Giá xăng dầu Việt Nam đang ở mức nào so với thế giới?
Kinh tế - Ngày đăng : 20:53, 15/03/2022
Tình hình giá xăng dầu trong khu vực và trên thế giới
Tính đến ngày 7/3/2022, theo Gas Petrol Price, giá xăng trung bình trên thế giới là 1,29 USD/lít. Trong số 170 quốc gia và khu vực trong danh sách, 45 quốc gia có giá xăng 1 USD, 74 quốc gia có mức giá từ 1,00 - 1,50 USD, 25 quốc gia có từ 1,50 - 2,00 USD và 26 có mức giá đắt đỏ trên 2 USD.
Trong đó, Venezuela và Libya có giá rẻ nhất, chỉ 0,03 USD/lít, tiếp theo là Iran (0,05 USD). Hồng Kông (Trung Quốc) có giá xăng cao nhất là 2,83 USD, còn Qatar nằm trong top 10 nền kinh tế giàu nhất nhưng lại có giá xăng thấp dưới 1 USD.
Trong số 10 quốc gia rẻ nhất hàng đầu, 4 quốc gia nằm ở châu Á và châu Phi, và một quốc gia ở Nam Mỹ, châu Âu. Tại các quốc gia khu vực châu Á, giá xăng dầu có nơi “rẻ như cho” nhưng có nơi lại “đắt cắt cổ”. Ví dụ như ở Malaysia, giá xăng RON 95 vào ngày 7/3 là 0,49 USD/ lít, trong khi giá xăng ở Singapore lại có mức giá gấp hơn 2 lần với 2,149 USD/lít.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, giá xăng dầu liên tục “dựng đứng” với việc cả dầu Brent và WTI đều đã tăng giá. Đặc biệt tính từ đầu năm, hai mặt hàng dầu này đã tăng khoảng 36%. Tuy nhiên, trong đầu tuần này, mặt hàng này cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt khi các cuộc đàm phán giữa hai quốc gia được thực hiện do kỳ vọng về những diễn biến tích cực trong vòng đàm phán mới nhất giữa Nga và Ukraine.
Việt Nam xếp ở vị trí 74/170 trong bảng xếp hạng Giá xăng dầu và GDP bình quân đầu người ở các quốc gia và khu vực trên thế giới. Hiện mỗi lít xăng RON 95 có mức giá là 29.824 đồng/lít, tương đương khoảng 1,30 USD, chỉ nhỉnh hơn một chút so với giá xăng trung bình trên thế giới.
Vì vậy xét về mặt bằng chung, giá xăng dầu tại Việt Nam vẫn ở mức khá “dễ thở” so với các nước trên thế giới và khu vực.
Giá xăng Việt Nam đang rẻ so với khu vực và trên thế giới
Trong năm 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 3.743USD/người/năm. Trong khu vực Đông Nam Á, GDP bình quân đầu người của Việt Nam cao hơn Lào (2.718 USD/người/năm), Philippines (3.438 USD/người/năm), Campuchia (1.730 USD/người/năm). Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Singapore là 62.113 USD/người/năm; Brunei là 32.100 USD/người/năm, Malaysia là 11.056 USD/người/năm; Thái Lan là 7.030 USD/người/năm và Indonesia là 4.349 USD/người/năm.
Vì vậy, đó là điều dễ hiểu khi so với các nước trong khu vực, mỗi lít xăng Việt Nam hiện cao hơn Campuchia (1,157 USD, tương đương 26.600 đồng); Malaysia (0,491 USD tức 11.300 đồng); Indonesia (0,895 USD, tức 20.560 đồng); Philippines (1,261 USD, tương đương 28.978 đồng). Tương tự như việc các nước như Singapore, Brunei, Thái Lan, Myanmar... có giá xăng cao hơn Việt Nam.
Bên cạnh đó, dựa trên dữ liệu về GDP bình quân đầu người của các nước Đông Nam Á, người Việt Nam có thu nhập khoảng 10,25 USD/ngày, do đó, 1 lít xăng đang chiếm khoảng 11,66% trong thu nhập hằng ngày của người Việt Nam. Trong khi đó, người dân Philippines, Campuchia, Lào và Myanmar có thu nhập lần lượt khoảng 9,42 USD/ngày, 4,74 USD/ngày, 7,45 USD/ngày và 4,47 USD/ngày. Điều đó có nghĩa là người dân của các nước này phải trả lần lượt là 13,4%, 22,41%, 19,89% và 29% thu nhập của 1 ngày cho 1 lít xăng, cao hơn đáng kể so với Việt Nam.
Chênh lệch giá xăng giữa các nước do đâu?
Theo nguyên tắc chung, các nước giàu hơn có giá xăng dầu cao hơn trong khi các nước nghèo hơn và các nước sản xuất và xuất khẩu dầu có giá thấp hơn đáng kể. Sự khác biệt về giá giữa các quốc gia chủ yếu là do các loại thuế và trợ cấp xăng dầu khác nhau. Tất cả các quốc gia đều được tiếp cận với giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế nhưng sau đó quyết định áp các loại thuế khác nhau.
