Tin vắn thế giới ngày 12/3: Trung Quốc phong toả thành phố 9 triệu dân
Chuyển động - Ngày đăng : 08:13, 12/03/2022
Trung Quốc phong toả thành phố 9 triệu dân
Thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm (Đông Bắc Trung Quốc) đã ban bố lệnh phong toả từ ngày 11/3 trong nỗ lực kiềm chế ổ dịch COVID-19 mới bùng phát trong bối cảnh tổng số ca nhiễm theo ngày trên cả nước lên mức cao nhất trong vòng 2 năm qua.
Theo quy định mới, một người chỉ được phép ra khỏi nhà 2 ngày/lần để mua nhu yếu phẩm. Chính quyền thành phố cũng cho biết sẽ tiến hành xét nghiệm đại trà.
Lào đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 thứ ba
Ủy ban Quốc gia Lào về phòng chống COVID-19 ngày 11/3 cho biết nước này đang phải đối mặt với làn sóng bùng phát dịch thứ 3 trong bối cảnh biến thể Omicron lan rộng.
Theo ủy ban trên, mặc dù số ca mắc COVID-19 tại Lào trong thời gian qua ở mức khá thấp, đôi khi dưới 200 ca/ngày, tuy nhiên sự gia tăng số các ca nhiễm biến chủng Omicron, đặc biệt là tại thủ đô Viêng Chăn, có thể khiến Lào phải đối mặt với làn sóng bùng phát dịch mới.
Trung Quốc cho phép bán đại trà kit test nhanh COVID-19
Trung Quốc ngày 11/3 đã cho phép bán đại trà các bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 trên toàn quốc. Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, các bộ xét nghiệm nhanh hiện được bán tại các phòng khám và cơ sở y tế. Ngoài ra, người dân cũng có thể mua các bộ xét nghiệm này tại "các hiệu thuốc bán lẻ, các nền tảng bán hàng trực tuyến và những kênh kinh doanh khác".
Thái Lan đẩy mạnh tiêm chủng cho người cao tuổi trước Tết Songkran
Trợ lý phát ngôn viên Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) Sumanee Wacharasin chiều 10/3 cho biết các nhà chức trách sẽ huy động các nguồn lực để khuyến khích những người trên 60 tuổi tiêm liều vaccine tăng cường để duy trì khả năng miễn dịch cao trước kỳ nghỉ Songkran, còn gọi là Lễ hội té nước.
Bà Sumanee cho biết thêm chiến dịch nói trên sẽ diễn ra từ 21-31/3, với mục tiêu là khoảng 70% người cao tuổi được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
EU dự định mở rộng quy định thiết lập chứng chỉ COVID kỹ thuật số
Ngày 11/3, Ủy ban đại diện thường trực (COREPER) đã chính thức phê duyệt nhiệm vụ đàm phán của Hội đồng châu Âu với Nghị viện châu Âu (EP) nhằm mở rộng quy định thiết lập chứng chỉ COVID kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU).
Trước đó, vào ngày 3/2 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất gia hạn thêm một năm, tức là cho đến ngày 30/6/2023, quy định về chứng chỉ COVID kỹ thuật số của EU. EC cũng đưa ra những thay đổi có mục tiêu khác để mở rộng phạm vi xét nghiệm kháng nguyên được phép và cho phép cấp giấy chứng nhận tiêm chủng cho những người tham gia thử nghiệm lâm sàng.
Singapore cho phép người nhập cảnh tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên
Du khách nước ngoài nhập cảnh vào Singapore qua Làn đi lại cho người đã tiêm vaccine (VTL) kể từ ngày 15/3 tới đây sẽ chỉ phải tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART) tại nơi cư trú thay vì tới một trung tâm/cơ sở y tế chỉ định để xét nghiệm như trước đây.
Đức tiếp tục hỗ trợ 'chương trình làm việc ngắn hạn' thêm 3 tháng
Ngày 11/3, Hội đồng Liên bang Đức đã thông qua việc gia hạn “chương trình làm việc ngắn hạn đặc biệt”, được chính phủ trợ cấp thêm 3 tháng cho đến tháng 6/2022 nhằm tránh sa thải nhân viên trong thời kỳ khủng hoảng đại dịch.
