Ukraine có thể đạt được hiệp ước hòa bình với Nga chậm nhất trước tháng 5
Chuyển động - Ngày đăng : 15:46, 15/03/2022
Theo đó, trả lời phỏng vấn của truyền thông Nga, ông Oleksiy Arestovych bày tỏ tin tưởng vào triển vọng này. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo nếu hai bên không đạt được thỏa thuận hòa bình trước cuối tháng 5, các hoạt động đối đầu sẽ tiếp diễn và chiến sự cục bộ tại Ukraine có thể kéo dài tới 1 năm.
Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass (miền Đông Ukraine) hôm 24/2, Moscow và Kiev đã tổ chức tổng cộng 4 vòng đàm phán.
Vòng đàm phán đầu tiên diễn ra ngày 28/2 tại khu vực Gomel nằm trên biên giới Belarus-Ukraine; vòng 2 và 3 diễn ra ngày 3/3 và 7/3 tại Belovezhskaya Pushcha, khu vực biên giới Brest giữa Ba Lan và Belarus. Hai nước cũng đã nhất trí thiết lập một số hành lang nhân đạo, cùng với đó là lệnh ngừng bắn một phần, để sơ tán dân thường khỏi các khu vực chiến sự.
Vòng đàm phán thứ tư được tổ chức theo hình thức trực tuyến, theo kế hoạch diễn ra vào ngày 14/3, tuy nhiên sau đó đã tạm dừng kỹ thuật để “các phân nhóm công tác làm việc thêm và để làm rõ các định nghĩa nhất định”, theo cố vấn của Tổng thống Ukraine đồng thời là thành viên đoàn đàm phán của Ukraine, ông Mykhailo Podolyak.
Trước đó, trên mạng xã hội Twitter, ông Podolyak nêu rõ: "Các bên (tham gia đàm phán) tích cực bày tỏ lập trường cụ thể của mình”, trong khi cuộc đàm phán đề cập đến “hòa bình, ngừng bắn, rút toàn bộ lực lượng ngay lập tức và đảm bảo an ninh”. Tuy vậy, “việc liên lạc giữa hai bên vẫn được tiến hành mặc dù khó khăn”, ông Podolyak cho biết.
150.000 người đã được sơ tán khỏi các khu vực xung đột ở Ukraine
Cùng ngày 14/3, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk thông báo khoảng 150.000 người đã được sơ tán khỏi các khu vực xung đột ở Ukraine đến nơi an toàn thông qua các hành lang nhân đạo.
Trong khi đó, theo hãng tin Interfax của Ukraine, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Kyrylo Tymoshenko cho biết nước này đã thiết lập 26 hành lang nhân đạo tại 6 khu vực để sơ tán dân thường.
Để hỗ trợ người dân Ukraine, ngày 14/3, Chính phủ Anh ra mắt trang web Homes for Ukraine (Nhà cho người Ukraine) dành cho những người Anh muốn đăng ký tiếp nhận công dân Ukraine.
Homes for Ukraine là chương trình thị thực thứ hai của Chính phủ Anh dành cho công dân Ukraine sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này.
Được áp dụng cho cho tất cả công dân và những người định cư ở Ukraine, chương trình thị thực mới cho phép những người Ukraine đến Anh được tiếp cận Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) và các dịch vụ công cộng khác. Con cái của họ sẽ được đi học tại các trường học địa phương.
Tuy nhiên, ban đầu, chương trình sẽ chỉ áp dụng cho những người Anh và Ukraine đã quen biết nhau, sau đó sẽ mở rộng ra các tổ chức từ thiện, các nhóm cộng đồng và nhà thờ, là những tổ chức có thể giúp kết nối các công dân Ukraine và các gia đình Anh.
Trang web Homes for Ukraine được thiết lập để những người Anh muốn cung cấp chỗ ở miễn phí tại nhà cho công dân Ukraine trong thời gian ít nhất 6 tháng đăng ký nhu cầu và có thể tài trợ thị thực cho công dân Ukraine từ ngày 18/3. Các gia đình tiếp nhận công dân Ukraine sẽ được chính phủ hỗ trợ 350 bảng (hơn 450 USD)/tháng (miễn thuế) cho mỗi địa chỉ cư trú.
Bộ trưởng Nhà ở và Cộng đồng Michael Gove cho biết chương trình thị thực mới không hạn chế số lượng người Ukraine có thể được tiếp nhận tại Anh và những người Ukraine không có họ hàng tại Anh có thể đến nước này theo chương trình trên.
Trong khi đó, Chính phủ New Zealand thông báo sẽ đưa ra chính sách mới, mang tên Chính sách Ukraine đặc biệt 2022, cho phép khoảng 4.000 thành viên gia đình người New Zealand gốc Ukraine chuyển tới nước này trong ngắn hạn sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt. Theo đó, công dân và người gốc Ukraine cư trú dài hạn tại New Zealand sẽ được phép bảo trợ một thành viên gia đình và thân nhân. Những người được chấp nhận sẽ được trao thị thực làm việc trong hai năm và trẻ con có thể đến trường học.
Chính sách này sẽ được duy trì trong một năm, cho phép khoảng 1.600 công dân và người gốc Ukraine cư trú dài hạn tại New Zealand bảo trợ bố mẹ, ông bà, anh chị em ruột hoặc con cái và thân nhân. Bên cạnh đó, Chính phủ New Zealand cũng thông báo cung cấp thêm 4 triệu dollar New Zealand (2,7 triệu USD) để hỗ trợ cộng đồng người Ukraine.