Đơn cử như ở nước ta, Bộ Tài chính hiện đang áp dụng cơ cấu tính giá xăng dầu đưa vào các loại thuế, phí quá cao như: Thuế nhập khẩu 10%, VAT 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế bảo vệ môi trường 3.800 đồng đến 4.000 đồng/lít. Bốn loại thuế chiếm tới 38% giá xăng dầu. Cộng thêm các chi phí khác như chi phí vận chuyển, định mức kinh doanh, lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn, chiếm tới 62%, dẫn đến giá xăng dầu trong nước cao.
Trong khi đó, Malaysia và Indonesia là hai nước đứng đầu về khai thác và xuất khẩu dầu thô ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là hai quốc gia có giá xăng dầu thấp nhất trong khu vực. Điều này đạt được là nhờ vào chính sách trợ cấp cho nhiên liệu tại các nước này. Theo Reuters, vào năm 2021, chính phủ Malaysia đã chi trợ cấp cho nhiên liệu, khí đốt hoá lỏng (LPG) và dầu ăn là 8 tỷ RM (1,95 tỷ USD). Khoản trợ cấp này nhằm duy trì giá xăng RON 95 ở mức 0,48 USD/lít, dầu diesel là 0,5 USD/lít và LPG là 0.45 USD/kg.
Ngược lại, quốc gia có mức giá xăng dầu cao nhất trong khu vực Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại là Singapre.
Theo chuyên gia kinh tế Duckju Kang, Giám đốc công ty tư vấn ValueChampion, Singapore là nước nhập khẩu ròng dầu thô, đồng nghĩa với việc nước này sẽ không chủ động được nguồn cung mà phải phụ thuộc vào nhiều quốc gia khác về số lượng và giá cả. Một lý do khác nữa đó là xăng dầu ở Singapore bị đánh thuế quá nặng. Với mật độ dân số đông thứ ba trên thế giới, chính phủ nước này đã buộc phải đưa ra các chính sách không khuyến khích việc sở hữu phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là ô tô, cũng như giảm thuế đường bộ đối với những người đi xe máy (vì dung tích động cơ nhỏ hơn), lái xe thuê, đồng thời hoàn thuế 100% đối với xe buýt và ô tô chở hàng.
Giảm thuế để kìm giá xăng, dầu
Trước tình hình giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh tăng như vậy, Bộ Tài chính đã quyết định giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng 2.000 đồng/lít, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg; dầu hỏa 700 đồng/lít từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12/2022. Mức giảm thuế này giúp hạ nhiệt giá xăng dầu từ đó hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.
Trên phạm vi quốc tế, nhiều nước cũng đã bắt đầu có các chính sách để hạ nhiệt giá xăng dầu. Ví dụ, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần tuyên bố sẽ tìm mọi cách để giảm giá xăng, đồng thời xả kho dự trữ quốc gia, tìm thêm nguồn cung mới... Chính phủ Hà Lan đã giảm 12% thuế giá trị gia tăng với năng lượng, xuống còn 9%; mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu cũng giảm 21%. Ngoài ra, Hà Lan cũng vừa thông báo sẽ tăng khoản trợ cấp năng lượng một lần cho các gia đình có thu nhập thấp lên gấp 4 lần, từ 200 euro lên 800 euro.
Giảm thuế cũng là cách mà Hàn Quốc, Thái Lan đang chọn để kìm đà tăng của giá xăng dầu. Tại Hàn Quốc, thuế với xăng, dầu diesel và LPG giảm 20% trong 6 tháng, đến hết tháng 4 năm nay. Theo đó, thuế với xăng giảm từ 820 won (0,656 USD) xuống còn 656 won (0,525 USD) một lít. Mỗi lít dầu diesel giảm thuế từ 582 won (0,477 USD) còn 466 won (0,382 USD). Còn Thái Lan, Chính phủ nước này quyết định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel trong 3 tháng, về mức 3 baht một lít (tương đương mức giảm 2,99 baht mỗi lít dầu, tức khoảng 50%).
Ngoài ra, Bồ Đào Nha, Canada hay Anh cũng đang tính tới phương án giảm thuế VAT hoặc tiêu thụ đặc biệt đánh vào nhiên liệu để hạ nhiệt giá năng lượng. Mức giảm thuế mà Chính phủ Anh đang xem xét có thể là hạ thuế VAT xuống 15% với xăng, dầu trước diễn biến mỗi lít xăng tại nước này đã tăng lên gần 1,6 bảng Anh (tương đương 2,06 USD).
Ấn Độ - nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai châu Á, cũng thực hiện cắt giảm thuế đối với xăng và dầu diesel từ tháng 11/2021 để đạt được mức giá dầu ổn định, trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng đã giảm 5 rupee (0,0671 USD)/lít và 10 rupee (0,1342 USD) mỗi lít đối với dầu diesel.
Link ảnh bảng xếp hạng:
https://statisticstimes.com/economy/countries-by-petrol-prices-and-gdp-per-capita.php