Cảnh báo bỏng ở trẻ khi xông hơi hỗ trợ điều trị Covid-19
Sức khỏe - Ngày đăng : 22:15, 11/03/2022
Ngày 11/3, Bệnh viện Nhi đồng TP (TP.HCM) cho biết, gần đây đơn vị này ghi nhận liên tiếp các ca Covid-19 trẻ em bị bỏng nặng liên quan xông lá thuốc. Đây là một vấn đề hết sức nguy hiểm, cần cảnh báo với các bậc phụ huynh.
Tại Khoa Điều trị Covid trẻ em, Bệnh viện Nhi Đồng TP hiện đang điều trị cho 2 bệnh nhi bị bỏng nặng vì phụ huynh xông lá cho con với hy vọng chữa được Covid-19.
Trường hợp thứ nhất là một bé trai 12 tuổi đến từ Long An. Do mắc Covid-19 nên được người nhà cho xông lá. Khi đang xông, người lớn đùa giỡn, đá vào chậu xông, nước văng lên người nên bị phòng nặng nửa thân dưới và bộ phận sinh dục. Đến nay, qua 21 ngày nằm viện, được đặt sond tiểu 2 tuần nhưng tình trạng bé vẫn chưa ổn định và chưa tự tiểu.
Một trường hợp bỏng khác là một bé gái 10 tuổi nhiễm SARS-CoV-2. Mặc dù triệu chứng Covid-19, không nặng, nhưng bé đang phải chịu nhiều đau đớn và mệt mỏi vì phải uống nhiều kháng sinh, an thần, giảm đau.
Bệnh nhi cũng bị bỏng nặng toàn thân liên quan nước sôi xông lá do mẹ nấu, đang được các y bác sĩ nỗ lực điều trị, cứu chữa.
Theo các bác sĩ, ngoài nguy cơ bỏng và tai nạn không đáng có do cố tình hay vô ý, về phương diện y khoa, trẻ nhỏ không được khuyến cáo xông bất kỳ lá hoặc thuốc nào ngoài môi trường y tế, do niêm mạc mũi, niêm mạc đường hô hấp rất mỏng, nếu xông trực tiếp vào vùng này sẽ làm hại niêm mạc.
Xông quá nhiều có thể làm khô niêm mạc mũi và làm giảm khả năng chống virus của cơ thể, không chỉ mỗi Covid-19 mà nhiều bệnh về đường hô hấp khác. Xông chỉ là một trong những biện pháp giảm tình trạng khó thở do ngạt hoặc tắc mũi, chứ không giết được virus, không nên lạm dụng.
Việc xông hơi không hề có tác dụng và không an toàn với trẻ, bởi cha mẹ không thể đảm bảo được nhiệt độ an toàn cho trẻ. Đồng thời, các sản phẩm xông không đảm bảo an toàn, chứa hóa chất độc hại khi xông thẳng vào mũi trẻ có thể gây viêm nhiễm, bội nhiễm đường hô hấp.
Xử trí bỏng ở trẻ
Trường hợp trẻ bị bỏng cần được sơ cứu đúng cách ngay từ những giây phút đầu tiên, bởi nếu xử lý sai cách thì tổn thương bỏng chuyển độ sâu, nhiễm trùng, sẽ để lại các di chứng như sẹo lồi, sẹo phì đại, sẹo co rút.
Để xử trí bỏng ở trẻ em, cần tiến hành các bước sau:
- Đầu tiên, phải loại bỏ tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt, đưa trẻ ra khỏi vùng ảnh hưởng.
- Bố mẹ cần cởi bỏ quần áo (đang có nước nóng), đặc biệt là vùng da bỏng để làm mát ngay bằng nước sạch, mát (khoảng 15 - 20 độ C là tốt nhất) trong thời gian ít nhất 20 - 30 phút để giảm bỏng ăn sâu vào da, giảm đau và sưng viêm. Bố mẹ tuyệt đối không dùng đá hoặc nước đá lạnh.
- Tiếp theo, bố mẹ giữ vết bỏng sạch, thoáng, có thể băng nhẹ để giảm đau tại chỗ và ngăn ngừa bụi bẩn. Lưu ý rằng, tuyệt đối không tự ý bôi thuốc, hóa chất lên vết bỏng (như kem đánh răng,...). Nên sử dụng băng gạc vô khuẩn để tránh nhiễm trùng.
- Sau đó, bố mẹ cho trẻ bú nhiều hơn hoặc uống nhiều nước (hoặc oresol) để tránh mất nước, sốc do bỏng.
- Trong trường hợp trẻ còn tỉnh táo, bố mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế gần nhất trong thời gian sớm nhất. Nếu trẻ bị sốc cần bế đầu cao, nghiêng một bên tránh trào ngược thức ăn vào khí quản.
Bên cạnh việc cấp cứu xử lý khi bị bỏng, cha mẹ cũng cần động viên tinh thần, an ủi tránh trẻ bị hoảng loạn, quấy khóc, gây khó khăn trong việc điều trị.