt 2 phiên họp thứ Chín của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3 này.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây cũng là một trong những đổi mới căn cơ trong hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiền đề quan trọng cho việc tiếp tục chủ động đổi mới trong hoạt động giám sát nói chung và hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn nói riêng, làm cho công tác giám sát thực sự trở thành một trong những công cụ kiểm soát quyền lực hiệu quả, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.

Để Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đi vào cuộc sống, ngay sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt những cam kết trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trước cử tri cả nước, làm cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu mong mỏi của nhân dân và cử tri cả nước cũng như của đồng bào ta ở nước ngoài. Các cơ quan của Quốc hội trên cơ sở nghị quyết về chất vấn, tổ chức giám sát việc thực hiện những nội dung được đưa ra chất vấn, chủ động tổ chức các phiên giải trình thuộc lĩnh vực phụ trách tại Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào, cử tri và nhân dân cả nước.

Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tích cực, chủ động hơn nữa trong việc thực hiện chức năng giám sát, góp phần quan trọng thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, nhân dân, lắng nghe và phản ánh trung thực ý kiến của cử tri, tích cực giám sát việc thực hiện giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Ngọc Mai