Quy định sẽ bao gồm đơn giản hóa việc tiếp cận với trợ cấp làm việc. Các công ty ở Đức có thể đăng ký để nhận trợ cấp làm việc ngắn hạn nếu ít nhất 10% nhân viên bị ảnh hưởng. Trước đại dịch COVID-19, mức nhận trợ cấp việc làm của một công ty là 30% nhân viên bị ảnh hưởng.
Hệ thống y tế Đức đang trong tình trạng nguy cấp
Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach ngày 11/3 cảnh báo nước này đang rơi vào tình trạng “y tế nguy cấp” mới, khi số ca mắc COVID-19 theo ngày liên tiếp ghi nhận “kỷ lục buồn”.
Bộ trưởng Y tế Lauterbach cảnh báo: “Nếu không áp đặt tiêm chủng bắt buộc, chúng ta sẽ không thể vượt qua đại dịch vào mùa Thu tới”. Trong khi đó, Thủ tướng Olaf Scholz kêu gọi thực hiện tiêm chủng bắt buộc, tuy nhiên kế hoạch thông qua dự luật này tại Quốc hội đang bị trì hoãn.
Mỹ: Đeo khẩu trang giúp giảm 72% số ca mắc COVID-19 tại trường học
Theo nghiên cứu do Viện Y tế Quốc gia của Mỹ (NIH) tài trợ, những trường học bắt buộc đeo khẩu trang trong làn sóng dịch bệnh do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra có số ca lây nhiễm tại trường ít hơn 72% so với những trường áp dụng chủ trương đeo khẩu trang trong một số trường hợp nhất định hoặc trên cơ sở tự nguyện. Nghiên cứu đã được đăng trên chuyên trang y khoa news-medical.net.
Phát hiện mới về nguyên nhân gây bệnh Alzheimer
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã phát hiện ra rằng hormone kích thích nang trứng (FSH) có thể dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer cao hơn ở phụ nữ lớn tuổi, qua đó mở ra một liệu pháp điều trị khả thi cho căn bệnh này.
Dựa trên các nghiên cứu đã từng thực hiện, các nhà khoa học từ Trung Quốc và Mỹ đã đưa ra một giả thuyết rằng sự kích hoạt của một tuyến thần kinh có tên C / EBPβ / AEP là quá trình chính phát sinh bệnh Alzheimer. Từ đó, họ sàng lọc các hormone có sự thay đổi mạnh mẽ trong thời kỳ mãn kinh, đồng thời kích hoạt tuyến thần kinh C / EBPβ / AEP. Sau quá trình này, các nhà nghiên cứu xác định rằng FSH có thể là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh Alzheimer.
Nga sẽ cung cấp thiết bị quân sự hiện đại cho Belarus
Theo hãng thông tấn Belarus (BelTA), các nhà lãnh đạo Nga và Belarus đã nhất trí hợp tác hơn nữa trong tương lai gần.
Theo BelTA, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarussian Alexander Lukashenko ngày 11/3 đã nhất trí về việc Nga sẽ giao cho Belarus các mẫu thiết bị quân sự hiện đại nhất trong tương lai gần.
EU cân nhắc tạm dừng đàm phán khôi phục thỏa thuận JCPOA
EU ngày 11/3 đã để ngỏ khả năng tạm ngừng các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015.
Trong một thông điệp trên Twitter, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết việc tạm dừng các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran là cần thiết do xuất hiện những yếu tố bên ngoài. Ông cho biết thêm: “Một văn bản dự thảo thỏa thuận cuối cùng về cơ bản đã được chuẩn bị sẵn sàng”.
Tổng thống Mexico tới các nước Trung Mỹ thảo luận vấn đề di cư
Ngày 11/3, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador thông báo sẽ công du El Salvador, Honduras, Guatemala, Belize và Cuba trong tháng 5 tới để thảo luận về vấn đề di cư, trong bối cảnh mỗi năm hàng trăm nghìn người di cư chọn Mexico là quốc gia trung chuyển trên hành trình tới Mỹ.
Sai sót kỹ thuật, Ấn Độ vô tình phóng tên lửa vào Pakistan
Dẫn phát ngôn của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, đài Sputnik đưa tin: "Ngày 9/3/2022, trong quá trình bảo dưỡng định kỳ, sai sót kỹ thuật đã xảy ra, dẫn đến việc một tên lửa bị bắn nhầm. Tên lửa đã rơi xuống Pakistan. Đây là sự việc vô cùng đáng tiếc. Thật may không có thiệt hại nào về người".
