Giá cả 'leo thang', thuế suất cần linh hoạt hơn!

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 15:36, 14/03/2022

Khi sức khoẻ của các doanh nghiệp vẫn còn yếu, giá cả lại liên tục tăng sốc nên cần có giải pháp trợ lực giảm thuế mạnh mẽ hơn và khả dĩ nhất để hồi phục.

Thuế suất vẫn thiếu linh hoạt

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/3, giá xăng đã gần chạm ngưỡng 30.000 đồng/lít. Cụ thể, xăng E5RON92: không cao hơn 28.985 đồng/lít, xăng RON 95 không cao hơn 29.824 đồng/lít, dầu diesel không cao hơn 25.268 đồng/lít, dầu hỏa không cao hơn 23.918 đồng/lít, dầu mazut không cao hơn 20.987 đồng/kg.

xang-dau-38-1598409651-2521-15-2788-4196-1599465648-16036848728471732601223-21532344.jpeg
Giá xăng dầu đá phá đỉnh lịch sử.

Việc giá xăng dầu phá đỉnh lịch sử đã được dự đoán từ trước, nên trước kỳ điều hành, Bộ Tài chính đã "chốt" đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg... 

Song, nhiều ý kiến cho rằng, lẽ ra, Bộ Tài chính cần phải nghiên cứu thực tế, tính toán cụ thể và có đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường ngay từ đầu chứ không phải đợi đến khi giá dầu trên thị trường quá cao, không thể "đỡ" nổi mới quyết định giảm 50% thuế như đề xuất của Bộ Công Thương, ý kiến tham gia thống nhất của các Bộ cũng như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Không chỉ là mức thuế suất quá cao ảnh hưởng tới giá xăng, giới chuyên gia cho rằng giá cả sẽ còn “nhảy múa” từ những điều chưa thật sự hợp lý từ chính sách về thuế Giá trị gia tăng (VAT).

Chẳng hạn, tại một số cửa hàng thực phẩm, mặc dù các sản phẩm được điều chỉnh giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% song giá bán thực tế đến tay người tiêu dùng hầu như không đổi bởi giá hàng hóa đã tăng.

Hay như ngoài việc giảm thuế VAT (từ 10% xuống 8%) trong năm 2022 cho phần lớn các hàng hóa và dịch vụ, điều mà nhiều DN còn băn khoăn là Luật thuế GTGT hiện hành vẫn quy định rất nhiều loại hàng hoá là đối tượng không chịu thuế VAT như sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến; giống vật nuôi, giống cây trồng; phân bón; máy móc nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn chăn nuôi; muối…

Quy định này khiến các DN trong các lĩnh vực trên gặp rất nhiều thiệt thòi. Các chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, năng lượng, quảng cáo, dịch vụ mặt bằng, kho bãi, dịch vụ vận chuyển… đều có thuế VAT đầu vào nhưng không được khấu trừ. Trong khi đó, hàng hoá nhập khẩu được hưởng thuế suất 0% ở nước xuất khẩu và không chịu thuế VAT tại Việt Nam, từ đó có lợi thế về thuế hơn các sản phẩm sản xuất trong nước.

Đơn cử như với mặt hàng phân bón tăng giá như vũ bão trong thời gian qua, thế nhưng DN và nông dân vẫn trông chờ chính sách chuyển từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất 5% như đề xuất lâu nay. 

Chính vì chính sách thuế VAT thiếu linh hoạt, cho nên việc không được coi là đối tượng chịu thuế khiến những DN trong nước sản xuất loại hàng hoá này để tiêu dùng trong nước không được khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào.

Quy định này khiến các DN trong các lĩnh vực trên gặp rất nhiều thiệt thòi. Các chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, năng lượng, quảng cáo, dịch vụ mặt bằng, kho bãi, dịch vụ vận chuyển… đều có thuế VAT đầu vào nhưng không được khấu trừ.

Mạnh tay giảm thuế, phí để kìm giá tăng

Trước tình hình giá cả leo thang, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp góp ý nên sử dụng công cụ thuế một cách mạnh tay hơn nữa để góp phần giảm áp lực tăng giá xăng dầu, hàng hóa.

vat.jpg
Thuế phí cần được giảm mạnh hơn để "kìm chân" giá cả.

Về giá xăng dầu, trong thời gian tới, có ý kiến còn mạnh dạn đề xuất, không giảm mà nên tạm bỏ thuế BVMT, tạm bỏ trích quỹ bình ổn xăng dầu và thuế Tiêu thụ đặc biệt trong một khoảng thời gian ngắn thích hợp nhằm giữ bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Chia sẻ với báo chí, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải xe khách TP.HCM, cho rằng giá xăng dầu tăng cao nhất trong vòng 7-8 năm qua đã tác động đến hầu hết các ngành nghề, trong đó ngành vận tải bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện các loại thuế, phí chiếm tỉ lệ rất lớn trong mỗi lít xăng dầu. Nếu miễn, giảm thuế, phí sẽ kéo giá xăng dầu xuống đáng kể. Do đó, ông kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nên nhanh chóng có ý kiến trình lên Chính phủ xem xét sớm giảm các loại thuế phí này.

Đại diện một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng cho rằng trong bối cảnh giá xăng dầu tăng liên tục, việc giảm thuế bảo vệ môi trường cần phải đủ lớn, có thể cân nhắc mức giảm tối đa là 70% so với mức thuế hiện hành, hoặc tối thiểu ở mức 50%. Sau đó tùy vào điều kiện, tình hình thực tế có thể giảm xuống 30% và khi nền kinh tế phục hồi, giá dầu thế giới ổn định lại, có thể quay trở lại áp dụng mức thuế như hiện hành. Cơ chế điều hành giá cũng cần áp dụng linh hoạt hơn, có thể 5 ngày/lần hoặc trong trường hợp giá xăng dầu thành phẩm biến động tăng giảm trên 10%, có thể điều chỉnh giá tương ứng.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cũng kiến giảm thuế, phí và đặc biệt là giảm hoặc tạm dừng thu thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng/lít xăng RON95 và 3.800 đồng/lít xăng E5RON92 để giảm giá xăng. Bởi lẽ, cả 2 loại xăng này đều là xăng nhiên liệu sạch. Ông Hùng đề nghị các bộ, ngành cần xem lại quỹ BOG hoạt động có hiệu quả hay không, từ khi thành lập đã thu và chi bao nhiêu, để giữ bình ổn giá một cách công khai, minh bạch.

TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng, nêu ý kiến: Lúc này, nếu Chính phủ, Quốc hội không quyết liệt, mạnh mẽ sử dụng công cụ thuế trong điều hành giá xăng dầu thì DN sẽ không trụ nổi chứ đừng nói có thể hồi phục sau dịch COVID-19. Việc giảm thuế đến mức tối đa, tức đưa một số sắc thuế về 0%, có thể được thực hiện trong giai đoạn cấp bách này. Sau đó, khi thị trường ổn định hơn, có thể tăng thuế trở lại để bảo đảm nguồn thu ngân sách.

Trang Nhi