Bộ Quốc phòng nhấn mạnh Chính phủ Ấn Độ đã nghiêm túc yêu cầu điều tra làm rõ thêm sự việc.
Giới chức Mỹ: Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ mới
Theo hãng tin AFP, ngày 10/3, một quan chức cấp cao Mỹ đã đưa ra thông tin đánh giá về hai vụ thử tên lửa do Triều Tiên thực hiện gần đây, theo đó phía Washington cho rằng đây thực chất là hoạt động thử nghiệm hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới.
Mỹ và Philippines ký kết Thỏa thuận Hợp tác Hạt nhân Dân sự Chiến lược
Ngày 10/3, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo về việc ký kết Biên bản Ghi nhớ liên quan đến vấn đề Hợp tác Hạt nhân Dân sự Chiến lược với Philippines. Thoả thuận này sẽ cho phép Washington giúp Manila khởi động lại chương trình điện hạt nhân.
Kẻ sát hại anh hùng giải phóng dân tộc Che Guevara đã chết
Hãng thông tấn Tass dẫn nguồn tin của kênh truyền hình Telesur TV cho biết binh sĩ người Bolivia, Mario Teran, kẻ đã sát hại anh hùng Che Guevara năm xưa, ngày 11/3 đã chết ở tuổi 80.
Bỉ hỗ trợ nhân đạo cho Slovakia và Moldova
Ngày 11/3, Bỉ đã gửi trang thiết bị nhân đạo tới Slovakia và Moldova thông qua cơ chế viện trợ khẩn cấp B-FAST, với số tiền là 2 triệu euro.
Đối với Slovakia, trang thiết bị được hỗ trợ là thiết bị y tế bao gồm khẩu trang FFP2 và thiết bị sơ cứu (máy phát điện, giường trại, nệm, chăn). Trang thiết bị gửi tới Moldova cũng đều là những đồ thiết yếu như lều, máy phát điện và bộ dụng cụ vệ sinh.
Nam Sudan đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ngày 11/3 cảnh báo hơn 70% dân số của Nam Sudan sẽ phải đối mặt với nạn đói cùng cực trong năm nay, do quốc gia này có nguy cơ đối mặt với “cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất” do xung đột, thiên tai, biến đổi khí hậu và lạm phát.
Phó giám đốc quốc gia WFP, bà Adeyinka Badejo, quy mô và chiều sâu của cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng lớn, trong khi hầu hết người dân trên khắp đất nước Nam Sudan hiện không còn gì để sống dù chỉ là tạm bợ qua ngày.
Mỹ: Điều tra vụ gây thất thoát hơn 8 tỷ USD của quỹ hỗ trợ COVID-19
Ngày 10/3, Bộ Tư pháp Mỹ đã bổ nhiệm ông Kevin Chambers - trợ lý Thứ trưởng Bộ Tư pháp, làm người phụ trách chính cuộc điều tra những sai phạm trong sử dụng nguồn quỹ cứu trợ người dân và các doanh nghiệp giảm thiểu các tác động của đại dịch COVID-19, ước tính gây thất thoát hơn 8 tỷ USD.
Người tị nạn ở Hong Kong đối mặt khủng hoảng lương thực trong dịch COVID-19
Theo một cuộc thăm dò do mạng lưới vì người tị nạn (RCN) công bố ngày 11/3, gần 3/4 người tị nạn ở khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đang chật vật để có thức ăn hằng ngày.
Pháp tiêu hủy hàng triệu gia cầm để ngăn chặn dịch bệnh
Ngày 11/3, Bộ Nông nghiệp Pháp thông báo nước này sẽ tiếp tục tiêu hủy gà, vịt và các loại gia cầm khác, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp hơn so với mùa Đông năm ngoái.
Đợt dịch cúm gia cầm lần này chủ yếu bùng phát ở khu vực Tây Nam nước Pháp - quê hương của món pate gan ngỗng nổi tiếng hấp dẫn - và cũng là đợt bùng phát thứ 4 ở các trang trại của Pháp kể từ năm 2015.